22/07/2018 - 18:30

Trái cây vào mùa dội chợ 

Từ cuối tháng 5, nhiều loại cây ăn trái ở ĐBSCL vào mùa chín rộ. Tuy có một vài loại trái cây được xuất khẩu vào thị trường cao cấp, nhưng chưa nhiều. Trái cây tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa và không tránh khỏi điệp khúc “đụng hàng, dội chợ”.

Trái cây đụng hàng, rớt giá

Dân nhà vườn và thương lái mua trái cây ở miền Tây Nam bộ đều biết rành hàng trái cây ra chợ bán trúng giá là rơi vào thời điểm đầu mùa, cho trái chín sớm hoặc biết kỹ thuật ra trái nghịch vụ. Tuy nhiên phần lớn chủ vườn canh tác theo tự nhiên cho cây ra trái vào mùa thuận, vừa đạt năng suất cao, chi phí sản xuất thấp. Có thể nhận thấy từ sau mùng 5 tháng 5 Âm lịch lễ hội trái cây ở nhiều địa phương các tỉnh miền Tây vào mùa trái cây thu hoạch rộ, xe tàu chở dồn dập đi khắp chợ lớn, nhỏ trong vùng.

Giới thiệu trái cây đặc sản TP Cần Thơ.
Giới thiệu trái cây đặc sản TP Cần Thơ. 

Cách thức buôn bán tại thị trường nội địa, trái ngon phân loại, tuyển chọn trái to, màu sắc tươi đẹp đưa vào siêu thị hay ở các cửa hàng trưng bày trên quầy kệ, tủ kính thường có giá cao. Thế nhưng còn một lượng lớn trái cây sau khi phân loại, trái nhỏ dạt ra bán chợ miền quê, bên lề đường, thiếu điều kiện bảo quản, bán không kịp nên trái còn lại xuống màu, kém tươi phải hạ giá, thậm chí “bán đổ bán tháo”.

Vào giữa tháng 6 vừa qua, khi hàng trái vải miền Bắc chở vào Nam bán, đỉnh điểm đầu vụ giá cao trên 25.000-28.000 đồng/kg. Tiếp theo sau đó chừng 2 tuần, chôm chôm miền Tây, miền Đông chín rộ. Lại đụng hàng xoài, nhãn, măng cụt, sầu riêng… tại các đường phố Cần Thơ trái vải bán tràn ra lề đường treo bảng giảm giá còn 16.000-17.000 đồng/kg, chôm chôm trái giảm nhanh từ trên 20.000 đồng/kg trước đó rớt giá còn 15.000 đồng/kg để “đấu” với vải.

Đi về miệt vườn vào lúc này, dân buôn bán trái cây dọc theo đường quốc lộ 61B, đoạn thuộc huyện Phong Điền than dài về tình cảnh trái cây vào mùa giá rẻ. Chị Kim Xuyến có thâm niên bán trái cây 3 năm, nói: Sạp của tôi bán đủ loại trái cây miền Nam như đu đủ, xoài, sầu riêng, mít… và có thêm trái vải miền Bắc. Trái vải mỗi năm vô Nam một lần, đỏ tươi, ngon miệng và bán chạy. Nơi đây có nhiều vườn nhưng giá vải rẻ dần, người đi đám tiệc thường chọn mua vải, chỉ 70.000 -100.000 đồng là mua được đầy giỏ.

Cũng giống như chị Xuyến, bà Sáu Hon từng bán trái cây. Sau hơn một năm vì buôn bán khó khăn bà chuyển qua làm thương lái. Bà Sáu phân trần: Mua bán lẻ dễ đứt vốn như chơi. Trái cây vào mùa về vườn mua về trưng trên sạp để sau 2-3 ngày bị xuống sắc, hao hụt, lỗ lã. Mùa sầu riêng vừa qua, tôi mua giá vốn tại vườn (sầu riêng chín cây không nhúng thuốc) giá vốn 60.000-65.000 đồng/kg. Chỉ sau 2-3 ngày thì 1 trái 5kg bị nhót (giảm trọng lượng). Dâu Hạ Châu mua 20kg, mua tại nhà vườn giá 18.000 đồng/kg, bán 22.000-25.000 đồng/kg, nhưng vừa bán được 2kg thì hai hôm sau số trái còn lại héo queo, khó giữ được giá bán như ngày đầu.

Mở cửa xuất khẩu trái tươi

Những năm qua, xuất khẩu trái cây tươi chỉ chiếm 10% sản lượng. Qua 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,62 tỉ USD giá trị rau quả, tăng 16,54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, phần lớn trái cây ở ĐBSCL được tiêu thụ dạng tươi ở thị trường nội địa, chiếm 85-90% tổng sản lượng hằng năm. Trái cây chế biến chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Thị trường rau quả Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường xuất khẩu chính và ổn định, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt gần 989 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay: Vùng ĐBSCL có 10 loại cây có diện tích lớn là chuối, xoài, nhãn, cam, bưởi, dứa, sầu riêng, thanh long, chôm chôm và quýt. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao… nên năng suất và sản lượng một số loại cây ăn quả tăng trưởng mạnh, khoảng 3-4%/năm. Trong đó ĐBSCL đạt sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn, chiếm 44% sản lượng trái cây của cả nước. Một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở ĐBSCL, Đông Nam bộ được cấp mã code xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.... như thanh long (Bình Thuận, Tiền Giang), nhãn (Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang), chôm chôm (Bến Tre), xoài (Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang).

Tại các tỉnh phía Nam đã có các nhà máy hỗ trợ cho xuất khẩu trái tươi như: Công ty Sơn Sơn (chiếu xạ), Công ty Yasaka, Goodlife, Công ty Hoàng Phát (xử lý hơi nóng). Vùng ĐBSCL đã hình thành những cơ sở đóng gói trái cây có quy mô tương đối lớn như: Hương Miền Tây, Chánh Thu (Bến Tre), Long Việt (Tiền Giang), Hoàng Huy (Long An), Công ty The fruit republic (Cần Thơ)... thu mua tiêu thụ trái tươi. Bên cạnh, đã có các cơ sở chế biến trái cây như: Công ty Long Uyên (Tiền Giang), Công ty rau quả Tiền Giang,... Tiêu thụ sản phẩm trái tươi và chế biến còn có các hệ thống siêu thị như:  Sài Gòn Co-opmart, Metro, Big C,...

Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy và khai thác tốt những tiềm năng và lợi thế này để đem lại nhiều ngoại tệ cho nước nhà, tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho nhà vườn trồng cây ăn trái. Chính vì quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các nhà vườn, chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm và chưa có thương hiêu đủ mạnh.

Như vậy nhìn vào hệ thống tiêu thụ, lưu thông, phân phối trái cây tại thị trường nội địa tuy đã hình thành, song còn nhiều khâu trung gian và phân bố chưa hợp lý. Do vậy, tiêu thụ trái cây gặp tình trạng thừa - thiếu cục bộ ở nơi này hay nơi khác. Vào mùa chính vụ thường rớt giá, khi trái vụ giá tăng cao. Hơn nữa việc phát triển sản xuất và tiêu thụ trái cây vẫn còn tồn tại và hạn chế. Quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh đã có các chính sách hỗ trợ nhưng chưa hoàn chỉnh; Quy mô nông hộ nhỏ, liên kết với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Ngân sách đầu tư cho cây ăn trái còn hạn chế. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng, hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan, không kiểm soát được.

Trong khi đó, vấn đề mở cửa xuất khẩu trái cây gặp trở ngại nào, vì sao chưa tăng trưởng? Tiến sĩ Võ Hữu Thoại liệt kê: Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao khiến giá thành trái cây cao. Kèm theo nguyên nhân không biết cách làm thương hiệu, bao bì, tiếp thị… làm cho trái cây Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.

HỮU ĐỨC - NGỌC BÍCH

Chia sẻ bài viết