30/11/2017 - 11:31

Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường EU

(CT)- Ngày 29-11, tại TP Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong xu hướng mới”.

Cùng với Mỹ, EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang EU sụt giảm nhanh chóng (từ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống còn 15% năm 2016). Riêng 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%. Sự sụt giảm nói trên, ngoài yếu tố khách quan từ khủng hoảng kinh tế còn do yếu tố chủ quan về năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra nhìn chung vẫn chưa thích nghi với các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Ngoài ra, công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và ứng phó với truyền thông bôi nhọ của nước ta còn kém, gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cá tra thời gian qua. Tại EU, người tiêu dùng nhìn nhận sản phẩm cá tra chưa thân thiện với môi trường, có thể làm mất cân bằng sinh thái, sử dụng thuốc kháng sinh gây ảnh hưởng sức khỏe… Trong khi xuất khẩu tại thị trường EU có xu hướng giảm thì kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ngày càng tăng. Các chuyên gia đầu ngành cảnh báo, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần thận trọng với thị trường Trung Quốc. Bởi người tiêu dùng Trung Quốc chọn sản phẩm cá tra vì họ tin tưởng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu chất lượng về an toàn thực phẩm, các quy định khắt khe đã được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Điều này cho thấy EU là trường chính cần được giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững các thị trường khác.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề xây dựng, quảng bá hình ảnh cá tra phải được tập trung thực hiện nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng EU về sản phẩm con cá tra an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường từ ao nuôi đến bàn ăn. Song song đó, người nuôi và doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường EU.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết