02/02/2009 - 20:03

Xung quanh việc tinh giản biên chế năm học 2008-2009, bà Trần Cẩm Tú, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ:

Tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ để kiện toàn đội ngũ, đáp ứng yêu cầu mới

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa triển khai Công văn số 2433/ SGDĐT-TCCB ngày 24-12-2008 đối với việc thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế trong đội ngũ giáo viên năm học 2008- 2009. Đây là vấn đề nhạy cảm, thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo công bằng, vừa tạo được sự đồng lòng nhất trí của cán bộ, giáo viên? Phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với bà Trần Cẩm Tú, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, về vấn đề này.

* Theo đánh giá của bà, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của TP Cần Thơ hiện nay có đáp ứng được nhu cầu thực tế?

- Trong những năm qua, ngành giáo dục thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức những lớp nâng chuẩn, vượt chuẩn cho cán bộ, giáo viên. Đến nay, trên 90% giáo viên của thành phố đạt và vượt chuẩn. Ngoài việc tổ chức các lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn, ngành giáo dục cũng tạo điều kiện cho giáo viên tham gia học các lớp nâng cao trình độ. Hiện nay, ngành có 1 tiến sĩ, 29 thạc sĩ. Bên cạnh đó, có 2 người đang theo học tiến sĩ và 93 người đang theo học thạc sĩ.

Để tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp cao học khi có điều kiện thuận lợi, ngành giáo dục đã mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ sau đại học. Các lớp học này là dạng tích lũy tín chỉ để sau khi thi đậu cao học, giáo viên đã có đủ các tín chỉ cần thiết. Hằng năm, ngành giáo dục thành phố đều thực hiện có hiệu quả 3 mặt- sàng lọc; đào tạo-bồi dưỡng, sử dụng; đãi ngộ- nên chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành ngày một nâng lên.

 

Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói qui mô và chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu mới. Toàn ngành còn thiếu khoảng 500 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non. Một số môn thiếu nguồn giáo viên, như: Tin học, Giáo dục quốc phòng... Tỷ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ vẫn còn thấp.

* Thưa bà, ngành giáo dục thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP như thế nào để việc tinh giản biên chế không trở thành nỗi lo, áp lực nặng nề đối với giáo viên?

- Thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ, giáo viên, bố trí sắp xếp lại đội ngũ. Những giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ được chuyển đổi công việc phù hợp hoặc ngành giải quyết nghỉ theo chế độ. Từ năm 2007 đến nay, đã có 100 trường hợp được giải quyết nghỉ việc; riêng trong năm học 2007-2008 là 88 trường hợp.

Việc thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ là nhằm mục tiêu kiện toàn đội ngũ: tinh giản những người không đủ điều kiện công tác và tuyển chọn những người được đào tạo chính qui, có kỹ năng sư phạm tốt để phục vụ lâu dài. Từ đó, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới, đồng thời, đủ khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh. Vì vậy, những giáo viên yêu nghề, tâm huyết với nghề và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ thì việc tinh giản biên chế không hề là nỗi lo, áp lực nặng nề.

* Không ít đối tượng thuộc dạng tinh giản biên chế là những người đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục trong giai đoạn khó khăn. Làm thế nào để khi tinh giản, những đối tượng này không mang cảm giác bị “vắt chanh bỏ vỏ”, thưa bà?

- Sau 2 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ, chưa xảy ra phản ứng gì từ những người nằm trong diện tinh giản biên chế. Đó là nhờ các đơn vị trực thuộc, các phòng giáo dục đã có bước chuẩn bị chu đáo về mặt tinh thần cho các đối tượng này. Những giáo viên thuộc diện tinh giản là những người trình độ không đáp ứng được yêu cầu, sức khỏe yếu, quá tuổi đào tạo lại nhưng không tham gia các lớp bồi dưỡng của ngành... Trước khi thực hiện tinh giản, ngành giáo dục đã tạo điều kiện về mặt thời gian cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng hoặc đào tạo lại để có thể tiếp tục bố trí công tác. Sau khi phân tích, tham khảo nguyện vọng của các giáo viên, những trường hợp muốn tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục, các trường cũng sẽ sẵn sàng bố trí lại công tác phù hợp.... Chính cách làm chu đáo và tận tình như trên nên hầu hết giáo viên thuộc diện tinh giản cảm thấy hài lòng.

* Thưa bà, bên cạnh việc tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ, ngành giáo dục còn thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp giữ vị trí quản lý quá lâu ở một đơn vị?

Toàn ngành giáo dục TP Cần Thơ hiện có 12.363 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, có 1.778 giáo viên mầm non; 5.449 giáo viên tiểu học; 3.528 giáo viên THCS; 1.608 giáo viên THPT và các đơn vị trực thuộc. 

- Hằng năm ngành giáo dục thành phố đều tham gia quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn quận, huyện; kiện toàn tổ chức trường học, cơ sở giáo dục, bố trí đúng, đủ cán bộ giáo viên. Ngành cũng đã điều động, luân chuyển 4 cán bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm 6 cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc. Thế nhưng, việc luân chuyển cán bộ cũng gặp không ít khó khăn. Bởi vì trong cùng một địa bàn, khoảng cách giữa các trường có thể xa hơn hàng chục km. Khoảng cách đi lại lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như công việc của từng người. Vì vậy, mặc dù rất quan tâm đến việc luân chuyển cán bộ quản lý nhưng khi xét luân chuyển mỗi trường hợp, ngành cũng phải cân nhắc rất nhiều.

* Xin cảm ơn bà!

LY GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết