13/10/2018 - 16:21

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ:

Tiếp tục giữ vững những thế mạnh của thành phố đồng bằng, sông nước 

Sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản tại TP Cần Thơ quý cuối năm 2018 được đánh giá sẽ tương đối ổn định, không tăng nóng như cùng kỳ 2017. Cùng đó, tín dụng cho vay bất động sản được kiểm soát hiệu quả. Tính đến cuối quý III-2018, có 31 tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tham gia cho vay lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay 6.900 tỉ đồng, chiếm 9,22% tổng dư nợ, tăng 28,95% so với cuối năm 2017. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết:

- Ngay từ đầu năm, quan điểm nhất quán của ngành ngân hàng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng, theo định hướng tăng khoảng 17%/năm. Ngành ngân hàng đã quán triệt từ đầu năm là tập trung vốn cho các lĩnh vực  sản xuất là chủ yếu và cụ thể là 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp - nông thôn, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở lĩnh vực bất động sản không hạn chế, nhưng không khuyến khích. Tức là vẫn cho vay bình thường đối với các dự án tốt, các dự án khả năng thanh khoản, khả năng sinh lời tốt. Gần đây,  Chỉ thị 04/CT-NHNN của NHNN ngày 2-8-2018 về “Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2018” cũng nhắc nhở phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng  không cao so với những năm trước với trên 9,53% nhưng đã hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng, giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng. Điều này chứng tỏ, dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất được ưu tiên và phát huy hiệu quả.

* Ông có đánh giá gì về việc dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản cũng như hiện trạng tăng giá đất tại Cần Thơ trong thời gian qua?

- Thực tế, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn TP Cần Thơ trong 9 tháng qua tăng gần 29% so với cuối năm 2017, nhưng xét về giá trị tuyệt đối tăng không lớn do xuất phát điểm dư nợ bất động sản tại TP Cần Thơ thấp. Dư nợ cả thành phố trên 75.200 tỉ đồng thì dư nợ bất động sản chỉ xấp xỉ 6.900 tỉ đồng nên nằm trong tầm kiểm soát và không đáng lo ngại. Giá đất nền đã tăng đáng kể vào cuối năm 2017, đầu 2018 nhưng so giữa Cần Thơ với các thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng thì giá đất ở Cần Thơ vẫn còn thấp và dư nợ cho vay bất động sản cũng thấp. Cần Thơ có nhiều dự án bất động sản nhưng hầu hết các dự án trên địa bàn đều có quy mô nhỏ và vừa, không có nhà đầu tư lớn, tầm cỡ. Đặc biệt là chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào dự án bất động sản ở TP Cần Thơ nên không tạo ra những đợt sóng lớn về đầu tư lẫn đầu cơ bất động sản. Người mua nhà đất tại các dự án đa phần là người thành phố và từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và thường là nhu cầu mua để sử dụng nên ít có tác động bởi các nhà đầu tư, nhà đầu cơ lớn từ các tỉnh, thành phố lớn.

Các căn hộ shophouse thuộc dự án Vincom Xuân Khánh góp phần làm đa dạng sản phẩm bất động sản tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

* Nhiều người lo ngại  tình trạng “bong bóng” bất động sản sẽ xảy ra như giai  đoạn 2008-2011. Ông nhận định ra sao về vấn đề này, thưa ông?

- Giá bất động sản tại Cần Thơ những tháng gần đây tương đối ổn định so với thời điểm đầu năm. Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt hơn sau nhiều đợt thăng trầm, nhờ vào các chính sách của Nhà nước, kinh nghiệm của các chủ đầu tư lẫn các nhà đầu cơ. Càng ngày các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản càng chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng hơn. Một số trường hợp bong bóng bất động sản thường  xảy ra ở một số khu vực hạn chế bị thổi giá, bơm thông tin. Còn đối với những dự án mới thì có những quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, yêu cầu chứng minh được năng lực tài chính, có ngân hàng bảo lãnh. Khi thông tin về chủ đầu tư minh bạch hơn đương nhiên sẽ hạn chế tình trạng sốt ảo, ngân hàng không đầu tư vào bất động sản bằng mọi giá và người mua không xếp hàng đi mua cho bằng được. Bên cạnh đó, khi thị trường đi vào ổn định, do không có lời nhiều nên nhà đầu cơ lướt sóng cũng không mặn mà tham gia. Đối với người vay mua bất động sản thì do chính sách không khuyến khích cho vay bất động sản nên các ngân hàng thương mại cũng thận trọng hơn khi cho vay bất động sản, chứ không phải cứ nghĩ giá bất động sản sẽ tăng rồi cho vay bằng mọi giá. Như vậy, sau khi bong bóng bất động sản nổ ra nhiều lần thì người mua lẫn ngân hàng đều thận trọng hơn.

* Theo ông, sắp tới, thị trường bất động sản tại Cần Thơ sẽ chuyển biến ra sao?

 - Như đã nói, sức cầu của thị trường chủ yếu là ở nội tại thành phố và xung quanh khu vực ĐBSCL nên ít có áp lực tăng giá đột biến. Tương lai bất động sản vẫn tăng giá nhưng tăng theo xu hướng chung và nhu cầu khó tăng do thổi giá hay do bong bóng. Tình trạng bong bóng không phải không thể xảy ra mà là sẽ hạn chế hay chỉ tập trung ở một số khu vực và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Lợi thế của Cần Thơ về bất động sản hiện nay là giữ giá vừa phải, không quá cao so với các thành phố lớn cùng cấp nhưng không phải là quá thấp. Cần Thơ nằm ở khu vực ĐBSCL, diện tích đất cũng khá lớn, nhu cầu về bất động sản là nhu cầu thực tế, ít bị nhu cầu ảo hay bị nhà đầu cơ thổi giá, tạo nhu cầu ảo. Nếu giá đất ở Cần Thơ tăng quá cao sẽ hạn chế về đầu tư hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư. Do đó nên giữ giá đất ổn định vừa phải, đúng theo nhu cầu gắn với việc minh bạch thông tin thị trường. Đặc biệt, Cần Thơ đang hướng tới trở thành thành phố văn minh, xanh sạch, thành phố đồng bằng nên không cần thiết có quá nhiều dự án chung cư lớn, chung cư cao tầng. Cần phát huy và giữ vững thế mạnh về môi trường sinh thái, là thành phố miền sông nước, đáng sống.

*  Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết