11/02/2018 - 14:27

Tín hiệu mới...

Tuần qua nhiều phương tiện truyền thông đều chú ý và đưa tin tập trung vào sự sụt giảm rất mạnh của Thị trường Chứng khoán Việt Nam, đài VTV1 còn có chuyên mục “sự kiện & vấn đề hôm nay” về chủ đề này. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp thường kỳ tháng một tuần qua cũng đã nhắc nhở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan quản lý phải theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời…

Điều đó cho thấy, thị trường Chứng khoán Việt Nam giờ không còn là một sân chơi nhỏ bé mà đã trở thành một kênh đầu tư thực thụ, một nơi huy động vốn và thoái vốn đáng kể cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước nắm vốn cổ phần, với hơn 2 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với mức đỉnh mà nó đạt được vào tuần cuối tháng 1-2018 thì vốn hóa của thị trường này đã lên đến hơn 140 tỉ USD, đạt hơn 60% GDP của cả nước. Nhưng tuần đầu tháng 2-2018, thị trường đã giảm mất 112 điểm, tương đương với mức giảm 10,04% so với mức đỉnh 1.115 điểm được thiết lập ngày 26-1-2018, trong đó có những phiên giảm gần hết biên độ cho phép của một phiên là 7%. Tại sao lại có sự giảm điểm mạnh như vậy ? Đi tìm nguyên nhân cho thấy có 2 nguyên nhân chính:

Một là, Thị trường Chứng khoán Việt Nam năm qua và tháng 1-2018 đã tăng quá mạnh, thuộc top 3 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới, nên việc điều chỉnh là cần thiết để tạo sự cân bằng và tiếp tục đi lên cùng với đà tăng trưởng GDP của cả nước.

Hai là, chứng khoán thế gới tuần qua đã giảm quá mạnh và bất ngờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán trong nước. Tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt 5.2%, Nasdaq Composite giảm 5.1%. Các thị trường chứng khoán khác như: Shanghai Composite của Trung Quốc lao dốc 14,6% so với mức đỉnh được xác lập cuối tháng 1-2018. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông đã bốc hơi 13%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng bị lao dốc 12,6%. Chỉ số Dax30 của Đức mất 11,7%. Thị trường các nước khác của của châu Âu cũng mất từ 9 đến 11%. Chỉ số FTSE JSE All-Share ở Johannesburg, Nam Phi cũng giảm đến 11% so với mức kỷ lục xác lập hồi cuối tháng 1-2018. Giảm mạnh nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn thế giới có lẽ là Chỉ số Merval của Argentina đã giảm mạnh đến 16% sau khi lên mức cao nhất từ trước đến nay vào ngày 1-2-2018.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng và giảm mạnh như vậy là bởi nền kinh tế chúng ta ngày càng có độ mở với thế giới rất lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã đạt con số cao kỷ lục là 402 tỉ USD, với thặng dư thương mại đạt 2,68 tỉ USD. Việt Nam lại có quan hệ thương mại với gần 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có hàng chục hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước trên thế giới nên khi chứng khoán thế giới bị chao đảo thì chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo là điều khó tránh khỏi nhưng đó còn là do một phần bởi sự cộng hưởng của tâm lý hoan mang của nhà đầu tư, còn xét về lâu dài thì Thị trường Chứng khoán Việt Nam có lẽ sẽ giảm ít hơn thế giới (nếu thế giới giảm tiếp) vì kinh tế vĩ mô của chúng ta có phần tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của thế giới.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết