27/08/2012 - 20:22

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh cho động vật

Thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Cần Thơ xin lược ghi giải đáp một số câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hỏi: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật

Trả lời: Điều 11 Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004 quy định: Chủ vật nuôi phải thực hiện các điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật có trách nhiệm: Sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên của cơ quan thú y, người được phép hành nghề thú y.

Ngoài ra, trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc phòng bệnh cho động vật còn được quy định tại Điều 11, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15-3-2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y: Thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi, thức ăn, nước dùng cho động vật, bãi chăn thả, nơi chăn nuôi động vật, việc nuôi cách ly động vật và các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật. Bên cạnh đó, Chủ cơ sở chăn nuôi tập trung phải khai báo với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y có thẩm quyền về chủng loại, số lượng, cơ cấu, nguồn gốc đàn vật nuôi; xuất bán động vật hoặc nhập đàn mới; tình hình dịch bệnh, việc phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật của cơ sở theo quy định của Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản khi có dịch bệnh. Hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi động vật phải có sổ theo dõi việc xuất, nhập động vật, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật; báo cáo với nhân viên thú y cấp xã hoặc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp huyện về đàn vật nuôi khi có dịch bệnh. Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải thực hiện quy định về nuôi cách ly động vật trước khi nhập đàn; vệ sinh thú y đối với thức ăn, nước dùng cho động vật; việc nuôi chung nhiều loài động vật khác nhau trong một cơ sở giống.

Văn Út (thực hiện)

Chia sẻ bài viết