25/10/2011 - 20:57

NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT LÚA

Tiết giảm các chi phí: giải pháp hàng đầu

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, nông dân ở ĐBSCL quan tâm nhiều đến việc sử dụng giống xác nhận và thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất. Trong ảnh: Nông dân tìm hiểu giống lúa tại Viện nghiên cứu Lúa ĐBSCL.

Trong bối cảnh giá phân bón và các chi phí đầu vào có xu hướng tăng cao, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân trồng lúa cần phải đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tối đa các chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo tốt năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc thực hiện các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nông dân trồng lúa cần phải quan tâm nhiều đến việc cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón...

* Áp dụng “ 1 phải, 5 giảm”

Trong hơn 20 năm qua, nhờ phát triển các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được thực hiện từ khoảng năm 1992, sau đó là chương trình “3 giảm, 3 tăng” và gần đây là chương trình “1 phải, 5 giảm” đã giúp cho nông dân trồng lúa ở ĐBSCL ngày càng nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tại tỉnh An Giang, từ vụ hè thu 2009, được sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), tỉnh đã đẩy mạnh triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh chương trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa. Đó là phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Giải pháp “1 phải, 5 giảm” là gói kỹ thuật được nâng cao từ “3 giảm, 3 tăng” kết hợp tiết kiệm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch với mục đích giúp nông dân giảm chi phí giá thành sản xuất. Mặt khác, nó giúp giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận làm tiền đề cho hướng sản xuất bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang), thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp nông dân thực hiện “1 phải, 5 giảm” trên sản xuất lúa như: tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm, mở lớp tập huấn cho hàng ngàn nông dân, in và phát hơn 21.800 sổ tay huấn luyện, hàng ngàn áp phích, tờ bướm... Trong vụ lúa đông xuân 2010-2011, kết quả tổng hợp từ các trạm bảo vệ thực vật (BVTV) trong tỉnh, mô hình áp dụng “1 phải, 5 giảm” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về giảm chi phí và tăng năng suất. Trung bình đã giảm được lượng giống gieo sạ là 76,4 kg/ha, giảm 28,1 kg phân đạm/ha, giảm 2,5 lần phun thuốc BVTV/vụ, giảm số lần bơm tưới là 1,3 lần/vụ... Ngoài việc giảm chi phí nhờ giảm giống, phân, thuốc và nước tưới, giải pháp này còn giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, ít đổ ngã thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy móc cơ giới. Từ đó, giá thành sản xuất giảm được khoảng 20% và tăng lợi nhuận cho nông dân hơn 4,9 triệu đồng/ha so với không áp dụng mô hình. Còn trong vụ hè thu 2011, việc áp dụng “1 phải, 5 giảm” đã giúp giá thành sản xuất lúa giảm trên 17% và cũng giúp nhiều nông dân ở An Giang tăng lợi nhuận trên 4 triệu đồng/ha.

Thành công từ các mô hình “1 phải, 5 giảm” ở An Giang, hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đã đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng thực hiện, kết hợp với việc xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn”. Riêng tại An Giang, hiện tỉnh đang tiếp tục tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ xã để cập nhật các kiến thức cần thiết nhằm vững tin hơn cũng như dễ dàng tiếp cận và chuyển giao giải pháp kỹ thuật “ 1 phải, 5 giảm” đến nông dân tại từng địa phương. Đồng thời, xây dựng các cánh đồng “1 phải, 5 giảm” (quy mô khoảng 100ha) làm cơ sở mở rộng thành cánh đồng mẫu lớn (300-500ha) và xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu liên kết của doanh nghiệp và nông dân nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất lúa gạo...

* Cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) đã tổ chức hội thảo tổng kết “Dự án cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm trên lúa cao sản”. Dự án cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm trên lúa cao sản do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phối hợp với các viện, trường trong và ngoài nước thực hiện từ năm 2009. Mục tiêu của dự án là cải thiện thu nhập của người nông dân và bảo vệ môi trường bằng cách cung cấp một sản phẩm phân vi sinh giúp giảm sử dụng phân đạm hóa học trong khi vẫn duy trì hoặc làm tăng năng suất lúa là sản phẩm phân vi sinh Biogro. Tại Hội thảo tổng kết “Dự án cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm trên lúa cao sản”, nhiều nhà khoa học cho rằng, sử dụng phân vi sinh Biogro cung cấp vi sinh vật giúp kích thích cây lúa sinh trưởng, phát triển bộ rễ, hấp thụ đạm tốt, cây lúa khỏe mạnh, ít bị đổ ngã và chống chịu sâu bệnh tốt... Nhờ vậy, nông dân giảm được lượng bón phân, xịt thuốc BVTV nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo tốt nên tăng cao được lợi nhuận. Việc áp dụng phân vi sinh và kết hợp với việc thực hiện các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” hay “1 giảm, 5 phải” chẳng những giúp nông dân tăng cao hiệu quả sản xuất mà còn giảm được các tác động xấu đến môi trường, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp tương lai xanh. Phân vi sinh Biogro có giá rẻ hơn nhiều so với phân đạm và lượng sử dụng cũng không nhiều (chỉ khoảng 50kg/ha) nên đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho nông dân sử dụng.

Theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, từ năm 2009 đến nay, kỹ thuật ứng dụng phân vi sinh Biogro trong sản xuất lúa cao sản đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm và thực nghiệm tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như: Cai Lậy (Tiền Giang) Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cờ Đỏ, Ô Môn ( TP Cần Thơ), Chợ Mới, Phú Tân (An Giang), Tam Nông (Đồng Tháp), Trà Ôn (Vĩnh Long), Long An và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Kết quả cho thấy, tùy theo vụ sản xuất lúa và tùy theo vùng, nó có thể giúp nông dân giảm từ 20-50 kg phân đạm/ha/vụ và giảm được số lần phun thuốc BVTB mà năng suất lúa đảm bảo. Nhờ vậy, nó đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ 600.000-2,6 triệu đồng/ha/vụ”... Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân cho rằng: “Trong khoảng 1 triệu héc-ta đất sản xuất lúa ở ĐBSCL, chỉ cần khoảng 30% nông dân áp dụng kỹ thuật ứng dụng phân vi sinh Biogro cho 2 vụ lúa, có thể giúp tiết kiệm hơn 36.000 tấn phân đạm, tương đương với tiết kiệm hơn 288 tỉ đồng/năm. Cần phổ biến và khuyến khích nông dân phát triển việc sử dụng phân vi sinh Biogro kết hợp với việc áp dụng đồng bộ thêm các biện pháp kỹ thuật khác để tăng cao hiệu quả sản xuất”.

Giáo sư Ivan Kennedy, Đại học Sydney (Úc), cũng cho rằng, chỉ cần nhân rộng sử dụng phân lên vài chục phần trăm trên 1 triệu ha đất sản xuất lúa ở ĐBSCL thì hiệu quả mang lại về mặt kinh tế và môi trường là rất lớn. Đồng thời, nó còn giúp tận dụng được nguồn bùn ao trong nuôi thủy sản để làm “chất độn” cho sản xuất phân vi sinh. Trong khuôn khổ của “Dự án cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm trên lúa cao sản”, hiện dự án đã thiết lập một nhà máy sản xuất phân vi sinh Biogro ở tỉnh Long An, đồng thời tiếp tục thực hiện nhượng quyền thương mại sản xuất phân vi sinh với các đối tác thương mại nhằm phát triển việc sản xuất Biogro trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho nông dân ở ĐBSCL có thể tiếp cận với phân vi sinh Biogro với giá cả phù hợp.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, nông dân ở ĐBSCL quan tâm nhiều đến việc sử dụng giống xác nhận và th

Chia sẻ bài viết