14/09/2017 - 09:21

Triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 

Thủ tướng Chính phủ vừa có điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ảnh Vệ Tinh Vùng Đông Nam Á

Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15; từ ngày 15 đến 16 tháng 9 bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.

Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, cửa sông, đặc biệt là đối với các khu vực đang thi công, khu vực có nguy cơ sạt lở. Rà soát, tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn, chủ động sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu; các nhà không bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ vào; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó với bão theo quy định.

TTXVN

Chia sẻ bài viết