01/11/2014 - 16:13

Tìm hiểu về Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer Nam bộ

Từ ngày 30-10 đến 7-11-2014, đồng bào Khmer Nam bộ sẽ tưng bừng chào đón một trong những lễ hội lớn nhất trong năm - Lễ hội Ok-Om-Bok. Năm nay, Lễ hội Ok-Om-Bok càng rộn ràng, phấn khởi hơn khi đầu tháng 9 vừa qua đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện quốc gia.

Lễ hội đậm tính nhân văn

Lễ hội Ok-Om-Bok diễn ra vào trung tuần tháng 10 âm lịch hằng năm mà tâm điểm là đêm Rằm tháng 10. Tuy nhiên, do năm nay nhuận tháng 9 âm lịch nên Lễ hội Ok-Om-Bok được tổ chức vào tháng 9 nhuận.

Theo quan niệm và thực tế sinh hoạt của đồng bào Khmer Nam bộ, nước luôn gắn liền với mọi hoạt động đời sống con người. Vì vậy, bà con xem một số hiện tượng, vật thể thiên nhiên như các vị thần, trong đó có Thần Nước (Preas Công kia), đem lại hạnh phúc cho con người. Khi bị hạn hán, bà con Khmer thường tổ chức lễ cầu mưa. Và khi kết thúc vụ mùa bội thu, bà con không quên làm lễ tạ ơn gọi là lễ đưa nước (“Lôi Preas tip”). Do lễ đưa nước có nghi thức cúng trăng nên gọi là Lễ Cúng Trăng (“Thvai Preas khe”), và thường được gọi là Lễ Ok-Om-Bok do có nghi thức đút cốm dẹp.

Lễ Cúng Trăng được tổ chức vào ban đêm, lúc mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn cây. Các lễ vật cung tiến khá đơn giản, gần gũi, chủ yếu là sản vật do bà con vun trồng, cấy hái có được như: khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột… Đặc biệt, lễ vật dâng cúng bắt buộc phải có cốm dẹp. Cốm dẹp là loại cốm được bà con Khmer dùng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp. Tất cả các lễ vật được trưng bày đẹp mắt trên chiếc bàn đặt giữa sân, mọi người trong gia đình cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Sau đó, nghi thức quan trọng khác được thực hiện là Lễ Ok-Om-Bok – tức Lễ Đút cốm dẹp. Sư sãi, các vị achar, người có uy tín trong cộng đồng, phum sóc hoặc người cao tuổi nhất (trong gia đình) chọn thức ăn mỗi thứ một ít nắm vào tay, trong từng nắm ấy lúc nào cũng phải có cốm dẹp. Người chủ sự lần lượt đút vào miệng từng trẻ nhỏ song song với động tác vỗ nhẹ sau lưng cùng với câu hỏi: “Cháu (con) ước muốn điều gì?”. Trẻ nhỏ sẽ bày tỏ ước mơ, hoài bão của mình. Lễ Đút cốm dẹp cầu mong cuộc sống no đủ, phồn thịnh. Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống chiếu và mọi người cùng quây quần thưởng thức, với ý nghĩa chung hưởng lộc của Thần Mặt Trăng, cũng là thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình thân, “chia ngọt sẻ bùi”.

 Đua ghe ngo – một hoạt động truyền thống trong Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer Nam bộ.

Ngoài phần lễ nghiêm trang, ý nghĩa, Lễ hội Ok-Om-Bok còn đươc tổ chức ở các chùa, phum sóc với phần hội rộn ràng, vui tươi, mang tính cộng đồng rất cao, với các hoạt động như: hội hoa đăng, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, cùng nhau hát múa những bài ca, điệu múa truyền thống dưới ánh trăng rằm trong niềm vui được mùa… Đặc biệt, cuộc thi đua ghe ngo thu hút rất đông bà con Khmer, Kinh, Hoa thưởng thức. Hằng năm, các tỉnh có đông bà con Khmer như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… đều tổ chức đua ghe ngo dịp này.

Những truyền thuyết về Lễ hội Ok-Om-Bok

Xoay quanh nguồn gốc của Lễ hội Ok-Om-Bok, một số công trình nghiên cứu như: “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ” do tác giả Sơn Phước Hoan chủ biên, “Văn học dân gian Sóc Trăng” do Phó Giáo sư Chu Xuân Diên chủ biên, “Địa chí tỉnh Sóc Trăng 2012”… đều thống nhất ở sự tích về tiền kiếp của Đức Phật.

Truyện kể rằng, trong các tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, có một kiếp Ngài hóa thành một Bạch thố (thỏ trắng), sống dọc sông Hằng. Bạch thố kết bạn với rái cá, khỉ và chó rừng. Bạch thố vốn thông minh, hiền lành và biết tu thân. Bạch thố luôn nhắc nhở các bạn cứ đến ngày trăng tròn sẽ ngồi thiền, nhịn đói, giữ thân trong sạch và làm việc thiện.

Một sớm đến ngày trăng tròn, trong khi ba bạn đều tìm được mồi thì Bạch thố không đi tìm mồi mà chỉ ngồi thiền trước cửa hang. Lòng tốt của các con vật làm động lòng trời. Ngọc hoàng hóa thân thành kẻ ăn xin xuống trần gian thử lòng. Ông đến xin rái cá, chó rừng và khỉ, được chúng mời ăn những “chiến lợi phẩm” đã săn bắt được nhưng ông đều từ chối: “Chờ tôi tắm rửa sạch sẽ rồi dùng sau”.

Cuối cùng, ông tìm đến Bạch thố xin ăn. Bạch thố liền đáp: “Thưa, người hãy đi tìm nhiều cây khô mang đến đây nhóm thành đống lửa, tôi sẽ dâng lên người một món ăn!”. Ngọc hoàng đi nhặt, gom cây khô vác lại chất thành đống rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa cháy lớn, Bạch thố liền nhảy vào nướng mình để làm thức ăn cho ông lão. Song, lửa không đốt cháy Bạch thố vì ngọn gió đã thổi tắt lửa. Ngọc hoàng hiện ra, khen ngợi cử chỉ của các con vật. Ngọc hoàng nói với Bạch thố: “Đối với lòng hy sinh cao cả của ngươi, ta phải để cho người đời noi gương”. Ngọc hoàng tự biến thành cao lớn, đụng tới mây xanh, vẽ hình Bạch thố lên mặt trăng. Từ sự tích này, đồng bào Khmer Nam bộ có lễ hội cúng trăng.

Ngoài ra, còn có một số sự tích có nội dung và diễn tiến tương tự nhưng nhân vật ngọc hoàng được thay bằng Thần Sakah, Tiên trên trời…

Như đã nói, trong Lễ hội Ok-Om-Bok, đua ghe ngo là hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào Khmer mỗi dịp Cúng Trăng nhưng cũng mang màu sắc Phật giáo. Theo truyền thuyết, ngày xưa, trên vùng sông nước này, đồng bào luôn làm việc thiện và giúp đỡ mọi người. Vì hằng ngày, các vị sư phải đi khất thực rất xa chùa, băng qua rừng rậm, lau sậy nên thường không kịp về đúng giờ ngọ (12 giờ trưa). Bà con tạo mọi điều kiện, giúp đỡ để các sư về chùa đúng giờ. Một hôm, gần đến giờ ngọ trời đổ mưa to, gió lớn, các vị sư không kịp về chùa. Đồng bào đã hạ cây đóng bè để đưa các vị về cho kịp. Theo đạo Phật, ai làm nhiều việc thiện, nhất là giúp đỡ nhà sư, sẽ thu được nhiều hạnh phước. Do đó, ai cũng nhanh nhảu làm bè, bơi thật nhanh để đưa các vị sư về chùa. Để ghi nhớ sự kiện ấy, sau này bà con tổ chức đua ghe. Do ghe có hình dáng đẹp, thon dài uốn lượn của một con rắn nên gọi là “tuk ngo” – tức ghe ngo.

Còn theo “Sự tích đua ghe ngo” trong cuốn “Văn học dân gian Sóc Trăng” (đã dẫn), tục đua ghe ngo xuất phát từ việc những người đàn ông Khmer tập luyện bơi ghe xuồng để chinh phạt thú dữ.

Ngày nay, việc đua ghe ngo không chỉ dành cho phái mạnh mà còn có cả sự tham gia của những người phụ nữ Khmer. Một số đội đua nữ có tiếng ở ĐBSCL như: Ngan Dừa (Bạc Liêu), Giồng Riềng (Kiên Giang), Cầu Kè (Trà Vinh)… Chiếc ghe ngo thường có sức chứa từ 40-50 người, được trang trí bằng hình ảnh, hoa văn rất đẹp. Đua ghe ngo giờ không chỉ mang tính địa phương mà lan rộng khắp các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer. Năm 2013, Festival Đua ghe ngo đã được tổ chức với quy mô toàn quốc, mang lại sinh khí và tầm cao mới cho loại hình sinh hoạt văn hóa – thể thao đậm bản sắc này.

* * *

Dịp lễ hội Ok-Om-Bok 2014, lúc 20 giờ ngày 6-11, tại ao Bà Om, TP Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Lễ hội Ok-Om-Bok là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia.

Với bề dày lịch sử - văn hóa, Lễ hội Ok-Om-Bok đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ. Đó là khát vọng, ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn và lòng biết ơn đấng tạo hóa. Việc Lễ hội Ok-Om-Bok được duy trì hằng năm đã góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ và quảng bá bản sắc ấy với du khách gần xa.


Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tài liệu tham khảo

- “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ”, Sơn Phước Hoan (chủ biên), NXB Giáo Dục, 1999.

- “Văn học dân gian Sóc Trăng”, Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.

- “Địa chí tỉnh Sóc Trăng”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012.

Chia sẻ bài viết