18/04/2018 - 06:00

Trị liệu ánh sáng mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư 

Nhờ đèn đi-ốt phát quang (LED) chi phí thấp, liệu pháp ánh sáng gần đây được ứng dụng nhiều tại các bệnh viện, cơ sở điều dưỡng với lợi ích được chứng minh giúp bệnh nhân cải thiện giấc ngủ, nâng đỡ tâm trạng và tái tạo năng lượng.

Cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của trị liệu ánh sáng trong y khoa là cải thiện sức khỏe tâm thần. Theo đó, việc chiếu ánh sáng trắng giống như buổi sáng đã chứng tỏ hiệu quả trong cải thiện giấc ngủ ở người bị trầm cảm, trầm cảm theo mùa, rối loạn giấc ngủ và xáo trộn nhịp sinh học.

Phòng bệnh có hệ thống trị liệu ánh sáng tại Bệnh viện Nhi khoa Masonic.
Phòng bệnh có hệ thống trị liệu ánh sáng tại Bệnh viện Nhi khoa Masonic.

Gần đây, Hệ thống Y tế Mount Sinai (Mỹ) đã áp dụng liệu pháp ánh sáng trên bệnh nhân ung thư vào sáng sớm để kiểm tra hiệu quả giảm mệt mỏi, buồn chán và cải thiện giấc ngủ. Đơn cử trường hợp của Phillip Christian Smith, một diễn viên và nhà biên kịch 48 tuổi, nhập viện hồi tháng 9 năm ngoái vì đau tủy xương – một dạng ung thư máu. Trong khoảng 2 tuần nằm viện, ông Smith cho biết lúc 7 giờ mỗi sáng, một chùm ánh sáng được chiếu vào giường nơi ông nằm. Vốn có giấc ngủ chập chờn, nay ông Smith đã ngủ yên hơn và ông tin đây là hiệu quả của tiếp xúc ánh sáng.

Trước đó, một nghiên cứu từng cho thấy, 30 phút tiếp xúc ánh sáng trắng của buổi sáng có thể ngăn chặn hoặc điều hòa tâm trạng mệt mỏi ở phụ nữ bị ung thư vú. Các chuyên gia giải thích rằng tiếp xúc ánh sáng cường độ mạnh yếu khác nhau có thể tác động đến nhịp sinh học và chính điều này giúp bệnh nhân ngủ ngon, giảm mệt mỏi và trầm cảm. Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ánh sáng Mariana Figueiro thuộc Viện Bách khoa Rensselaer, cho biết có thể tận dụng tác động của ánh sáng tới nhịp sinh học trong chữa bệnh với tần số, màu sắc và cường độ thích hợp.

Phối hợp Hệ thống Y tế Mount Sinai, Tiến sĩ Figueiro tiếp tục kiểm chứng tác động của ánh sáng có cường độ từ thấp đến cao. Theo đó, 44 bệnh nhân ung thư được chia thành 2 nhóm tiếp xúc với ánh sáng mạnh như buổi sáng hoặc ánh sáng mờ như ban đêm. Ban đầu, 40% số bệnh nhân bị trầm cảm sau tuần đầu tiên nhập viện. Tỷ lệ này không thay đổi ở nhóm được điều trị với ánh sáng mạnh nhưng lại tăng lên 70% ở nhóm tiếp xúc ánh sáng mờ. Các chuyên gia kết luận rằng ánh sáng cường độ cao có thể ngăn bệnh trầm cảm trở nặng và giúp ích cho bệnh nhân ung thư vốn hay mệt mỏi, buồn rầu và mất ngủ. Tương tự, kết quả nghiên cứu gần đây của Đại học Feinberg (Mỹ) cũng cho thấy tiếp xúc ánh sáng có chọn lọc giúp cải thiện giấc ngủ rõ rệt và giảm mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư sau điều trị.

Từ những phát hiện trên, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nếu không có điều kiện tiếp cận ánh đèn quang phổ nên đi dạo hoặc tập thể dục buổi sáng thường xuyên để duy trì tác động tích cực của ánh sáng đối với nhịp sinh học. Trường hợp người bệnh không thể di chuyển dễ dàng, họ có thể ngồi bên cửa sổ để tiếp xúc ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt, đảm bảo cân bằng nhịp sinh học, từ đó nâng chất lượng giấc ngủ.

Có lợi cho bệnh nhân Alzheimer

Ngoài bệnh nhân ung thư, Tiến sĩ Figueiro còn áp dụng liệu pháp ánh sáng tại những cơ sở chăm sóc người cao tuổi nhằm giúp bệnh nhân sa sút trí tuệ (Alzheimer) cân bằng tâm trạng và điều trị rối loạn giấc ngủ. Tại cơ sở điều dưỡng Morning View Assisted Living, Tiến sĩ Figueiro đã thay đổi ánh sáng trong phòng của 15 bệnh nhân. Sau 3 năm, trung tâm ghi nhận liệu pháp thật sự giúp cải thiện tâm trạng và hành vi của bệnh nhân, đặc biệt những người mới mắc bệnh.

Tháng 1-2018, lãnh đạo Trung tâm chăm sóc bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ Marjorie Doyle Rockwell tuyên bố lấy trị liệu ánh sáng làm giải pháp ưu tiên sau khi nhận thấy người bệnh vốn sống khép kín nhưng tinh thần dần khá lên sau khi tiếp cận cách điều trị này. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi khoa Masonic của Đại học Minnesota cũng bắt đầu ứng dụng hệ thống đèn chiếu nhằm điều chỉnh nhịp sinh học cho những bệnh nhi phải nằm viện thời gian dài. Theo các bác sĩ, điều chỉnh nhịp sinh học theo đúng chu kỳ tự nhiên bằng liệu pháp ánh sáng là cách đơn giản nhưng hiệu quả để thiết lập mô hình giấc ngủ lành mạnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục ở các bé.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết