16/08/2015 - 19:20

Tranh cãi quanh việc Nga hủy thực phẩm nhập lậu

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thể hiện sự thách thức các đối thủ phương Tây khi ra lệnh triển khai máy ủi, máy kéo và cả xe lu để tiêu hủy hàng trăm tấn thực phẩm nhập lậu từ các nước này. Tuy nhiên, động thái trên của nhà lãnh đạo xứ bạch dương cũng khiến những người nghèo không có cái ăn phẫn nộ.

Kể từ khi Tổng thống Putin đưa ra quyết định hôm 6-8 yêu cầu tiêu hủy các loại thực phẩm nhập lậu do các thanh tra hải quan thu giữ, kênh truyền hình nhà nước của Nga liên tục phát đi hình ảnh những xe ủi nghiền nát hàng tấn trái cây và rau củ, để lại một lượng rác khổng lồ. Các video tự quay được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội còn cho thấy các quan chức thuộc Cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm Nga Rosselkhoznadzor tiêu hủy nhiều tấn thịt được phát hiện tại khu vực biên giới giáp Belarus và nghiền một lượng lớn thịt ngỗng Hungary được tìm thấy tại một cửa hàng ở một ngôi làng hẻo lánh.

Máy ủi đang nghiền nát rau quả nhập lậu từ phương Tây tại thành phố Smolensk. Ảnh: LA Times

 

Tờ Los Angeles Times cho biết, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Aleksandr Tkachev ủng hộ việc tiêu hủy, đồng thời kêu gọi tăng tốc hoạt động này bằng cách triển khai thêm nhiều "lò hỏa táng" thực phẩm di động đến các trạm kiểm soát biên giới. Ông này cho rằng việc tiêu hủy có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tham nhũng ở các cơ quan chức năng, những người có thể lạm dụng vị trí của mình để bán hàng nhập lậu hoặc tiêu thụ nó. Theo Dmitry Peskov, phát ngôn viên của điện Kremlin, chính sách tiêu hủy thực phẩm nhập lậu nhiều khả năng sẽ được tiếp tục triển khai bất chấp sự phản đối của công chúng. Ông này nói rằng những hình ảnh ghi lại cảnh đốt và nghiền nát thực phẩm có thể khiến một số người "khó chịu" nhưng đó thường là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được tươi sống và có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, nhà hoạt động xã hội Olga Saveleva gần đây đã có bản kiến nghị trực tuyến và nhận được 340.000 chữ ký ủng hộ, trong đó bà yêu cầu thực phẩm nhập lậu bị thu giữ nên trao cho người nghèo. Theo ước tính, số người Nga đang sống dưới mức nghèo đã tăng lên 23 triệu người do sự mất giá của đồng rúp, mà một phần là do các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ cũng như sự tuột dốc của giá dầu toàn cầu.

Được biết, Nga cách đây một năm đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp từ EU nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của Brussels đối với Nga sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina. Hôm 13-8 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo, lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm được mở rộng đến Albania, Montenegro, Iceland, Liechtenstein và Ukraina. Theo hãng tin Sputnik, lệnh cấm nhập khẩu lương thực của Nga đã khiến nông dân châu Âu mất ít nhất 6 tỉ USD. Một viện kinh tế của Áo ước tính, kinh tế EU sẽ tổn thất tổng cộng 114 tỉ USD nếu lệnh cấm của Mát-xcơ-va kéo dài đến tháng Giêng 2016 như kế hoạch.

HOÀNG NAM (Theo LA Times)

Chia sẻ bài viết