11/01/2016 - 13:28

Trà Vinh với quyết tâm xây dựng nông thôn mới

"Ngọc Biên đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới" - chị Trần Thị Hồng Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thông báo cho chúng tôi với giọng hồ hởi ẩn chứa niềm vui khôn tả… Và càng vui hơn khi tỉnh nghèo Trà Vinh có nhiều xã khó khăn, có đông đồng bào Khmer, như: Phú Cần, Tân Sơn, Hiếu Tử… đều đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sau một thời gian nỗ lực xây dựng.

Ít ai hình dung được rằng, xã "vùng ruột" Ngọc Biên lại chuyển mình nhanh đến vậy. Cách đây mấy năm khi nói về hiệu quả của tuyến kinh 3-2 đưa nước ngọt về vùng ruột- trong đó, có xã Ngọc Biên, anh Kim Ngọc Sương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú, nói: "Nhờ kinh 3-2 và các kinh nổi bê tông mà nông dân Ngọc Biên nổi lên với các cánh đồng rẫy bạt ngàn. Nước làm mát các cánh đồng cỏ cháy để đời sống bà con khấm khá hơn". Nhưng, Ngọc Biên chỉ thực sự ‘thay da đổi thịt" từ khi được chọn là 1 trong 17 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Trà Vinh. Chị Thủy nhớ lại: "Lúc ấy, Ngọc Biên chỉ đạt 8/19 tiêu chí NTM, các tiêu chí còn lại hầu hết là tiêu chí khó nên Đảng ủy xác định, muốn xây dựng NTM thành công phải có sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện sâu rộng trong nội bộ và quần chúng nhân dân về các văn bản chỉ đạo của Bộ ngành Trung ương, tỉnh, huyện về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, gắn với thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các mô hình dân vận khéo. Đồng thời, xã đã cấp phát 3.290 tài liệu, tờ bướm, sổ tay, đĩa CD tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Kinh – Khmer, lắp đặt các pano tuyên truyền trực quan về nội dung xây dựng NTM...

Giao thông nông thôn thuận tiện, góp phần thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp ở Trà Vinh. Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè.

Khi tư tưởng đã "thông", địa phương được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, phong trào xã hội hóa, chung tay xây dựng NTM ở Ngọc Biên đã thực sự phát huy hiệu quả. Trong gần 5 năm qua, có 363 gia đình ở Ngọc Biên đã hiến 92.626 m2 đất, cây cối, hoa màu; người dân còn đóng góp 1.371 ngày công lao động để thực hiện 12,893km đường giao thông, 13 cây cầu nông thôn, 30 công trình thủy lợi... Chị Thủy cho biết thêm, Ngọc Biên có trên 81% hộ đồng bào Khmer, trong đó, không ít hộ còn khó khăn, tuy nhiên, khi đồng bào nghe cán bộ địa phương giải thích về cái lợi của việc làm cầu, đường... bà con đã nhiệt tình ủng hộ.

Người dân Ngọc Biên cũng sẵn sàng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy, xã đã thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất 3 vụ lúa, 1 vụ lúa 2 vụ màu; vùng lúa cá, lúa tôm. Đồng thời, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất đạt 100% diện tích, khâu thu hoạch máy gặt đập liên hợp chiếm trên 95% diện tích. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được thực hiện, như: mô hình trồng lúa chất lượng cao ở ấp Ba Cụm, mô hình chuyên canh đậu phộng ở ấp Sà Vần A, mô hình nuôi bò sinh sản ở các ấp: Rạch Bót, Tha La, Giồng Cao và Tắc Hố. Song song đó là dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, như: mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở 3 ấp: Sà Vần B, Giồng Cao và Tha La; dự án nuôi heo ở các ấp: Tắc Hố, Ba Cụm, Sà Vần B và Sà Vần A... Anh Thạch Thương, ấp Giồng Cao, chia sẻ: "Nhờ Nhà nước hỗ trợ cất nhà và vốn làm rẫy nên gia đình tôi đã ổn định, con cái học hành đàng hoàng. Tôi đang tham gia cùng địa phương xây dựng NTM để điều kiện sống của bà con phum sóc mình tốt hơn". Bây giờ, từ Trà Cú, xe chạy bon bon về Ngọc Biên vì ngoài 2 tuyến trục xã nhựa hóa đạt chuẩn, đường trục chính ấp, xóm có tổng chiều dài 22,79 km cũng được nhựa hóa, các tuyến đường nhánh, đường nội đồng cũng đã được cứng hóa, đi lại thuận tiện cả vào mùa mưa.

Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng NTM ở Trà Vinh là có sự vào cuộc" rất quyết liệt của hệ thống chính trị. Chẳng hạn, khi Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và ra mắt 17 câu lạc bộ "Chung tay xây dựng nông thôn mới". 17 CLB này đã thu hút 1.700 thành viên, trong đó có toàn thể những cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân 17 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Chính sự gương mẫu của những cán bộ đảng viên, đoàn viên hội viên các tổ chức chính trị xã hội đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức xây dựng NTM. Như lời bà Thạch Thị Út, ở ấp Ông Rùm 1, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, chia sẻ: "Nhà tôi dưới dốc cầu Ông Rùm, cặp Quốc lộ 54 nên khi mở rộng tuyến đường nhựa 3 mét, nhà tôi thành hai mặt tiền. Dù vậy, tôi cũng tự nguyện hiến cho Nhà nước một phần đất để mở rộng đường. Cũng có ý kiến tiếc rẻ, nhưng tôi nghĩ muốn làm đường thông thoáng, xóm làng tươi đẹp hơn, bà con đi lại thuận tiện thì mỗi người phải đóng góp một chút. Chứ nếu chỉ lo tính toán cho mình thì biết bao giờ đường sá mới tốt đẹp hơn!".

Theo lộ trình xây dựng NTM của tỉnh Trà Vinh, đến năm 2020, tỉnh sẽ có 50% số xã cơ bản đạt chuẩn xã NTM, riêng huyện Trà Cú- huyện có đông đồng bào Khmer- có 70% số xã đạt tiêu chí NTM. Với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chắc rằng Trà Vinh sẽ đạt được mục tiêu này.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết