17/06/2008 - 08:24

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ:

Trẻ mắc dị tật bẩm sinh cần điều trị sớm

 

Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ phẫu thuật cho hàng chục trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh (DTBS), như: bệnh lý ống bẹn, bị u ở phần mềm hoặc các dị tật ở các chi. Các bệnh lý này cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, và tốt nhất là điều trị trong dịp hè để trẻ có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Dễ, Trưởng khoa Ngoại BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết:

- Đối với trẻ em, việc điều trị sớm các DTBS là cực kỳ cần thiết. Vì có những DTBS nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Từ đầu tháng 6-2008 đến nay, số ca phẫu thuật theo chương trình (dành điều trị các trường hợp bị DTBS) tăng gấp đôi so với thời điểm trong năm học. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em được người dân tích cực quan tâm và thực hiện hợp lý.

* Xin bác sĩ cho biết dị tật bẩm sinh mà trẻ thường mắc phải?

- DTBS phổ biến ở trẻ em là các bệnh lý về ống bẹn, như thoát vị bẹn, nan thừng tinh, tràn dịch màn tinh, dãn tĩnh mạch thừng tinh và tinh hoàn ẩn. Các bệnh này, do bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình vận động, trong đó, bệnh thoát vị bẹn kể cả trẻ em nữ cũng mắc phải.

Hầu hết các lý bệnh ống bẹn đều “thể hiện” ra bên ngoài nên rất dễ phát hiện trong quá trình chăm sóc. Với trẻ em nam, biểu hiện của thoát vị bẹn là một bìu dái bị phình to hay xệ xuống, trẻ em nữ có một môi lớn bị phình to; do lớp cơ ở vùng bẹn yếu hơn bình thường, bị ruột chèn xuống. Bệnh dãn tĩnh mạch thừng tinh (tĩnh mạch bị phì đại quá mức) do tưới máu trong tinh hoàn không ổn định, bìu dái cũng bị phì to như bị thoát vị bẹn. Bệnh tràng dịch màn tinh (dân gian còn gọi là trứng dái nước), bìu dái như bị lệu ệu do tinh hoàn có lớp dịch bao quanh và trường hợp bị tinh hoàn ẩn là không có tinh hoàn nằm trong bìu dái. Bệnh nan thừng tinh (như có tinh hoàn thứ ba), thường xuất hiện giữa hai tinh hoàn.

* Mức nguy hại của các trường hợp mắc bệnh lý ống bẹn?

- Trong các bệnh lý ống bẹn, chỉ có trường hợp bị nan thừng tinh là không nguy hiểm, vì chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Còn lại tất cả các trường hợp khác đều ảnh hưởng đến khả năng lao động hoặc khả năng sinh sản, như: Trường hợp bị thoát vị bẹn, trẻ càng hiếu động bệnh càng tiến triển nhanh. Bệnh dãn tĩnh mạch thừng tinh, có thể xuất hiện từ nhỏ hoặc trong quá trình trưởng thành, biểu hiện như thoát vị bẹn, nhưng tiến triển chậm, nếu người mắc bệnh có tâm lý chủ quan “bỏ qua”, dần dần sẽ dẫn đến hậu quả là bị mất khả năng sinh sản. Đặc biệt, trường hợp tinh hoàn ẩn và tràn dịch màn tinh là quan trọng nhất trong tất cả các bệnh lý ống bẹn. Vì nếu phát hiện sau 5 tuổi, tinh hoàn đã mất chức năng sản sinh tinh dịch. Nguy hiểm hơn, do nằm sai vị trí nên tinh hoàn ẩn trở thành dị vật trong cơ thể, dị vật này không thích ứng với các tế bào xung quanh, dần dần sẽ bị thoái hóa dẫn đến ung thư.

* Các bệnh lý về ống bẹn được điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

- Các bệnh lý ống bẹn đều phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật gây mê. Với trường hợp trẻ bị tinh hoàn ẩn, nếu được điều trị trước 5 tuổi, bằng phương pháp siêu âm, bác sĩ sẽ tìm được tinh hoàn ẩn để phẫu thuật đưa về đúng vị trí, tinh hoàn ẩn sẽ thích ứng với các tế bào của cơ quan sinh dục và phát huy được khả năng sản sinh tinh dịch. Tương tự, trường hợp tràn dịch màn tinh, việc phẫu thuật nhằm loại bỏ lớp nước bao bọc chung quanh, để tinh hoàn hoạt động bình thường. Các trường hợp còn lại việc phẫu thuật đơn giản hơn. Tùy từng trường hợp, thời gian một ca phẫu thuật thường kéo dài từ 20 đến 30 phút, thời gian nằm viện 1 tuần.

* Xin bác sĩ cho biết trường hợp trẻ bị hẹp da bao quy đầu có phải là DTBS? Cách phát hiện và điều trị?

- Hẹp da quy đầu thuộc dạng DTBS thông thường, tỷ lệ trẻ em nam mắc rất cao nhưng rất dễ phát hiện (do trẻ đi tiểu bị rát), dị tật này không gây nguy hiểm chỉ điều trị bằng phương pháp tiểu phẫu, trường hợp nhẹ không cần gây tê. Đối với trẻ sơ sinh, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra bộ phận sinh dục nếu bị khóc thét khi đi tiểu thì rất có khả năng trẻ bị hẹp da bao quy đầu, nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện đều trị nếu để chậm trễ trẻ sẽ bị nhiễm trùng đường sinh dục.

* Thưa bác sĩ, muốn được điều trị tại BVNĐ TP Cần Thơ, phụ huynh phải thực hiện những thủ tục gì?

- BVNĐ TP Cần Thơ hiện có 2 phòng mổ, trong đó, 1 phòng dành cho các ca mổ cấp cứu. Các bệnh lý thuộc DTBS thuộc diện mổ theo chương trình, tức là bệnh nhân phải được bệnh viện xếp lịch mổ (ngày nhập viện). Phụ huynh có nhu cầu điều trị các bệnh lý bẩm sinh cho con em phải đăng ký trước với bệnh viện để bệnh viện thực hiện thủ tục thăm khám ban đầu, xét nghiệm máu và xếp lịch mổ.

Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi sẽ được hưởng chế độ điều trị miễn phí theo quy định.

* Trường hợp ở trái tuyến có phải thực hiện thủ tục chuyển viện. Riêng trẻ dưới 6 tuổi ở trái tuyến có được BVNĐ TP Cần Thơ giải quyết chế độ miễn viện phí, thưa bác sĩ?

- Do các bệnh viện tuyến quận, huyện trong TP Cần Thơ không thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh lý ống bẹn cho trẻ em, phụ huynh không phải thực hiện thủ tục khám bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở (không cần giấy chuyển viện). Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Hậu Giang nếu điều trị bệnh lý ống bẹn ở BVNĐ TP Cần thơ sẽ được hưởng chế độ miễn viện phí theo quy định. Do Sở Y tế Vĩnh Long và Hậu Giang có ký hợp đồng điều trị trẻ dưới 6 tuổi với BVNĐ TP Cần Thơ. Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi ở các địa phương khác, BVNĐ TP Cần Thơ sẽ cung cấp chứng từ để phụ huynh được địa phương thanh toán chi phí điều trị.

* Thưa bác sĩ, trường hợp bệnh nhi có thẻ bảo hiểm y tế, sau phẫu thuật muốn được nghỉ dưỡng ở phòng điều trị theo yêu cầu có được BVNĐ giải quyết cho hưởng chế độ thuốc theo bảo hiểm y tế?

- Hiện nay, BVNĐ có tổ chức một số phòng điều trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, để tạo công bằng xã hội, hễ bệnh nhi chọn điều trị nội trú ở phòng điều trị theo yêu cầu thì không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Riêng khoa Ngoại của BVNĐ, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép nên chưa tổ chức được phòng điều trị theo yêu cầu. Để đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú của bệnh nhi, khoa đã kê thêm 5 giường bệnh, nâng tổng số lên 40 giường bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

M. Nguyệt (thực hiện)

Chia sẻ bài viết