23/06/2018 - 20:36

TP Cần Thơ có 4 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm 

An Giang: Sạt lở đất bờ sông, di dời khẩn cấp 14 nhà dân

Danh sách các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại vùng ĐBSCL. Ảnh: nguồn Internet
Danh sách các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại vùng ĐBSCL. Ảnh: nguồn Internet

(CT)- Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, TP Cần Thơ - Trung tâm vùng ĐBSCL, được xác định có 4 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 12.600m trên Bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố.

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng ĐBSCL đang ngày một gia tăng, diễn ra rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển. Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai công tác rà soát, đánh giá, phân loại sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển và xây dựng bản đồ sạt lở tại vùng ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL xác định có 562 điểm/786 km sạt lở bờ sông, bờ biển (513 điểm/520 km sạt lở bờ sông, 49 điểm /266 km sạt lở bờ biển), trong số đó có 55 điểm/173 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Các tỉnh có điểm sạt lở nhiều nhất là An Giang, Kiên Giang và Tiền Giang. Riêng, TP Cần Thơ được xác định có 4 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 12.600m...

Bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến một cách nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở, từng bước kiểm soát an toàn, phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài. Bộ NN&PTNT cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết địa phương triển khai thực hiện việc cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở; tổ chức di dời hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; quản lý việc khai thác cát sỏi lòng sông, hạn chế việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, ven biển... góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra, tạo điều kiện phát triển kinh tế  xã hội bền vững tại vùng ĐBSCL.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: H. VĂN
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: H. VĂN

* Sáng 23-6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) Ngô Hoàng Hiếu cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra một vụ sạt lở đất bờ sông với chiều dài 233 mét, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân.

Cụ thể, vào sáng 22-6, tại khu vực tổ 49, ấp Bình Quới, xã Hòa An, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), dọc theo sông cái Tàu Thượng (giáp ranh giữa xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài 233 mét chạy dọc theo tuyến đường liên xã Hòa An, Hội An và Hòa Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Vụ sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 14 hộ dân, trong đó có nhiều căn nhà bị sụp lún sâu gần 1 mét.

Nhận được tin báo, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới đã có mặt tại hiện trường, cùng các ban, ngành chức năng và chính quyền xã Hòa An chỉ đạo di dời khẩn cấp nhà, tài sản của 14 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Đến sáng 23-6, huyện đã di dời được 7 hộ dân và đang tiếp tục vận động 7 hộ còn lại di dời đến nơi an toàn.

Do vụ sạt lở ăn theo tuyến đường liên xã Hòa An, Hội An và Hòa Bình (huyện Chợ Mới) với lượng xe lưu thông nhiều, nên để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh gia tăng nguy cơ sạt lở, huyện Chợ Mới đã tiến hành phân luồng giao thông, cắm biển cấm xe ô tô đi vào khu vực đang xảy ra sạt lở.

Trước mắt, sau khi di dời các hộ dân đến nơi an toàn, huyện Chợ Mới sẽ tiến hành gia cố tuyến đường liên xã Hòa An, Hội An và Hòa Bình bằng đá hộc và xây dựng bờ kè trên toàn tuyến để hạn chế sạt lở, đảm bảo nhu cầu đi lại.

Về lâu dài, huyện Chợ Mới sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh An Giang tiến hành khảo sát, quan trắc toàn tuyến sông cái Tàu Thượng để cảnh báo và có giải pháp khắc phục sạt lở một cách triệt để.

H.VĂN - CÔNG MẠO (TTXVN)

Chia sẻ bài viết