13/03/2018 - 07:36

Đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm:

Trách nhiệm từ cả hai phía ngân hàng và khách hàng 

Các vụ việc rủi ro mất tiền trong tài khoản tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại ngân hàng đã từng xảy ra không ít. Tuy nhiên gần đây, vụ việc 245 tỉ đồng khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank “biến mất” gây chú ý hơn cả và đánh mạnh vào niềm tin của người gửi tiền. Một lần nữa vấn đề quản lý rủi ro ngân hàng trở thành tâm điểm. Để hạn chế/ngăn chặn các rủi ro tương tự cần có sự tuân thủ kỷ luật thị trường từ cả hai phía ngân hàng và khách hàng.

Kịp thời trấn an người gửi tiền

Vụ việc tại Eximbank gây chú ý nhiều do 3 yếu tố: thứ nhất, số tiền trong vụ việc quá lớn; thứ hai, rủi ro liên quan đến đạo đức và tuân thủ kỷ luật của nhân sự có chức vụ và quyền hạn của ngân hàng; thứ ba, sự việc được phát hiện chậm và vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù Eximbank đã có nhiều nỗ lực và thiện chí trong thể hiện trách nhiệm với khách hàng. Những rủi ro tương tự vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai với bất kỳ ngân hàng nào. Khi mà với 1 nhân viên được chỉ định chăm sóc 1 khách hàng VIP và hỗ trợ khách hàng thực hiện tất cả các giao dịch với ngân hàng, và lúc nào đó nếu vì sự tiện lợi của khách hàng, ngân hàng và khách hàng (có thể không biết) thỏa hiệp bỏ qua việc tuân thủ kỷ luật trong giao dịch ngân hàng thì nguy cơ mất an toàn giao dịch là rất lớn.

Tuân thủ các quy định về quy trình, thủ tục và địa điểm thực hiện các giao dịch tại TCTD, bảo mật thông tin khách hàng là giải pháp cơ bản phòng ngừa rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VIB. Ảnh: CTV
Tuân thủ các quy định về quy trình, thủ tục và địa điểm thực hiện các giao dịch tại TCTD, bảo mật thông tin khách hàng là giải pháp cơ bản phòng ngừa rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VIB. Ảnh: CTV

Phản ứng trước vụ việc này, nhiều ngân hàng trong đó có Eximbank đã có động thái kịp thời nhằm trấn an khách hàng. Nhiều ngân hàng đã giới thiệu đến khách hàng cách thức theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của mình đang gửi tại ngân hàng. Ngày 1-3, Maritime Bank công bố phương thức kiểm tra sổ tiết kiệm trực tuyến. Khách hàng chỉ cần truy cập website của ngân hàng, nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ. VietABank đã chính thức mở trang công cụ tra cứu sổ tiết kiệm trên website www.vietabank.com.vn. Hay khách hàng của Sacombank cũng có thể tra cứu thông tin bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web http://khachhangthanthiet.sacombank.com. Khách hàng của TPBank kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm thì chỉ cần quét mã QR. Bởi thông tin trên sổ tiết kiệm được TPBank mã hóa theo thuật toán riêng trước khi chuyển thành QR code. Khi khách hàng quét mã QR được in trên sổ, các thông tin được giải mã, truy vấn dữ liệu trên máy chủ của ngân hàng...

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã kịp thời có công văn yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung như: Chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD…

Tăng cường quản lý rủi ro

Theo các chuyên gia ngân hàng, rủi ro của ngân hàng có 3 nhóm chính là rủi ro liên quan đến thị trường, rủi ro liên quan đến tín dụng và rủi ro liên quan đến hoạt động. Trong khi rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường xuất phát từ bên ngoài như khả năng vỡ nợ của người vay, các biến động giá cả thị trường, thì rủi ro hoạt động xuất phát chủ yếu từ những hạn chế trong nội bộ ngân hàng liên quan đến con người, quy trình hoạt động, hệ thống công nghệ… Rủi ro hoạt động có thể dẫn tới hệ quả tài chính như tổn thất bằng tiền, bị phạt do không tuân thủ, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý, tài sản bị mất hoặc hủy hoại… và hệ quả phi tài chính (như ảnh hưởng đến uy tín, các vấn đề truyền thông báo chí, gián đoạn hoạt động, mất khách hàng hoặc bị thanh tra kiểm tra, giám sát đặc biệt…).

Tiến sĩ Phạm Tiến Thành và Thạc sĩ Dương Thanh Hà trong một nghiên cứu về Quản trị công ty và quản lý rủi ro (QLRR) hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, thông tin: Nhiều ngân hàng thương mại như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, VIB… đã áp dụng QLRR hoạt động theo mô hình “3 lớp phòng vệ”. Theo mô hình này: Hội đồng quản trị giám sát rủi ro một cách tách biệt với Ban điều hành, thông qua Ủy ban QLRR và Ban Kiểm soát thiết lập mục tiêu và chiến lược của ngân hàng, khẩu vị rủi ro và chịu trách nhiệm cuối cùng. Lớp phòng vệ thứ nhất do các bộ phận/đơn vị kinh doanh có trách nhiệm QLRR hiệu quả trong phạm vi đơn vị. Theo đó, trực tiếp áp dụng và thực hiện quy chế, quy trình QLRR vào quá trình tác nghiệp hằng ngày trong các quy trình tác nghiệp của đơn vị; kiểm tra và tự kiểm tra giám sát việc QLRR, việc thực hiện các biện pháp/chốt QLRR trong quá trình tác nghiệp tại đơn vị. Lớp phòng vệ thứ 2 do Bộ phận QLRR tập trung và độc lập có trách nhiệm duy trì và giám sát QLRR toàn ngân hàng. Bao gồm: phát triển khung quy chế QLRR, các chính sách, hệ thống, quy trình và công cụ QLRR; đảm bảo khung QLRR bao gồm đầy đủ các bước xác định rủi ro, đánh giá đo lường rủi ro, có giải pháp đối phó với rủi ro, có các chốt kiểm soát/các giới hạn kiểm soát rủi ro, có thông tin/dữ liệu về rủi ro, giám sát và báo cáo về rủi ro; phê duyệt kết quả QLRR theo đúng thẩm quyền được giao. Lớp phòng vệ thứ 3 là Bộ phận kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động độc lập, giám sát đảm bảo tính hiệu quả, tính tuân thủ với chiến lược, chính sách và các quy định QLRR đã đặt ra, đề xuất các bước cải thiện, nâng cao hoặc bắt buộc thực hiện những hành động điều chỉnh khi cần thiết.

Hiện nay nhiều ngân hàng đang hoàn thiện mô hình QLRR theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Từ năm 2014, NHNN đã lựa chọn 10 ngân hàng áp dụng thí điểm tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II bao gồm: Vietcombank, VietinBank, VPBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB Maritime Bank và VIB... Trong khi đó, OCB đã công bố hoàn thành áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Basel II giới thiệu một chuỗi các cách tiếp cận rủi ro tín dụng phức tạp và tập trung mới vào rủi ro vận hành với khái niệm “ba trụ cột” được sử dụng: Yêu cầu vốn tối thiểu; Rà soát giám sát, và  nguyên tắc thị trường.

Ngoài trách nhiệm nâng cao năng lực QLRR của các TCTD, NHNN cũng chú trọng vai trò của người sử dụng dịch vụ - khách hàng của các ngân hàng- trong việc tham gia đảm bảo an toàn trong các giao dịch ngân hàng, giám sát và phòng ngừa rủi ro. Do đó, trong công văn mới đây, NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định và bảo mật thông tin khách hàng.

Về vấn đề này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đặt vấn đề cần phổ cập kiến thức về tài chính cho người gửi tiền. Theo đó, hiểu biết tài chính (financial literacy), theo định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2012), là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết để có thể đưa ra được các quyết định an toàn và cuối cùng đạt được lợi ích về tài chính. Việc phổ cập kiến thức tài chính cho người gửi tiền mang đến nhiều lợi ích thiết thực như: giúp tăng niềm tin của người gửi tiền vào các định chế tài chính và các chính sách của Nhà nước đối với các định chế này, từ đó giúp gia tăng tiết kiệm và đầu tư, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Người dân được phổ cập kiến thức tài chính sẽ góp phần vận hành hiệu quả thị trường tài chính đang ngày càng trở nên phức tạp. Thông qua những yêu cầu về các sản phẩm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của họ, người dân am hiểu tài chính sẽ khuyến khích các nhà cung ứng nỗ lực nghiên cứu và tung ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới, tích cực ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Người dân có nền tảng kiến thức tài chính tốt có thể làm dịu những biến động mạnh trên thị trường tài chính bởi họ ít có thiên hướng phản ứng vội vàng hoặc quá mạnh trước các nhân tố bên ngoài...

LINH CHI

Chia sẻ bài viết