22/07/2018 - 07:28

Tranh cãi về “Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ...”? 

Sau 105 năm xuất bản và thất truyền, quyển tiểu thuyết “Hà Hương phong nguyệt” của tác giả Lê Hoằng Mưu vừa được nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn sưu tầm, chỉnh lý và cho xuất bản với lời giới thiệu “Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ và bị chính quyền thuộc địa tịch thu, tiêu hủy”. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về giả thuyết đây là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ.

Bìa cuốn “Hà Hương phong nguyệt”. Ảnh: DUY KHÔI
Bìa cuốn “Hà Hương phong nguyệt”. Ảnh: DUY KHÔI

Vốn dĩ “Hà Hương phong nguyệt” được viết để đăng báo theo kiểu dài kỳ - feuilleton, trên tờ Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1912. Đến năm 1914, tiểu thuyết được độc giả Nam kỳ yêu thích nên đã được in thành sách. Đó là câu chuyện về Hà Hương, một cô gái đẹp, theo lối sống ảnh hưởng Tây phương. Hà Hương và Nghĩa Hữu, con trai một gia đình giàu có, yêu nhau và đi đến hôn nhân. Nhưng vì Hà Hương mê cờ bạc nên gia đình đổ vỡ. Nghĩa Hữu không thôi nhung nhớ Hà Hương dù đã có vợ mới là Nguyệt Ba. Rồi Nguyệt Ba bị giết hại, Nghĩa Hữu biết là do Hà Hương làm nhưng vì si mê vợ cũ nên im lặng… Ngoài tuyến chính, tiểu thuyết còn có những chi tiết cưỡng hiếp, giết người, tình tay ba… Đây là những điều chưa có tiền lệ của văn học quốc ngữ Nam bộ buổi đầu.

Cũng bởi những chi tiết nhạy cảm ấy mà giới văn chương thời đó kịch liệt phản đối, cho đây là “dâm thư”, trái thuần phong mỹ tục. Thậm chí, tờ Công Luận Báo số 48, ra năm 1928, nặng nề chỉ trích tác giả Lê Hoằng Mưu: “Một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam”. Trước sức ép đó, chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam kỳ ra lệnh tịch thu và tiêu hủy sách. Nhà nghiên cứu, PGS-TS Võ Văn Nhơn đã cất công tìm trong tàng thơ ở Pháp để cho ấn bản lần thứ 2 này.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn đưa ra lý do để giới thiệu “Hà Hương phong nguyệt” là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ. Ông dẫn lại công trình “Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865 - 1930” của tác giả Bằng Giang và phần trả lời của nhà văn kỳ cựu Nam bộ Bình Nguyên Lộc trong một cuộc phỏng vấn: “Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn “Hà Hương phong nguyệt truyện” của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917 và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam”.

Nhận định của nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi trước nay, giới nghiên cứu văn chương vẫn tranh cãi xung quanh chuyện đâu là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ. Có người cho là “Tố Tâm” (1925) của Song An - Hoàng Ngọc Phách, người khác lại cho đó là “Thầy Lazaro Phiền” (1887) của Nguyễn Trọng Quản hay “Kiếp phong trần” (1882) của Trương Vĩnh Ký, và nay lại thêm “Hà Hương phong nguyệt” của Lê Hoằng Mưu.

Giới phản biện cho rằng, trước khi ông Lê Hoằng Mưu cầm viết, tiểu thuyết đã xuất hiện rồi. Bằng chứng là trong “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của in năm 1895-1896 đã định nghĩa về tiểu thuyết: “Chuyện nói chơi, sách nói về chuyện ngoài, chuyện đặt để”. Một luồng ý kiến khác cho rằng, xét về cách hành văn với phong cách biền ngẫu, mang tính thơ, vần điệu, “Hà Hương phong nguyệt” chỉ  nên được xem là một truyện thơ, nối dài dòng truyện thơ nôm khuyết danh như “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Thạch Sanh”, “Lâm truyền kỳ ngộ”…

Có lẽ rồi đây, “Hà Hương phong nguyệt” sẽ không thể đứng độc lập là “tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ” mà chỉ là “một trong số”, cùng với các tác phẩm đã xuất hiện trước đó. Nhưng dù sao đi nữa, nỗ lực đi tìm một tác phẩm tưởng như đã thất truyền, chú thích, giải thích rõ ràng các vốn từ cũ từng sử dụng hơn trăm năm trước ở Nam bộ của PGS-TS Võ Văn Nhơn rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. “Hà Hương phong nguyệt” giúp định vị rõ nét hơn về văn học quốc ngữ Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX.

Nhà văn, nhà báo Lê Hoằng Mưu (1879-1941) còn có bút hiệu Mộng Huê Lầu, tạo nhiều dấu ấn trong làng văn, làng báo Nam bộ đầu thế kỷ XX. Ngoài “Hà Hương phong nguyệt”, ông còn có nhiều tác phẩm khác như “Đêm rốt của người tội tử hình”, “Đầu tóc mượn”, “Phùng Kim Huê ngoại sử”… Tác giả Nguyễn Liên Phong đã khen ngợi Lê Hoằng Mưu trong “Điếu cổ hạ kim thi tập” (1915):

“Khen bấy thầy Mưu dạng mỹ miều
Có khoa ngôn ngữ nết không kiêu”

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết