02/01/2013 - 21:12

TP Cần Thơ hướng đến
“Nền sản xuất nông nghiệp sạch, tăng trưởng xanh”

Theo các chuyên gia, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là nơi lý tưởng để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của TP Cần Thơ có xu hướng thu hẹp đã ảnh hưởng đến giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm. Trước tình hình này, thành phố chủ trương phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Đây là bước đi căn cơ để thành phố không ngừng nâng cao năng suất, giá trị nông sản, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích…

Tiền đề mang tính khoa học

Theo Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 2-6-2008 của UBND TP Cần Thơ về phê duyệt "Chương trình Xây dựng và phát triển NNCNC TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai xây dựng mạng lưới khu, trạm NNCNC và các dự án ưu tiên thuộc Chương trình NNCNC. Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch 3 khu NNCNC: Khu NNCNC 1 tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai; Khu NNCNC 2 thuộc xã Thới Hưng và Khu NNCNC 3 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ khoa học nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; Viện Lúa ĐBSCL xây dựng các dự án ưu tiên thuộc chương trình NNCNC như: Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất các loại rau an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa; dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây con nông nghiệp; dự án tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của nền NNCNC…

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, giai đoạn 2006-2010, tổng kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp gần 17 tỉ đồng. Với nguồn vốn này, TP Cần Thơ thực hiện 31 đề tài, dự án cấp thành phố thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ từ các viện, trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, triển khai có hiệu quả một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao như: Mô hình ứng dụng công nghệ tin học - GIS trong cảnh báo dịch hại trên diện rộng; mô hình hướng dẫn nông dân gieo sạ đồng loạt, né rầy; triển khai chương trình VietGap trên lúa; nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu bằng thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng HACCP và SQF 1000-2000CM…

Về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đánh giá: TP Cần Thơ là nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL… Chính nơi đây đã hỗ trợ thành phố nghiên cứu và thực hiện dịch vụ chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố hiện còn không ít khó khăn do nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất theo hướng công nghệ cao lớn trong khi khả năng của các doanh nghiệp, nông hộ, trang trại còn hạn chế. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển NNCNC và tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo quy trình công nghệ cao vẫn gặp không ít trở ngại và bất cập…

Hướng đến nền nông nghiệp sạch - xanh

Qua phân tích thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định số 2231/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2012-2020". Theo Quyết định được phê duyệt, Đề án phát triển NNCNC TP Cần Thơ tiến hành theo 2 hướng: Thứ nhất, nền nông nghiệp đô thị áp dụng cho vùng ven với tốc độ đô thị hóa cao, đất nông nghiệp giảm mạnh trong khi lao động nông nghiệp vẫn còn nhiều. Các mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu gồm: trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh, nuôi cấy mô giống cây các loại, trồng nấm cao cấp… Thứ hai, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa kỹ thuật cao với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hình thành 2 vùng hàng hóa chủ lực: Lúa phục vụ xuất khẩu, làm giống và vùng nuôi trồng thủy sản với mặt hàng chủ lực là cá tra để phục vụ tiêu dùng nội địa, chế biến xuất khẩu và làm giống…

Đề án phát triển NNCNC TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư là 338 tỉ đồng, phân kỳ đầu tư qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 2012-2015, từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng tâm là các khu NNCNC, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đến năm 2015, Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai được xây dựng hoàn chỉnh; triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 tại xã Thới Hưng và Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ để kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, TP Cần Thơ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: hệ thống các doanh nghiệp; các khu công nghiệp, nông nghiệp; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống thủy lợi phục vụ NNCNC. Với định hướng này, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố…

Để cụ thể hóa "Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2012-2020", Sở NN&PTNT triển khai Đề tài "Xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020". Theo ông Phạm Văn Quỳnh, mục tiêu đề tài hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, đạt tăng trưởng xanh, tạo nguồn hàng hóa nông sản chất lượng cao, ổn định phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp thành phố đề xuất 25 nhiệm vụ KHCN trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Theo đó, ở lĩnh vực trồng trọt chú trọng đến công tác giống và ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ sinh học, quy trình GAP đối với những nông sản chiến lược của vùng ĐBSCL. Lĩnh vực chăn nuôi tập trung kiểm soát dịch bệnh và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đối với thủy sản, ngành nông nghiệp chú ý đến khâu giống, xử lý vấn đề về ô nhiễm môi trường...

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Liên kết sản xuất lúa theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là nơi lý tưởng để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Các hình thức liên kết cung ứng - tiêu thụ; tổ chức lại sản xuất qua việc quy hoạch, kiến thiết đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa một cách đồng bộ... muốn thực hiện thành công đều rất cần sự góp sức của những thành tựu khoa học công nghệ. Ngoài ra, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần hạ giá thành sản xuất lúa, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều ý kiến cho rằng, để nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, TP Cần Thơ cần huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau nhằm đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã đề ra, tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Song song đó, ngành nông nghiệp thành phố cần tăng cường sự liên kết với các viện, trường để việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thực hiện bài bản, hiệu quả…

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết