23/11/2013 - 20:52

Tìm lại sức sống cho cải lương đồng bằng

Hơn chục năm qua, người ta thường dùng những từ có ý nghĩa tiêu cực như: èo uột, tối đèn, khai tử… để nói về sân khấu cải lương đồng bằng. Thế nhưng thực tế cho thấy, cải lương và những câu vọng cổ vẫn thu hút đông đảo người mộ điệu. Vấn đề là làm sao để cải lương chuyên nghiệp tiếp cận khán giả…

Khoảng 3 tháng qua, những người mộ điệu cải lương, vọng cổ ĐBSCL được tham gia và thưởng thức nhiều cuộc thi như: "Hạt ngọc mùa vàng" do VTV Cần Thơ và Khánh Vương Media tổ chức, "Tiếng hát nông dân" của Đài PT-TH TP Cần Thơ, "Sen vàng vọng cổ" của Đài PT-TH Vĩnh Long, "Tiếng hát Đài PT-TH Bạc Liêu"… Hầu như cuộc thi nào cũng có đông thí sinh tham dự và khán giả chật ních khán phòng.

Cuộc thi "Hạt ngọc mùa vàng" đã chứng tỏ cải lương vẫn có sức sống trong lòng người mộ điệu. Trong ảnh: Các thí sinh của Bạc Liêu thi diễn trích đoạn trong vở "Một phút một thời" ở vòng tuyển chọn.

Điển hình như cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương "Hạt ngọc mùa vàng" đã kết thúc vòng thi tuyển chọn. 32 thí sinh được chọn lựa từ hàng trăm thí sinh khu vực ĐBSCL đã diễn 9 trích đoạn cải lương một cách khá trọn vẹn, bài bản. Những thí sinh mới hôm qua là nông dân, vốn chỉ quen "tay cuốc tay cày" nhưng khi hóa thân, diễn trên sân khấu lại toát lên khí chất của người nghệ sĩ. Hay ở cuộc thi "Tiếng hát nông dân", rất nhiều thí sinh tuổi chưa tròn đôi mươi hay đã ở tuổi "xưa nay hiếm" vẫn đi thi để thỏa niềm đam mê. Tất cả chứng tỏ sức cuốn hút của vọng cổ, cải lương.

Từ các cuộc thi có thể thấy cải lương vẫn sống trong lòng người mộ điệu. Thế nhưng phải nhìn nhận đây là những cuộc thi dành cho giới không chuyên. Cái khó là làm sao để sân khấu chuyên nghiệp "lợi dụng" được sức sống đó để trở lại thời hoàng kim. ĐBSCL hiện nay có gần chục Đoàn cải lương và CLB Cải lương có thể dàn dựng vở phục vụ khán giả. Tuy nhiên, do nhiều lý do về kinh phí, nhân lực mà hầu hết các đoàn vài ba năm mới dàn dựng một vở và chỉ với mục đích tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan. Chỉ khi có hội diễn liên hoan, các đoàn mới được đầu tư dựng vở mới, chủ yếu để bảo toàn danh tiếng cho đơn vị.

Mới đây, trong chuyến công tác một số tỉnh, thành ĐBSCL nhằm tìm hướng ra cho sân khấu đồng bằng hiện nay, ông Trần Thắng Vinh, Chủ tịch Liên chi hội Sân khấu Việt Nam khu vực ĐBSCL, cũng nhìn nhận: do hiện nay 5 năm mới có một kỳ liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp nên các nghệ sĩ sân khấu chưa có sân chơi đúng tầm. Việc phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ cũng gặp trở ngại dù họ có nhiều thành tích, cống hiến. Từ đó, nhiều người có tâm lý chán ngán, không còn chú tâm làm nghề.

Ngoài ra, sân khấu cải lương đồng bằng đang thiếu những kịch bản hay, mang hơi thở của đời sống hiện đại. Nhiều kịch bản vẫn theo mô típ cũ, lối mòn, chưa tạo sự đồng điệu cho người xem. Nhiều đoàn cải lương không được đầu tư đội ngũ viết kịch bản, đạo diễn nên phải thuê mướn các đạo diễn, soạn giả từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… khiến cho nhiều vở cải lương có phong cách na ná nhau, không thúc đẩy sự sáng tạo của lực lượng làm nghề trong các đoàn.

Để cải lương mãi là món ăn tinh thần, là động lực kéo khán giả đến với sân khấu, vẫn cần thiết phải có những kịch bản hay, phản ánh hiện thực cuộc sống đương đại, khai thác những đề tài nóng, đề tài khó. Theo ông Trần Thắng Vinh, Chủ tịch Liên chi hội Sân khấu Việt Nam khu vực ĐBSCL, năm 2014, Liên chi hội sẽ tổ chức một trại sáng tác kịch bản sân khấu quy mô khu vực ĐBSCL. Liên chi hội cũng sẽ đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội diễn sân khấu cải lương 5 năm 2 lần để anh em nghệ sĩ có dịp thi diễn, cọ xát.

Giữ gìn và phát triển cải lương trong đời sống hiện đại không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, đáp ứng nhu cầu của người mộ điệu mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trăm năm của đồng bằng.

ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết