16/07/2011 - 09:53

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển bền vững

* NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Kết thúc năm 2010, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua những rào cản, thách thức lớn trước bối cảnh trong nước và quốc tế đầy khó khăn, giành những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã hoàn thành những mục tiêu chủ yếu và cơ bản của kế hoạch 5 năm theo phương hướng và nhiệm vụ của Đại hội X (2006 - 2010), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, với niềm tin thực hiện phương hướng và nhiệm vụ mà các văn kiện quan trọng của Đại hội XI đặt ra, trong đó có các văn kiện lớn như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

 Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 9, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP Cần Thơ cùng các sở ban, ngành thành phố và các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ. Ảnh: XUÂN ĐÀO

Về lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”(1) và tiếp tục: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công...”(2). Kế thừa và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc là: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định việc chăm sóc những người và gia đình có công với cách mạng là lĩnh vực rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đó không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội và nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài.

Thành tựu chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc người có công thời gian qua

Trước hết là, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi, chăm sóc người có công được ban hành thành một hệ thống, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và được các ngành, các cấp, các địa phương nỗ lực thực hiện ngày càng tiến bộ, phù hợp, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng. Ngày 27-7- 1947 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chọn là ngày Thương binh - Liệt sĩ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ đó, trong đời sống văn hóa dân tộc hình thành nền nếp một ngày lễ để mọi người cùng có dịp tri ân những người có công. Nó trở thành một nét đẹp văn hóa của cả dân tộc, một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc của các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng và các cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị.

Bằng trách nhiệm và tình cảm, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên dành sự ưu đãi cả vật chất và tinh thần với đối tượng người có công, tạo điều kiện để cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn. Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống chính sách trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng của Việt Nam. Hệ thống chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng được xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thì đối tượng hưởng chế độ ưu đãi cũng thường xuyên được xem xét mở rộng, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công cũng thường xuyên được rà soát, đổi mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính và gắn với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội tương ứng mức tiêu dùng bình quân ngày càng tăng của toàn xã hội. Từ Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được ban hành năm 1994 đến các pháp lệnh sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi Điều 22 và Điều 23 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 2002; đặc biệt, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 26/2005/PL- UBTVQH 11) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26; Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28-4-2006 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH 11 ngày 21-6-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 26 và Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 35... đã thể hiện tính hệ thống và sự hoàn thiện liên tục của chính sách ngày càng sâu sát thực tế, mức độ quan tâm và các đối tượng được ghi công, được ưu đãi ngày càng mở rộng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và tăng trưởng kinh tế gắn kết với bảo đảm an sinh xã hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước 25 năm qua.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong thực tiễn đời sống xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền cũng như cùng với các bộ, ngành chức năng ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về quy trình, thủ tục giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công, thường xuyên điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi chăm sóc sức khỏe... đối với người có công, cùng các chính sách ưu đãi khác trong giáo dục đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, việc làm, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động...

Có thể khẳng định rằng, hệ thống chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công được ban hành và thực hiện khá toàn diện, bao trùm hầu hết các đối tượng chính sách, không chỉ góp phần ổn định đời sống người có công mà còn hỗ trợ cho thân nhân của người có công cũng được hưởng ưu đãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hiện nay hơn 95% đối tượng chính sách có công với cách mạng đã có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội. Nhiều người nhờ những cơ hội ưu đãi mà vươn lên làm giàu chính đáng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.

Cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, để bảo đảm người có công được hưởng các chính sách do Nhà nước ban hành một cách đầy đủ, kịp thời, thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội chăm sóc người có công đã trở thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên và mang tính xã hội hóa cao với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và nhiều cá nhân, nhà doanh nghiệp tham gia ủng hộ. Ở cả hai phương diện huy động nguồn lực là nguồn lực đầu tư cho ưu đãi xã hội và sự đầu tư của Nhà nước đều được tăng cường, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Bằng những chương trình cụ thể, như ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng học bổng cho con thương binh, liệt sĩ vượt khó học giỏi, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết, ngày 27-7 hằng năm ở địa phương, đơn vị sản xuất, cơ quan, hỗ trợ đối tượng và gia đình chính sách lúc khó khăn, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vốn, giúp đối tượng chính sách cải tạo vườn tạp thành vườn cây cho giá trị kinh tế cao, miễn giảm thuế hoặc ưu tiên cho thuê, mua, mượn đất làm kinh tế đối với cá nhân, tập thể người có công... Nhiều xã, phường duy trì phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên, thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của cả cộng đồng dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Sự chung tay của các lực lượng xã hội và Nhà nước đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công. Năm 2010, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương đã nhận được sự ủng hộ 290 tỉ đồng, chúng ta đã xây mới 11.202 nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp 7.317 nhà cho đối tượng người có công với tổng số tiền hơn 401 tỉ đồng. Hơn 94% số xã, phường trong toàn quốc làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, trên 95% đối tượng chính sách đạt được mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội, 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo, tặng 16.282 sổ tình nghĩa với tổng số tiền trên 13 tỉ đồng. Hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ quy mô quốc gia và địa phương, các khu tưởng niệm danh nhân, anh hùng liệt sĩ và những “địa chỉ Đỏ” được nhân dân và các tổ chức xã hội góp công, góp của trị giá hàng trăm tỉ đồng để xây dựng và tu bổ.

Chúng ta rất cảm động và trân trọng nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng người có công khác bên cạnh sự ưu đãi hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và xã hội, đã nỗ lực vươn lên để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhiều tấm gương tiêu biểu của bản thân các đối tượng chính sách và con cháu họ đang tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, trong cộng đồng đã có sức lan tỏa, cổ vũ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng, bồi đắp lối sống văn hóa của dân tộc. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lớp người có công vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn tạo điều kiện hỗ trợ những đối tượng chính sách, những “đồng đội” khác cũng có cơ hội phát triển. Họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân đối tượng chính sách vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của lĩnh vực công tác chăm sóc người có công. Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người có công kết hợp với vai trò của Đảng, Nhà nước và xã hội khuyến khích bản thân họ có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, không trông chờ ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu xây dựng và cải thiện cuộc sống của mình và gia đình mình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là minh chứng thuyết phục nhất tính ưu việt của chế độ chính trị ở nước ta. Thế “kiềng ba chân” (Đảng, Nhà nước; cộng đồng xã hội và bản thân người có công) phối hợp đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội tốt trong hiện thực đời sống, tiếp lục góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, đẩy lùi tiêu cực và đóng góp vào tiến trình đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(Còn tiếp)

(Theo Tạp chí Cộng sản)

--------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật Hà Nội, 2011, tr. 79, 126

Chia sẻ bài viết