18/11/2018 - 16:10

Tín hiệu vui cho phim cổ tích Việt Nam 

Phim cổ tích Việt Nam khởi phát cách đây khoảng 20 năm, do TFS - Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện. Bẵng một thời gian, dòng phim này đang được các nhà làm phim quan tâm, sản xuất, tạo nên một sản phẩm giải trí thú vị và nhân văn cho thiếu nhi Việt Nam.

 

Tiên phong trong định hình giờ vàng phát sóng phim cổ tích Việt Nam là Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long với những phim mới hoàn toàn được liên kết sản xuất. Định kỳ vào mỗi tối Chủ nhật hằng tuần, kênh THVL1 giới thiệu phim cổ tích mới với chất lượng hình ảnh đẹp, kỹ xảo tốt và đầu tư khá nhiều về đạo cụ, bối cảnh. Sau khi chương trình này chiếm thị phần khán giả khá cao, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long lại mở thêm “Chuyện xưa tích cũ” vào mỗi tối và cũng chiếm nhiều tình cảm của khán giả, không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn. Thử làm một khảo sát nhỏ, các phim cổ tích của THVL phát lại trên Youtube và THVLi đều có hàng chục ngàn đến vài trăm ngàn lượt xem và thích.

Phim cổ tích “Thịt gà thuốc chồng” phát sóng kênh THVL1. Ảnh chụp từ màn hình.

Mới đây, Purpose Media và HTV3 cũng vừa cho ra mắt sê-ri chương trình “Cổ tích Việt Nam” nằm trong chuỗi phim truyền hình “Rồng rắn lên mây”, phát trên kênh HTV3 vào thứ 5 và thứ 6 hằng tuần lúc 18 giờ 30 phút, từ ngày 1-11. Dự án này được thực hiện trong 3 năm (2018-2020). Năm 2018, dự án bao gồm 10 câu chuyện cổ tích (mỗi truyện 2 tập): “Cậu bé thông minh”, “Của Thiên trả Địa”, “Sự tích hoa dâm bụt”, “Sự tích hoa cúc chi”, “Sự tích cây vú sữa”, “Tam và Tứ”, “Sự tích ông Táo”, “Lọ nước thần”, “Hai cô gái và cục bướu”, “Cây tre trăm đốt”.

Có thể xem hai dự án phim cổ tích trên là dài hơi và được đầu tư có chiều sâu. Đây là tín hiệu vui mà nhiều phụ huynh mong chờ, bởi lâu rồi, nhiều người bối rối không biết cho con mình xem gì sau giờ ăn tối. Các kênh chuyên biệt dành cho thiếu nhi đa phần lại là phim hoạt hình nước ngoài hoặc có cổ tích, cũng chỉ là “bổn cũ phát lại”. Việc các em được xem cổ tích Việt Nam khiến phụ huynh vui bởi các em sẽ được học về giá trị văn hóa, truyền thống, cách đối nhân xử thế của ông bà xưa (vốn đã được nhà sản xuất chọn lọc kỹ).

Tuy nhiên, con đường phim cổ tích Việt Nam đến với nhiều thiếu nhi còn nhiều khó khăn. Đội ngũ biên kịch cho dòng phim này đang thiếu bởi không dễ chuyển tải câu chuyện thời “ngày xửa, ngày xưa”. Bối cảnh, đạo cụ cũng khó vì tốn nhiều chi phí, nhưng đôi khi không am hiểu lại không thể hiện được. Ngoài ra, phim cổ tích Việt Nam hiện nay chỉ phát trên kênh truyền hình và mạng internet chứ không thể phát hành đĩa bán chạy như cách đây 20 năm nên áp lực quảng cáo “lấy thu bù chi” là rất lớn.

Dù sao, phim cổ tích Việt Nam đang đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng trong sự háo hức của thiếu nhi và cả người lớn.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết