16/10/2008 - 22:36

Trách nhiệm chung chung, càng vô trách nhiệm

Chưa bao giờ tình trạng tử vong vì căn bệnh ung thư ở mức báo động như hiện nay. Chừng 5-10 năm trở lại đây, từ thành phố đến thôn quê, tỷ lệ tử vong do căn bệnh ung thư đang gia tăng rất nhanh! Dù chưa có điều tra xã hội học - y học nào cho biết tại sao căn bệnh ung thư lại phát triển nhiều như vậy, nhưng có một điều làm người ta băn khoăn là môi trường sống đang xuống cấp. Thế nhưng, đâu là thủ phạm chính của căn bệnh này? Và đến nay, khi cơ quan chức năng, mà cụ thể là Cảnh sát môi trường, phát hiện ra các hành vi sai phạm về môi trường của hàng loạt công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, câu hỏi này bắt đầu manh nha được trả lời.

Đối với con người, nước và không khí là nguồn sống vô cùng quan trọng. Trong đó, các con sông đóng vai trò điều tiết môi trường sống. Vậy mà, trong suốt những năm qua, hàng loạt các công ty lớn nhỏ ngang nhiên xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông làm các dòng sông bị ô nhiễm. Chính sự ô nhiễm các dòng sông, kênh rạch, ao hồ cộng với sự lạm dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu, hóa chất phục vụ nông nghiệp đã làm nguồn nước ở nhiều địa phương ngày càng bị ô nhiễm. Nhiều người khẳng định rằng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra căn bệnh ung thư đang ngày một phát triển ở mức cao chưa từng có. Vậy trách nhiệm này do đâu?

Thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế, vì nhiều lý do, chúng ta đặt mục tiêu thu hút bằng được nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Chính sự “dễ dãi” trong chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hoặc là do cơ chế hoặc là do “con người”, mà đến giờ chúng ta đang bị trả giá quá đắt - giá đắt cho cả xã hội đương đại lẫn tương lai. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi các dòng vốn nước ngoài bắt đầu “chảy” vào Việt Nam đã không ít nhà khoa học cảnh báo: “Nếu không có chính sách quản lý tốt, chúng ta sẽ thành nơi không chỉ tập hợp công nghệ cũ của các nước phát triển, mà còn thành bãi rác thải của kiểu kinh doanh chỉ vì lợi nhuận”! Không biết khi đó, những cơ quan cấp phép cho Vedan, Miwon và bản thân các địa phương đó có tiếp thu các ý kiến này hay không?

Khi việc đã rồi, nhiều ý kiến cho rằng, họ (cơ quan quản lý) biết cả nhưng trước mắt phải kéo được dự án để có thành tích phát triển kinh tế, tăng GDP, còn sau thế nào sẽ khắc phục. Hậu quả là từ vụ phát hiện ra Vedan đến nay, trên địa bàn cả nước, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra hàng chục nhà máy- công ty cũng xả nước thải chưa qua xử lý ra sông và môi trường. Thủ phạm khiến các dòng sông bị chết chính là các nhà máy và khu công nghiệp.

Có một điều khá lạ, trong khi thế giới lấy tiêu chuẩn môi trường làm điều kiện quan trọng nhất trong việc thu hút FDI cách đây 20 năm, thì ở nước ta suốt thời gian dài lại rất ít quan tâm đến vấn đề này. Để đến bây giờ, khi phát hiện các dự án phá hủy môi trường sống một cách khốc liệt như vậy thì mới tính đến chuyện “chọn” dự án đầu tư! Dẫu điều này có muộn, nhưng cũng còn hơn không.

Điều quan trọng từ việc hàng loạt các cơ sở “giết chết” môi trường thời gian qua cũng như hiện tại, vấn đề mà dư luận đặt câu hỏi là những ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội và tương lai? Vì rằng, ví dụ điển hình nhất ở Công ty Vedan chỉ có đề nghị xử hành chính, hoặc truy tố hình sự lãnh đạo Công ty đồng thời đóng cửa tạm thời nhà máy. Nhưng những cấp liên đới như cơ quan cấp phép đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học- công nghệ và môi trường bị xử lý ra sao?

Nếu các cơ quan quản lý nghiêm minh, pháp luật được tuân thủ thì liệu những Vedan, Miwon có dám xả chất thải bừa bãi ra các dòng sông khiến nó trở thành dòng sông chết trong thời gian dài đến vậy? Nếu các cơ quan nhanh chóng vào cuộc khi có một số manh nha các vụ ô nhiễm môi trường (như tại Giấy Bãi Bằng... khiến cả làng phải ung thư...) thì trên địa bàn cả nước hàng năm không phải trả giá bằng hàng trăm, hàng ngàn người chết vì ung thư do môi trường sống bị ô nhiễm! Vì lợi nhuận, vì lợi ích cục bộ, vì quản lý lỏng lẻo... dẫn đến sinh mạng người dân bị trả giá mà đâu lại vào đó là không ổn! Không làm rõ trách nhiệm thuộc về ai thì tình trạng thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm sẽ còn tiếp diễn. Hậu quả là môi trường sống và sức khỏe, sinh mạng người dân sẽ tiếp tục bị xâm hại.

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết