23/06/2018 - 07:17

Trẻ đa văn hóa bị phân biệt đối xử tại các trường học Hàn Quốc 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công mới đây tiết lộ, trẻ đa văn hóa đang phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử ở các trường học Hàn Quốc. Điều này phản ánh định kiến chống lại những người mang hai dòng máu tại xứ sở kim chi ngày càng gia tăng. 

Một học sinh đa văn hóa và một học sinh Hàn Quốc tại Trường trung học Guro. Ảnh: SCMP
Một học sinh đa văn hóa và một học sinh Hàn Quốc tại Trường trung học Guro. Ảnh: SCMP

“Trẻ đa văn hóa bị các bạn cùng lớp xem là công dân hạng hai. Một số học sinh thậm chí gọi các bạn cùng lớp có cha hoặc mẹ là người Hoa là Jjang kkae” - Kim Hye-young, giáo viên dạy tiếng Hàn tại Trường trung học Guro, cho biết. Được biết, Jjang kkae là một thuật ngữ mà người Hàn Quốc dùng để miệt thị người Trung Quốc.  

Park Sung-choon, giáo sư về giáo dục đạo đức tại Đại học Quốc gia Seoul nói rằng ông cũng nhận thấy điều tương tự khi phỏng vấn các trẻ đa văn hóa. Theo ông Park, một đứa trẻ có phụ huynh là người Mông Cổ mà ông phỏng vấn cho biết tình trạng phân biệt đối xử xảy ra ở mọi nơi, kể cả trong lớp học, sân trường hay sân thể thao. Đó là lý do vì sao tỷ lệ học sinh đa văn hóa bỏ học cao gấp 4 lần so với các bạn cùng lớp.

Ông Park cho rằng tình trạng phân biệt đối xử đối với trẻ đa văn hóa là kết quả của sự hiểu biết lệch lạc về đa văn hóa ở Hàn Quốc. “Người Hàn Quốc tiếp cận các nền văn hóa thiểu số một cách mơ hồ. Do đó, cần phải có nhiều chương trình giáo dục về đa văn hóa được đưa ra để dạy mọi người xem tất cả các nước như là những đối tác bình đẳng, có tiềm năng phát triển như Hàn Quốc” – giáo sư Park phát biểu với SCMP.

Theo con số thống kê mới nhất, có khoảng 1 triệu trẻ đa văn hóa đăng ký theo học tại các trường công lập ở Hàn Quốc. Trong đó, khoảng 90% trẻ kết quả của các cuộc hôn nhân giữa người Hàn Quốc và người nước ngoài. Trong những năm gần đây, số lượng trẻ đa văn hóa tăng mạnh tại các trường tiểu học ở Hàn Quốc, chiếm 2% tổng số học sinh. Các chuyên gia dự báo rằng khoảng 20.000 trẻ đa văn hóa sẽ vào lớp 1 mỗi năm. Giáo viên Kim nhận định, những đứa trẻ đa văn hóa này có tiềm năng lớn nhờ khả năng nói được hai ngôn ngữ của chúng. “Chúng có tiềm năng trở thành các nhà lãnh đạo toàn cầu và xây dựng cầu nối giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ về mặt thể chế dành cho các trẻ đa văn hóa ở trường, đặc biệt là những trẻ không thể nói tiếng Hàn do trước đó chúng sống ở nước ngoài” – cô Kim nói.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết