15/10/2017 - 09:00

Tình yêu phương Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương 

Cuối năm 2012, Giáo sư-NSND Nguyễn Văn Thương đã vĩnh viễn lìa xa đời sống âm nhạc ở tuổi 84. Nhắc đến ông, người yêu nhạc thường nhớ ngay đến “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa” và một số ca khúc khác. Ông còn di sản đồ sộ với nhiều bản khí nhạc được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trên sân khấu quốc tế. Hầu hết những tác phẩm đó luôn canh cánh nỗi niềm hướng về Nam...

GS-NSND Nguyễn Văn Thương.

Từ công chức bưu điện đến nhà soạn nhạc

Xuất thân công chức ngành bưu điện, vốn say mê và có năng khiếu sáng tác nhạc, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương khi ấy chuyển sang hoạt động nghệ thuật, chủ yếu nhờ tự học. Mùa hè năm 1936, sau khi đỗ bằng thành chung, ông cùng nhóm bạn thuê thuyền đi dã ngoại đêm trăng trên sông Hương, đàn hát cho nhau nghe. Chuyến đi là cảm hứng cho bản nhạc đầu tiên của ông: “Trên sông Hương”, có điệu thức chưa nhạc sĩ Việt Nam nào sáng tác trước đó.

Rồi ba năm sau, đêm giao thừa Hà Nội năm 1939, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thương không tiền về Huế ăn Tết, lang thang khắp phố phường trong nỗi nhớ nhà tê tái. Nghe tiếng còi tàu vọng lên từ sân ga Hàng Cỏ, nhìn hành khách nhộn nhịp hồi hương; chân bước qua phố Khâm Thiên, bỗng gặp một cô đầu đang đợi khách, đôi tay trần trắng tái giữa trời sương lạnh. Tình khúc “Đêm đông” ra đời với những câu ca da diết: “Đêm đông - Xa trông cố hương buồn lòng chinh phu / Đêm đông - Bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng / Đêm đông - Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư / Đêm đông - Ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”.

Sau khi tham gia tổng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương hoà mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Năm 1948, đang công tác ở Nghệ An, ông nghe tin quê hương bị giặc Pháp tấn công, đàn áp dã man. Ông khóc. Bạn bè đồng hương ông khóc. Cả nước bàng hoàng. Trong nỗi đau thương tột cùng ấy, tráng khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” ra đời: Hướng về Nam / Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong / Hướng về Nam / Ai đã vô Đông Hà, đã qua Ngô Xá, đã đi Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong / Hướng về Nam / Ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền, mến dòng Sông Gianh biết danh Lũy Thầy / Giờ đây lửa cháy ngút trời / Máu nhuộm đồng xanh, ôi đau thương điêu tàn...”.

Từ đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn đóng góp quan trọng vào nền khí nhạc khi kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc truyền thống dân tộc với kỹ thuật hiện đại, với cảm hứng chủ đạo là hướng về miền Nam như: “Đồng Khởi”, “Nhớ về Nam”, “Trở về đất mẹ”, “Ngày hội non sông”, “Buôn làng vào hội”, “Vũ khúc Tây Nguyên”, “Quê hương Tây Nguyên”…

“Cỗ xe xuyên rừng” và cảm hứng giao hưởng “Đồng Khởi”

Sinh thời trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cho biết vào khoảng đầu thập niên 1930, phim câm dần nhường bước cho phim có tiếng, có nhạc. Ông sáng tác nhạc cho nhiều bộ phim như: “Vợ chồng A Phủ”, “Sao tháng Tám”, “Thành phố lúc rạng đông”...

Ông còn soạn nhạc cho nhiều vở múa, vũ kịch, độc tấu và giao hưởng. Đặc biệt, kể từ năm 1996 trở đi, sau khi nghỉ làm công tác quản lý, năm nào ông cũng có tác phẩm nhạc thính phòng hoặc giao hưởng được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Giai đoạn này ông chú trọng đến tác phẩm khí nhạc hơn, dù thể loại này đòi hỏi nhiều thời gian và công phu.

Giáo sư- Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thương là người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ, từng làm giám đốc đầu tiên và góp công xây dựng, phát triển Nhạc viện Hà Nội, đưa âm nhạc cổ truyền từ hệ trung cấp lên đại học. Ông cũng là người đầu tiên của giới âm nhạc được Nhà nước vinh tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2 năm 2001).

Nhạc sĩ cho biết ông đến với khí nhạc tình cờ. Cuối năm 1949, Chi hội Văn nghệ Liên khu 4 cử ông vào Bình Trị Thiên làm đại diện. Một người học trò cũ đã gặp ông nhờ tổ chức chương trình văn nghệ cho lễ mừng công của trung đoàn. Đội văn nghệ chỉ có bốn văn công: một guitare, một sáo, hai mandoline; vừa đàn vừa hát “bao sân” hơi đơn điệu. Ông nghĩ cách thay đổi cho phong phú, hấp dẫn hơn. Và bài “Cỗ xe xuyên rừng”, tức “Diligence sous bois” của Pháp được ông ghi lại cùng bốn văn công tập luyện, biểu diễn. Tiết mục rất thành công, được yêu cầu diễn lại. Giữa chiến khu, những người lính cảm nhận được âm điệu tiếng chim rừng, tiếng vó ngựa toát ra từ bản nhạc.

Nhạc sĩ từ đó bắt đầu có cảm hứng với khí nhạc, tự học để nâng cao trình độ và sáng tác. Ông cũng được Nhà nước tạo điều kiện cho đi nước ngoài tu nghiệp. Năm 1965, ông có cơ hội sang làm thực tập sinh ở Nhạc viện Bắc Kinh, nhưng do hoàn cảnh lịch sử của nước bạn lúc đó, việc học tập dở dang. Đến năm 1969, ông lại được cử đi nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leipzig của Cộng hòa Dân chủ Đức. Khoảng thời gian này, ông đã hoàn thành bản giao hưởng thơ “Đồng Khởi”, gồm ba phần, nói về những ngày miền Nam đấu tranh thống nhất dân tộc, với hình ảnh hy sinh của một người mẹ trong đội quân tóc dài. Trong đó, ông vận dụng hai tiết tấu đặc biệt của dân tộc là hai khổ trống tam liên và ngũ liên để kết thúc đoạn cao trào của bản giao hưởng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng thổ lộ rằng: “Hầu hết tác phẩm của tôi đều viết về đề tài miền Nam, tâm đắc và ấp ủ nhiều nhất về Đồng Khởi, nên lúc học ở Đức, tôi dồn hết tâm huyết. Nhà trường đã đánh giá bản “Đồng Khởi” không đơn thuần là bài tập tốt nghiệp mà là một tác phẩm thực thụ. Kỷ niệm hai mươi năm thành lập Nhạc viện Leipzig, tại phòng hòa nhạc trung tâm thành phố, “Đồng Khởi” đã được trình diễn dưới sự chỉ huy của Tiến sĩ Forster, dàn nhạc hàn lâm Leipzig. Năm 1986, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Latvia lại trình diễn bản này, có mời tôi sang dự”.

Những bản độc tấu âm vang sân khấu quốc tế

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn sáng tác độc tấu cho nhiều loại nhạc cụ. Năm 1956, khi đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn ở nước ta, chứng kiến nghệ sĩ Phùng Tử Tồn độc tấu sáo, ông có ý tưởng sáng tác bài sáo riêng của Việt Nam. Ông phối hợp với nghệ sĩ sáo Ngọc Phan của Đài Tiếng nói Việt Nam lấy chủ đề từ bài dân ca Lý hoài nam và chỉnh đốn, nâng cao, phát triển cấu trúc để sáng tác thành bản khí nhạc “Nhớ về Nam”, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc dân gian truyền thống với kỹ thuật của âm nhạc hàn lâm hiện đại.

Bản sáo “Nhớ về Nam” đã được tiếng sáo trúc của NSƯT Đinh Thìn cùng dàn nhạc Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn, trở thành một tiết mục độc đáo của nghệ sĩ Đinh Thìn, đạt nhiều huy chương vàng trong những cuộc thi biểu diễn trong và ngoài nước. Nhà xuất bản Âm nhạc Bắc Kinh đã ấn hành tác phẩm “Nhớ về Nam” vào năm 1962, xem như tổng phổ nhạc dân tộc Việt Nam đầu tiên phát hành ở nước ngoài.

Đến năm 1968, ông viết bản độc tấu sáo thứ hai “Ngày hội non sông”. Ngoài việc sử dụng những làn điệu quê hương miền Trung, ông còn dùng bộ gõ đệm cho sáo. Tác phẩm được NSND Đỗ Lộc biểu diễn rất thành công ở trong và ngoài nước, đoạt Huy chương vàng Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ X tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1973, được UNESCO và nhiều đài các nước ghi âm.

Cuối tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được Bộ Văn hóa cử làm tổng chỉ huy các đoàn nghệ thuật vào phục vụ miền Nam vừa giải phóng. Trên đường công tác, ông tranh thủ về thăm nhà ở Huế, gặp lại cha, nhưng mẹ ông đã mất. Bản nhạc “Trở về đất mẹ” cho độc đấu cello và piano ra đời trong hoàn cảnh ấy. GS-NSND Bùi Gia Tường đã biểu diễn bài này lần đầu tiên và được hoan nghênh nồng nhiệt.

Năm 1978, nghệ sĩ độc tấu cello nổi tiếng Markus Stocker của Thụy Sĩ sang biểu diễn ở nước ta đã chọn “Trở về đất mẹ” vào chương trình độc tấu của ông. Sau đó, trong quá trình lưu diễn ở các nước, ông có gửi về cho hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và Trọng Bằng bản chương trình đêm diễn, trong đó “Trở về đất mẹ” là tác phẩm kết thúc. “Tôi đã phối bài này cho dàn nhạc dây, được GS-NSND Trọng Bằng chỉ huy để thu vào đĩa Dihavina. Nhiều nhà biên đạo đã dùng nhạc “Trở về đất mẹ” để dựng thành bài múa rất xúc động”- GS. Nguyễn Văn Thương cho biết.

PHAN HUỲNH 

Chia sẻ bài viết