14/11/2017 - 21:18

Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đô thị 

Với áp lực đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhiều địa phương vùng ĐBSCL khuyến khích nông dân phát triển mô hình nông nghiệp đô thị. Định hướng này bước đầu khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình điểm

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, từ năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện Đề tài “Chuyển giao quy trình công nghệ cao sản xuất rau an toàn”. Trong đó, “Mô hình trồng rau sạch tại nhà trong đô thị” được thực hiện trên một số loại rau ăn lá theo hình thức thủy canh; rau mầm, giá đậu xanh trên giá thể và  rau ăn trái (dưa leo, cà chua, khổ qua…).

Đa số người dân sản xuất rau theo mô hình đều hài lòng với các mô hình thí điểm này. Bởi ngoài đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày, mang lại kinh tế, mô hình còn giúp người dân giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, cho biết: “Sản xuất giá đậu xanh và rau mầm là 2 mô hình dễ làm, thời gian thu hoạch ngắn nên có nhiều hộ dân tham gia, nhiều nhất là các hộ ở TP Tân An và huyện Cần Đước. Những hộ tham gia này đều được cán bộ khuyến nông trực tiếp theo dõi sản xuất, kiểm tra ghi chép nhật ký cũng như tạo điều kiện nhân rộng mô hình”.

Thời gian qua, TP Cần Thơ định hướng xây dựng mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị, nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn kết hợp với du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, nói: “Hằng năm, Trung tâm xây dựng 10-12 mô hình trình diễn sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, các mô hình nông nghiệp đô thị chiếm khoảng 30-40%. Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị thực hiện có hiệu quả như: trồng nấm Bào Ngư Xám, nấm Linh Chi và hoa kiểng. Những mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập cho hộ gia đình trong điều kiện đất đai hạn hẹp mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, mô hình nông nghiệp đô thị phát triển dựa trên cơ sở tận dụng hiệu quả đất nông nghiệp còn lại ở TP Vĩnh Long và thị xã Bình Minh. Một số mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả có thể kể đến là trồng rau mầm, nấm ăn, hoa trong chậu (bồn, giàn, nhà lưới), nuôi rắn, cá cảnh… Trong đó, mô hình trồng hoa Phong Lan ở 2 địa phương trên có tới 37 điểm, với tổng số cây giống là 37.000 cây, bước đầu đáp ứng được nguồn cung cấp hoa tại chỗ cho địa phương. Loại hoa này cho hoa quanh năm, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với các loại cây màu khác nên người trồng luôn có thu nhập ổn định.

Ngoài ra, Vĩnh Long cũng có 18 điểm trồng hoa đồng tiền mang lại hiệu quả kinh tế cao và được đánh giá  dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Riêng tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển mạnh về hoa trong nhà kính kết hợp với hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động tại vùng hoa Sa Đéc. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, đây là mô hình rất mới và  bước đầu giúp nhiều hộ dân giảm chi phí sản xuất đáng kể…

Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan mô hình trồng hoa kiểng theo hướng nông nghiệp đô thị tại Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy.

Đầu tư công nghệ cao, tìm đầu ra cho sản phẩm

Những lợi ích mà nông nghiệp đô thị mang lại không ai có thể phủ nhận. Song, phương thức sản xuất này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư của người dân cho nông nghiệp đô thị, nhất là các hộ mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chi phí từ Nhà nước vẫn còn thấp, chưa thuyết phục được người dân mạnh dạn tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu chung của nông nghiệp đô thị là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới để tăng năng suất, góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm an toàn, cảnh quan môi trường của đô thị xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, các mô hình này cũng gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn chậm. Vì vậy, các mô hình nông nghiệp đô thị cần có sự đầu tư sao cho hợp lý, thỏa đáng; phải kết hợp với du lịch sinh thái; có chính sách kích cầu tiêu dùng để tìm đầu ra cho nông sản.

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ cho rằng, sản xuất nông nghiệp đô thị là loại hình sản xuất mới và mang tính đặc thù của từng vùng, miền. Vì vậy, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất là cần thiết phải đầu tư cũng như cần có các hoạt động khuyến nông để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Song song đó, hoạt động sản xuất cũng cần được tổ chức lại sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản tại khu vực đô thị và đảm bảo vấn đề về môi trường.

Để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, một số ý kiến đề xuất ngành chức năng các địa phương cần quan tâm đến việc nghiên cứu, quy hoạch vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, cần phát triển dịch vụ nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu hàng hóa…

Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế khá cao của TP Cần Thơ.

Thực tế cho thấy, để nông nghiệp đô thị mang lại kết quả như mong đợi thì phải đầu tư công nghệ cao. Có như vậy mới có thể làm ra được sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo các vấn đề về môi trường sống.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: “Vai trò trong nông nghiệp đô thị là giúp nông dân tăng được thu nhập, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn gặp phải do quy mô sản xuất nhỏ, nước thải rất dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị… Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng các mô hình, các địa phương vùng ĐBSCL cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất để dễ tiêu thụ nông sản làm ra. Đồng thời, phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về mô hình nông nghiệp đô thị hay. Tất cả mọi giải pháp làm sao để hướng tới mục tiêu đem lại lợi nhuận cao nhất cho người dân”.

Bài, ảnh: MỸ THANH 

Chia sẻ bài viết