07/03/2018 - 15:24

Trẻ còi cọc có nguy cơ giảm thính lực 

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát hiện thanh thiếu niên từng bị suy dưỡng ở độ tuổi trước khi đến trường có gấp đôi nguy cơ giảm thính lực so với những bạn bè có đủ dinh dưỡng lúc nhỏ. Đây là kết luận của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Keith West Jr. dẫn đầu tại Đại học Johns Hopkins, sau khi họ tìm hiểu mối liên quan giữa thính lực của hơn 2.200 thanh thiếu niên Nepal và mức độ dinh dưỡng của họ 16 năm về trước.

Khoai tây chứa nhiều magiê và kali. Ảnh: chefSteps

 

Còi cọc là tình trạng suy dinh dưỡng bẩm sinh, thường bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ, giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển chức năng thính giác. Các nhà khoa học cho rằng khi suy dinh dưỡng làm trì hoãn sự phát triển tai trong, đặc biệt là lúc đứa trẻ chưa chào đời, nguy cơ giảm thính lực tăng cao. Những phát hiện này cho thấy tăng cường can thiệp bằng dinh dưỡng có thể phòng chống nguy cơ suy giảm thính lực - tình trạng hiện ảnh hưởng tới ít nhất 116 triệu thanh thiếu niên ở Nam Á.

Tăng cường dưỡng chất bảo vệ thính lực

Các chuyên gia y tế khuyến nghị ngoài bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C và E vào chế độ ăn, phụ huynh cũng nên chú trọng thành phần magiê, vốn được chứng minh có thể giúp phòng ngừa nguy cơ giảm thính lực do tiếng ồn nhờ khả năng trung hòa ảnh hưởng của các gốc tự do. Magiê cũng có đặc tính bảo vệ các tế bào lông nhạy cảm trong tai trong. Một số thực phẩm chứa magiê gồm có bông cải xanh, khoai tây, cải bó xôi và cà chua.

Trong khi đó, kali giúp điều tiết lượng dịch trong máu và mô cơ thể, bao gồm tai trong, nên cũng giúp bảo vệ thính lực. Bằng chứng là khi về già, hàm lượng kali sụt giảm tự nhiên và gây ra chứng mất thính lực do tuổi tác (presbycusis). Kali có trong các thực phẩm như quả mơ, chuối, dưa, cam và khoai tây. Một dưỡng chất khác cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch và giúp đẩy lùi vi khuẩn gây nhiễm trùng tai còn có kẽm - có nhiều trong thịt bò, thịt gà (màu nâu), đậu phộng và hàu.

HẠNH NGUYÊN (Theo Natural News)

Chia sẻ bài viết