10/01/2018 - 16:45

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong từng tiêu chí 

Năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, song tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của các xã trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra đúng tiến độ. Năm 2018, thành phố đặt mục tiêu công nhận thêm 5 xã với kỳ vọng nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 32/36 xã và dần tiến đến 100% số xã đã đạt chuẩn vào năm 2020. Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố, cho biết:

- Trong năm qua, UBND thành phố đã ra quyết định công nhận 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1 xã, đạt 116,6% kế hoạch đề ra. Kết quả này nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố lên 27/36 xã. Điểm nhấn trong XDNTM của thành phố từ đầu năm đến nay là sự chuyển biến khá rõ nét trong nhận thức và hành động của người dân về XDNTM. Nhờ công tác tuyên truyền được các xã tập trung thực hiện giúp người dân dần hiểu rõ và đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất, ủng hộ tiền mặt, hiện vật, sôi nổi đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, tham gia giám sát công trình... Người dân còn tự sửa sang hàng rào, cảnh quan môi trường, chỉnh trang nhà cửa; tăng cường liên kết trong sản xuất như vào tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, tham gia vào mô hình “Cánh đồng lớn”...

* Để sát hợp với tình hình thực tiễn XDNTM tại địa phương, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Sau 1 năm triển khai thực hiện, ông nhận xét như thế nào về bộ tiêu chí mới này?

- So với Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới trước đây (20 tiêu chí), Bộ Tiêu chí mới giảm 1 tiêu chí. Tuy nhiên, các chỉ tiêu thành phần lại tăng thêm 8 chỉ tiêu (từ 41 lên 49 chỉ tiêu). Các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí mới có độ bao phủ rộng, có chiều sâu, yêu cầu cao hơn nên tương đối khó thực hiện. Một số tiêu chí khó có thể kể đến là: tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 11 (hộ nghèo) và tiêu chí số 15 (y tế). Cụ thể: Đối với tiêu chí thu nhập, theo Bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 khu vực ĐBSCL là từ 50 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp điều tra đa chiều bằng và dưới 4%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 85% (trước đây là 75%); tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95% và sử dụng nước sạch trên 65%.

Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 7 xã đạt 19 tiêu chí, 24 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Quá trình thực hiện Bộ Tiêu chí mới này sẽ từng bước được hoàn thiện và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội TP Cần Thơ theo từng thời kỳ.

* Công tác XDNTM của thành phố có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?

- Như đã đề cập ở trên, năm 2017, việc thực hiện và nâng chất các tiêu chí bám sát Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với yêu cầu cao hơn đã gây không ít khó khăn cho các xã.  Đây cũng là lý do khiến cho các xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2016 sau khi rà soát, đánh giá lại bị giảm số tiêu chí đã đạt. Tuy nhiên, đây không phải là cản ngại quá lớn mà khó nhất vẫn là vốn đầu tư đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật XDNTM. Nguồn vốn thực hiện XDNTM của thành phố không nằm trong danh mục được Trung ương phân bổ mà do thành phố tự điều tiết nên việc đầu tư cho các địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phân bổ vốn về các huyện chưa kịp thời.

     TP Cần Thơ đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các xã.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình, coi XDNTM là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, vốn hoàn toàn do Nhà nước hỗ trợ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung. Phần lớn các xã có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khả năng huy động vốn trong dân gặp không ít trở ngại. Thời gian qua, xác định doanh nghiệp giữ vai trò “đòn bẩy” trong XDNTM, thành phố chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực sự thiết tha với bà con nông dân lại không nhiều.

*  Vậy Ban chỉ đạo thành phố có định hướng cũng như giải pháp gì cho  công cuộc XDNTM của thành phố trong năm 2018?

- Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu công cuộc XDNTM TP Cần Thơ bước sang giai đoạn mới theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí. Riêng năm 2018, thành phố phấn đấu đưa huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới và công nhận thêm ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu đề ra, tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương cần xác định những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó tập trung cho các tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa cho các tiêu chí còn lại. Thành phố khuyến khích xây dựng mô hình phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả cải thiện thu nhập, giảm nghèo cho bà con như: Hợp tác xã kiểu mới hay mô hình “Cánh đồng lớn” có hợp đồng sản xuất theo chuỗi giá trị...

Đối với các xã đã đạt chuẩn, thành phố chỉ đạo cấp huyện, xã nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Không phải đạt chuẩn là kết thúc, là tự bằng lòng mà cấp ủy xã phải chỉ đạo chính quyền thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động và kém bền vững như: thu nhập bình quân đầu người, môi trường, bảo hiểm y tế, cơ sở vật chất ,văn hóa, an ninh trật tự… Về phía thành phố sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và cân đối hợp lý nhằm đảm bảo đủ nguồn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Có thể nói, để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính người dân - “chủ thể” của quá trình XDNTM.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết