06/04/2010 - 08:34

Đồng chí Phạm Văn Thới, quyền Vụ trưởng Vụ địa phương III, Ủy ban Dân tộc Chính phủ:

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer

 

Trong không khí phấn khởi đón Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền năm 2010 của đồng bào Khmer Nam bộ, đồng chí Phạm Văn Thới, Quyền Vụ trưởng Vụ địa phương III - Ủy ban Dân tộc Chính phủ , đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ Khmer ngữ cuộc trò chuyện về những kết quả việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong vùng đồng bào Khmer.

* Xin đồng chí cho biết những kết quả trong thực hiện Chính sách dân tộc của Đảng tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 - BCH Trung ương Đảng khóa IX đến nay như thế nào?

- Nhiều năm qua, các tỉnh Nam Bộ đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer như: Tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vốn vay sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm. Thực hiện các Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), Quyết định 134 đã có nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả. Toàn vùng đã có hơn 90.150 hộ Khmer được hỗ trợ nhà ở, 6.734 hộ được đất sản xuất; 5.235 hộ được hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Hiện nay các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 74 với tổng vốn đầu tư 478 tỉ đồng. Các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang... đang khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ để giúp đồng bào Khmer có thêm cơ hội an cư lạc nghiệp.

Công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer luôn được các địa phương quan tâm. Ảnh: Dạy chữ Khmer tại Trường tiểu học C An Hảo - huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang.  

Hiện nay có khoảng 240.000 học sinh Khmer học ở các cấp học, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 90%. Chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào Khmer được nâng lên. Việc dạy tiếng Khmer ở các trường tiểu học, trung học cơ sở được mở rộng. Điều kiện khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn. Đội ngũ làm công tác y tế người dân tộc Khmer được đào tạo nâng cao chất lượng và số lượng.

Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 80%, hộ có nước sạch sử dụng đạt trên 90%. Hầu hết các hộ Khmer nghèo bức xúc về nhà ở đều được hỗ trợ nhà ở, có nơi đạt gần 100%. Hệ thống chính trị vùng dân tộc và cơ quan làm công tác dân tộc từng bước được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer ngày càng tăng đã góp phần phát triển KT-XH, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được giữ vững.

* Những kinh nghiệm tốt cũng như các mặt còn hạn chế trong thực hiện Chính sách dân tộc của Đảng ở các địa phương là gì, thưa đồng chí?

- Có những kết quả như trên là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã xác định công tác dân tộc và chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng. Việc triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao nhận thức để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đầy đủ hơn về chính sách dân tộc của Đảng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em vì sự nghiệp chung của đất nước. Thực hiện tốt công tác đôn đốc kiểm tra, giám sát cụ thể hóa các nội dung chính sách trong các nghị quyết, chương trình hành động; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, đề bạt cán bộ là người dân tộc Khmer. Các cấp ủy lãnh đạo công tác dân tộc thông qua các chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐND, UBND, UBMTTQ, các đoàn thể để cùng tạo sự đồng thuận cao về công tác dân tộc...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như công tác triển khai thực hiện chương trình, dự án ở một số nơi còn chậm và chưa đồng bộ. Đời sống đồng bào được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao; việc học tập nâng cao trình độ trong đồng bào dân tộc Khmer còn hạn chế và số lượng đồng bào dân tộc Khmer tham gia vào các tổ chức đoàn thể còn ít.

* Thưa đồng chí, trong thời gian tới, để việc thực hiện tốt công tác dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, cần có những giải pháp gì?

- Trước hết cần nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và các địa phương về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc. Thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ là người dân tộc Khmer. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Khmer. Rà soát điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc thiểu số ở Nam Bộ và nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; tập trung công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào Khmer. Thường xuyên khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đồng bào dân tộc, để đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng; kịp thời phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc Khmer...

* Xin cảm ơn đồng chí!

BÌNH NGUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết