12/03/2009 - 20:48

Trẻ thiếu canxi - khắc phục như thế nào?

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương
Tổ trưởng Tổ Dinh dưỡng, BV Nhi đồng TP Cần Thơ

Nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đến bác sĩ với vẻ mặt lo lắng: Sao con tôi cứ khóc ngằn ngặt về đêm, dỗ thế nào cũng không nín hay là cháu bị đau ở đâu? Có người lại thắc mắc: Sao mấy đứa nhỏ sinh cùng lúc với con tôi ở chung xóm đều đã mọc răng, biết bò... còn con tôi sao chậm quá? Đó có thể là những triệu chứng của tình trạng thiếu hụt can-xi ở trẻ em.

Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để phòng ngừa thiếu canxi.
Ảnh: LỆ THU

Can-xi là một trong những muối khoáng có chức năng quan trọng, can-xi tham gia vào các phản ứng chuyển hóa, điều hòa môi trường trong cơ thể như trong mạch máu, trong tế bào... Đặc biệt, can-xi là thành phần quan trọng của xương bởi 99% xương là can-xi. Chính vì vậy, can-xi rất cần thiết cho người, nhất là đối với trẻ em- những cơ thể đang lớn, cần can-xi để phát triển bộ xương, răng, chiều cao...

Khoảng 2 tuần đầu sau khi chào đời, do xương phát triển mạnh, nhu cầu can-xi của trẻ rất lớn. Trong khi đó, sau khi cắt rốn, lượng canxi từ mẹ cung cấp cho con bị cắt đột ngột và nguồn can-xi cung cấp từ bên ngoài qua sữa thường thiếu. Vì vậy trẻ có thể bị giảm can-xi máu. Mức độ giảm can-xi máu và phản ứng của từng trẻ không giống nhau. Có trẻ có thể tự điều chỉnh được tình trạng này sau vài giờ hoặc vài tuần, tùy theo hoạt động của tuyến cận giáp và chế độ ăn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu can-xi, như: bất thường chuyển hóa vitamin D, suy tuyến cận giáp, chế độ ăn thiếu canxi, thừa phosphate... Ngoài ra, trẻ sinh nhẹ cân, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển trong tử cung, mẹ bị tiểu đường, sinh ngạt, trẻ sinh non bị suy hô hấp... là những đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ không được hoặc ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng dễ bị giảm can-xi máu do thiếu vitamin D. Trẻ bị hạ can-xi máu thường có những triệu chứng sau:

+ Khóc đêm: khi ngủ, trẻ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy, trẻ thường khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt. Cơn khóc có thể kéo dài nhiều giờ hoặc suốt đêm.

+ Đổ mồ hôi trộm: trẻ ra nhiều mồ hôi về đêm, ngay cả khi không vận động.

+ Chậm mọc răng, răng sậm màu, dễ gãy.

+ Bị rụng tóc vùng sau gáy, tạo thành hình vành khăn.

+ Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

+ Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà. Vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.

+ Trương lực cơ giảm: cơ hô hấp kém hoạt động làm trẻ dễ bị viêm phổi; trương lực cơ thành bụng giảm làm cho bụng chướng, rốn lồi.

+ Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, bò, đi, đứng...

+ Trẻ thiếu can-xi thường có biểu hiện tăng kích thích thần kinh cơ hay tình trạng Spasmophilie: có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt do co thắt cơ hoành, ọc sữa do co thắt cơ dạ dày... tiêu và tiểu són nhiều lần do co thắt cơ thành ruột và cơ bàng quang.

Nếu không giải quyết tốt nguyên nhân gây hạ can-xi máu thì ngoài những biến chứng như trên, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Chẳng hạn, khi trẻ lớn lên, đầu có dạng đầu cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát.

Các bà mẹ cần lưu ý rằng can-xi không được tạo ra trong cơ thể mà được cung cấp hàng ngày bởi thức ăn. Những thực phẩm giàu can-xi là: sữa, các chế phẩm của sữa, mè, trứng, tép, cua đồng, rạm, đậu nành, những chế phẩm làm từ đậu nành. Tuy nhiên, để can-xi được hấp thu và sử dụng tốt, cơ thể phải có đủ vitamin D. Nếu thiếu vitamin D thì dù trẻ có ăn uống đầy đủ vẫn bị thiếu can-xi. Đó là những trẻ “còi xương do thiếu vitamin D”. Để tránh cho trẻ bị thiếu hụt can-xi, cần chú trọng:

+ Trong giai đoạn mang thai và cho con bú, mẹ cần ăn uống đủ chất, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày (khoảng 500ml). Trong chế độ ăn của bà mẹ, cần tăng cường các chất giàu canxi như cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa và chất béo.

+ Khi sinh ra, trẻ cần được bú sữa mẹ đầy đủ, đồng thời cả mẹ và bé cùng tắm nắng mỗi ngày. Trẻ có thể tắm nắng từ tuần thứ 2 sau sinh. Nên tắm nắng vào buổi sáng, tốt nhất là 7-9 giờ, nên tránh lúc có gió nhiều hoặc trời nắng gắt. Thời gian tắm nắng mỗi lần là 10-30 phút. Tắm nắng cho trẻ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh sáng mặt trời rọi tới. Lưu ý, không được ngồi sau cửa kính để tắm nắng vì kính làm mất tác dụng của tia cực tím; cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng; chỉ cho bé mặc quần áo ngắn, để da bé tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt.

+ Khi trẻ ăn dặm, phải cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thức ăn và ăn cả xác thức ăn. Thức ăn chính của trẻ là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu can-xi nhất và dễ hấp thu nhất. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của trẻ, cần duy trì ít nhất là 500ml sữa đối với trẻ dưới 3 tuổi hoặc 300ml sữa đối với trẻ trên 3 tuổi. Không pha sữa cho trẻ bằng các loại nước cháo, nước bột, nước rau củ... và nhất là nước khoáng bởi lượng khoáng chất cao trong những loại nước này sẽ làm giảm hấp thu canxi.

Trong chế độ ăn của trẻ, luôn cung cấp đầy đủ chất đạm, nhất là đạm động vật, và chất béo. Mỗi chén thức ăn của trẻ phải thêm 1-2 muỗng cà-phê dầu ăn. Cho trẻ ăn bổ sung các bột dinh dưỡng có thêm can-xi. Thức ăn có nhiều can-xi là cua đồng, ốc nhồi, tép, tôm đồng, trứng, sữa, mè, đậu nành, rau ngót, rau muống, rau bí... Các loại thực phẩm trẻ ăn hàng ngày như: sữa, trứng, thịt, cá, cua, tôm, gan, phô-mai, các loại đậu, tảo, bơ, dầu, mỡ... cũng đem lại nhiều can-xi và vitamin D ở dạng tiền chất (tức là chưa hoạt động). Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời sẽ giúp chuyển hóa tiền vitamin D dự trữ dưới da của bé thành vitamin D hoạt động, giúp tăng sự hấp thụ can-xi ở ruột, tăng sự gắn kết can-xi vào răng, xương, làm chắc răng, giúp xương phát triển và điều hòa can-xi trong máu.

* * *

Có thể nói, thiếu hụt can-xi ở trẻ không phải là bệnh nguy cấp, nhưng về lâu dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ mặc cảm trước những dị tật của cơ thể. Để đề phòng, khắc phục sự thiếu hụt can-xi, các bà mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống của mình ngay từ khi mang thai và sau khi trẻ chào đời, phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Mỗi lứa tuổi có nhu cầu can-xi khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu can-xi ở từng lứa tuổi như sau:

 + Từ 0 đến 1 tuổi: cần 400 mg- 600 mg/ngày.

 + Từ 1 đến 10 tuổi: cần 800 mg/ngày.

 + Từ 11 đến 24 tuổi: cần 1.200 mg/ngày.

+ Từ 24 đến 50 tuổi: cần 800 mg- 1.000 mg/ngày.

+ Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần 1.200 mg-1.500 mg/ngày.

Chia sẻ bài viết