26/06/2017 - 22:04

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 – 29/6/2017)

Tôn vinh nhà cách mạng tiên phong

"Người là viên ngọc quý. Dáng đứng ông cao lồng lộng. Giặc sợ run khiếp đảm kinh hoàng trước người cộng sản hiên ngang. Đó là ông Châu Văn Liêm…". Những ngày cuối tháng 6 về Thới Lai, được nghe bài "Người là viên ngọc quý" theo thể điệu Long ngâm, ca ngợi người con ưu tú của quê hương- nhà cách mạng Châu Văn Liêm, chợt dâng niềm tự hào. Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm, Cần Thơ có nhiều hoạt động ý nghĩa, tôn vinh người thầy- nhà cách mạng tiên phong của đất Tây Đô và của cả nước.

Đền thờ trên quê hương

Cơn mưa cuối tháng 6 trắng xóa vùng quê nông thôn mới Thới Thạnh- Thới Lai nhưng những công nhân tại công trình xây dựng Đền thờ Châu Văn Liêm vẫn miệt mài chăm sóc từng khóm hoa, cây kiểng, dọn vệ sinh để Đền thờ kịp hoạt động vào đúng sinh nhật của đồng chí Châu Văn Liêm. Ở giai đoạn 1, công trình có diện tích khoảng 8.900m2, với các hạng mục: cổng rào, trụ biểu, nhà bia, cầu dẫn, đền thờ chính, nhà nghỉ chân, sân lễ, đường kết nối với sông Ô Môn… có tổng mức đầu tư hơn 27 tỉ đồng. Với kiến trúc đình đền truyền thống, khuôn viên thoáng mát, cao ráo, Đền thờ Châu Văn Liêm uy nghiêm, trang trọng và góp phần điểm xuyết cho một vùng nông thôn mới. Khách ấn tượng với hai trụ biểu cao sừng sững, biểu trưng cho khí phách, trung hiếu tiết liệt của một nhà cách mạng.

Một góc Đền thờ Châu Văn Liêm.

Đền thờ Châu Văn Liêm được xây dựng trên chính nơi "chôn nhau cắt rốn" của nhà cách mạng tiền bối, thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ hôm nay. Anh Châu Hoàng Minh, cháu gọi đồng chí Châu Văn Liêm là ông bác Ba (ông nội anh Minh là em thứ Năm) có mặt tại công trình từ ngày mới thi công, làm công nhân. Anh Minh cho biết: "Được góp công xây nên Đền thờ là vinh dự cho tôi và cả gia tộc". Anh Minh nói rằng, trước đây vào các dịp lễ, Tết, giỗ chạp, địa phương đều đến nhà anh- nơi thờ đồng chí Châu Văn Liêm, cách Đền thờ hiện hữu không xa- để thắp nhang tưởng niệm. Bây giờ có Đền thờ, việc tưởng nhớ sẽ thêm phần trang nghiêm, người dân thành phố và mọi nơi cũng sẽ có dịp để thể hiện lòng ngưỡng vọng với cụ.

Tháng 6 về Thới Thạnh, hỏi chuyện sắp khánh thành Đền thờ Châu Văn Liêm, bà con ai cũng hồ hởi, nói rằng, cụ Châu Văn Liêm không chỉ là bậc tiền bối của tộc họ Châu mà khắp vùng đều kính trọng, biết ơn cụ. Chú Nguyễn Hữu Hoàng, người dân ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, nói: "Đền thờ cụ Châu Văn Liêm được xây dựng, bà con chúng tôi vui mừng hết sức. Chúng tôi sẽ nhắc nhở con cháu đến nhang khói cho cụ thường xuyên". Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, cho biết, vài tuần trước ngày khánh thành Đền thờ, địa phương đã ra quân, vận động bà con dọn dẹp, vệ sinh môi trường thật đẹp để mừng sinh nhật đồng chí Châu Văn Liêm. Bên cạnh đó, chuyện phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương đồng chí Châu Văn Liêm cũng được địa phương quan tâm, vun bồi.

Tái hiện một cuộc đời lớn

Nói đến đồng chí Châu Văn Liêm, có thể khái quát cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của ông trong 3 chủ đề lớn: Người học trò hiếu học, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản; Người thầy giáo mẫu mực; Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Bí thư An Nam Cộng sản Đảng- một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí hy sinh khi chỉ mới 28 tuổi, ngay độ thanh xuân của đời người, nhưng để lại cho cách mạng Việt Nam những di sản vô giá, một nhân cách lớn để thế hệ hôm nay học tập và noi theo.

Anh Châu Hoàng Minh, cháu gọi đồng chí Châu Văn Liêm là Ông Bác, giới thiệu về những bức ảnh được trưng bày tại Đền thờ.

Ban Quản lý Di tích TP Cần Thơ đã sưu tầm, trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong khuôn viên Đền thờ sao cho khái quát cuộc đời của đồng chí Châu Văn Liêm và hấp dẫn người xem. Nói về quá trình sưu tầm hiện vật, bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý Di tích thành phố, kể rằng, bà ấn tượng nhất là đi đến Long Xuyên, Chợ Mới (An Giang)- nơi cụ Châu Văn Liêm từng hoạt động, rồi đến Long An- nơi cụ hy sinh… đều được chính quyền và bà con giúp đỡ, thể hiện lòng ngưỡng mộ với đồng chí Châu Văn Liêm. "Nhiều ngôi trường ở An Giang mang tên Châu Văn Liêm, có tượng đài của cụ uy nghiêm. Nhiều người dùng danh xưng "Người" khi nói về cụ"- bà Mỹ kể.

Ấn tượng trong trưng bày là mô hình nhà đồng chí Châu Văn Liêm thời thơ ấu bên Rạch Tra thơ mộng; những hình ảnh, hiện vật khái quát cuộc đời cụ qua 3 mảng: quê hương, gia đình; sự nghiệp cách mạng; và tiếp bước đồng chí Châu Văn Liêm. Đó là hình ảnh Ô Môn thời Pháp thuộc; những hình ảnh cha, vợ và các con cháu của đồng chí Châu Văn Liêm; ngôi nhà thầy giáo Lâm Văn Phận- nơi đồng chí Châu Văn Liêm trọ học tại Cần Thơ; những tấm bằng sơ học yếu lược, đíp-lôm của đồng chí Châu Văn Liêm... Bên cạnh đó, những hình ảnh, tư liệu thể hiện tấm lòng hậu thế dành cho nhà cách mạng tiền bối thật đáng trân trọng. Đó là phường, công viên, ngôi trường, con đường… mang tên Châu Văn Liêm ở Cần Thơ, An Giang; phù điêu tái hiện cuộc biểu tình ngày 4-6-1930 ở Đức Hòa- Chợ Lớn do đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo; bia lưu niệm chạm khắc hình đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Ung Văn Khiêm tại phủ thờ gia đình đồng chí Ung Văn Khiêm ở Chợ Mới… Và còn có những cuốn sách, con tem, bài hát ca ngợi công lao của đồng chí Châu Văn Liêm với quê hương đất nước. Điểm đặc biệt trong trưng bày là các hình ảnh được làm bằng chất liệu sơn mài vừa bảo quản được lâu dài lại đẹp, hấp dẫn người xem, bên cạnh những hình ảnh thể hiện bằng hộp đèn led hiện đại. Tất cả sẽ kể cho khách tham quan nghe chuyện đời, chuyện làm cách mạng của nhà cách mạng đất Tây Đô.

***

Tháng 6 trên quê hương Thới Thạnh. Những cánh đồng lúa mướt xanh đang thì con gái, những hàng phượng vĩ đỏ rực vùng trời như níu lòng du khách. Về Thới Thạnh, ghé Đền thờ Châu Văn Liêm, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ nhà cách mạng luôn đi đầu, như một lời tri ân…

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 trong một gia đình Nho học tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ; nay bao gồm quận Ô Môn, huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ). Đến năm 1927, tại Long Xuyên, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức "Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên", một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 2-1928, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ "Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên" tỉnh Long Xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát triển hội viên và tổ chức cơ sở Hội. Tháng 11-1929, đồng chí mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản. Sau hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Châu Văn Liêm được giao nhiệm vụ hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang đến Cà Mau.

Ngày 4-6-1930, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm sưu, giảm thuế, không được khủng bố nông dân, không được bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Đồng chí Châu Văn Liêm vừa đưa yêu sách vừa cổ vũ đoàn biểu tình đồng thanh hô vang các khẩu hiệu và buộc tên quận trưởng chấp nhận các yêu sách. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh ở tuổi 28.

Nguồn: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 29/6/2017)- Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết