19/04/2018 - 10:14

Tổng thống Pháp cảnh báo nguy cơ “nội chiến châu Âu” 

Hôm 17-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ảnh) đã cảnh báo về cái gọi “chủ nghĩa phi tự do” ở lục địa già và mô tả những bất đồng xung quanh các giá trị bên trong Liên minh châu Âu (EU) như “một cuộc nội chiến châu Âu”.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), chủ nhân Điện Élysée cho rằng châu Âu đang trong cuộc xung đột giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa chuyên chế dân túy mới. “Chúng ta đang trong tình cảnh chia rẽ và hoài nghi nội bộ. Dường như có một dạng nội chiến châu Âu mà ở đó những lợi ích ích kỷ đôi khi quan trọng hơn những giá trị chung châu Âu”- Tổng thống Macron lập luận.

Ảnh: Hurriyet Daily

Theo báo New York Times, bài phát biểu trên được đưa ra không lâu sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người cổ xúy “dân chủ phi tự do”, tái đắc cử nhiệm kỳ 3, cũng như kế hoạch “đại tu” ngành tư pháp tại Ba Lan. Brussels đang bất hòa với Warsaw xung quanh chuyện cải cách tòa án gây tranh cãi ở nước này; bên cạnh đó là những lo ngại tại Hungary sau khi nhà lãnh đạo 54 tuổi tái đắc cử nhờ chủ trương chống người nhập cư. Đề cập đến 2 quốc gia này, ông Macron cảnh báo châu Âu đang rơi vào vòng xoáy “mê hoặc của chủ nghĩa phi tự do”.

Chưa đầy một năm sau khi vượt qua đối thủ chính là thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhà lãnh đạo 40 tuổi đang muốn ghi điểm trong nước lẫn ở châu lục. Ông Macron có bài phát biểu đầy tha thiết ở thời điểm nhiều quốc gia EU lớn tiếng đòi hỏi thêm chủ quyền và các lực lượng dân túy đang trỗi dậy. Do vậy, nhà lãnh đạo Pháp hối thúc EU “xây dựng chủ quyền mới cho châu Âu” và theo đuổi những cải cách cần thiết để cứu lấy liên minh 28 quốc gia thành viên này. Ông Macron đề xuất tạo ra một châu Âu hội nhập chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với những quốc gia sử dụng đồng euro.

Theo đó, ông Macron kêu gọi thành lập quỹ mới cho châu Âu để giúp các cộng đồng tiếp nhận người nhập cư và nhấn mạnh rằng Paris sẵn sàng đóng góp thêm vào ngân sách của khối để lấp vào khoảng trống khi Anh rời EU. Người đứng đầu quốc gia hình lục lăng còn muốn Pháp và Đức trở thành lực lượng tiên phong trong việc thực hiện những kế hoạch cải cách đầy tham vọng cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), bao gồm chuyển đổi Cơ chế bình ổn châu Âu thành Quỹ Tiền tệ châu Âu, giống như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để có thể giải quyết vấn đề nợ công của một quốc gia và các cuộc khủng hoảng tài chính khác.

 THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết