26/05/2018 - 15:44

Tìm giải pháp hạn chế tham nhũng “vặt” 

Tại buổi tọa đàm chuyên đề “Tham nhũng “vặt”, thực trạng và giải pháp phòng, chống” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức diễn ra tại tỉnh Hậu Giang ngày 25-5-2018, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), nhiều vụ việc tham nhũng đã bị xử lý. Tại các địa phương, xảy ra hiện tượng tham nhũng “vặt” là chủ yếu. Tham nhũng “vặt” có quy mô nhỏ, nhưng phạm vi rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, phải vừa kiên quyết phát hiện, vừa ngăn ngừa, phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác PCTN...

Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, phát biểu tại buổi tọa đàm.

“Lót tay”, “bôi trơn” diễn ra ở nhiều lĩnh vực

Theo đồng chí Phan Bá- Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương- tham nhũng ở Việt Nam hiện nay diễn biến khá phức tạp, mức độ tham nhũng rất khác nhau, có tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ, tham nhũng “vặt” đã lộ diện. Đó là những cơ quan, đơn vị, cá nhân lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của mình gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính hoặc sử dụng dịch vụ công; nạn lót tay, bôi trơn để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, diễn ra phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp. Như lĩnh vực xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh thì gần như ở tất cả các khâu, doanh nghiệp đều phải lót tay, bôi trơn; lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, xây dựng, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề bạt sắp xếp bố trí, bổ nhiệm cán bộ… thường phải “lót tay”, có quan hệ…

Đồng chí Trần Quốc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang cũng khẳng định, Hậu Giang có xảy ra tham nhũng “vặt” ở một số cơ quan, đơn vị với hình thức đa dạng, có sự dung dưỡng của người dân, doanh nghiệp nên cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý chưa kịp thời.

Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp, qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp cho thấy trên địa bàn tỉnh có hiện tượng hạch sách, nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt” trong một số lĩnh vực. Cụ thể, một số UBND cấp xã có hiện tượng cán bộ giả mạo, gian dối hồ sơ để lấy tiền chính sách, lợi dụng việc phê duyệt, xác nhận các giấy tờ để đi học, đi làm… gây khó khăn, nhũng nhiễu. Ngành giáo dục thì có việc chạy trường, chạy lớp. Ngành y tế thì lo lót, bồi dưỡng cho bác sĩ. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu cũng rất nhức nhối…  Người dân, doanh nghiệp xem việc lót tay, chung chi là bình thường nên cũng rất khó trong phát hiện, xử lý.

Kết quả điều tra xã hội học năm 2017 của tỉnh An Giang cho thấy người dân vẫn còn phải chi thêm tiền ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế; lót tay khi xin cho con đi học; không có sự công bằng trong thi tuyển nhân sự vào cơ quan nhà nước… Những biểu hiện này, theo đánh giá nội bộ và nhân dân tỉnh, chiếm tỷ lệ 48,7%- 32,2%; làm thủ tục nhà đất, vay vốn ngân hàng, đăng ký cấp phép kinh doanh… còn phải tốn thêm chi phí khác chiếm tỷ lệ 57,8%- 24,8%...

Triệt tiêu cơ chế phát sinh tham nhũng

Tại tọa đàm, đa số đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là các quy định về phòng chống tham nhũng đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; có cơ chế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo… để phòng ngừa, hạn chế tình trạng tham nhũng “vặt”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải được chống ở tất cả các ngành, các cấp, không có “vùng cấm”; công tác PCTN phải được làm thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Để thực hiện tốt công tác này cần nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ làm công tác PCTN, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; các địa phương phải coi công tác PCTN là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ hằng năm...

Theo đồng chí Đinh Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân; xây dựng nền quản trị hiệu quả để không còn cơ chế phát sinh tham nhũng. Còn đồng chí Phùng Thị Ngọc Rạng, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang, cho rằng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác PCTN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm và loại thải những cán bộ, công chức suy thoái, biến chất, nhũng nhiễu, tiêu cực. Đồng thời ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi tham nhũng “vặt”, khắc phục tình trạng xử lý qua loa, không đến nơi đến chốn.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ Đinh Công Út cũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự nêu gương của người đứng đầu; cần cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của người dân trong công tác PCTN.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Thu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Ban Nội chính Trung ương nêu lên kinh nghiệm PCTN “vặt” của Trung Quốc: tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, khi các cơ quan đi kiểm tra, giám sát, thì không đến cơ quan công quyền để làm việc ngay mà tổ chức các cuộc gặp gỡ dân để nắm bắt ý kiến. Đồng chí cho rằng công khai minh bạch là “khắc tinh” của tham nhũng, nếu công khai minh bạch càng lớn thì “khoảng mờ” về tham nhũng càng bị thu hẹp. Trong thực hiện các thủ tục hành chính, hạn chế trao đổi trực tiếp giữa người dân với cơ quan công quyền bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác PCTN, cho người dân quay phim, chụp hình gởi vào trang điện tử của cơ quan PCTN. Đó là nguồn để cơ quan PCTN căn cứ kiểm tra, xem xét, có giải pháp xử lý… 

Bài, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết