01/08/2014 - 19:47

Tiếp thêm tình yêu truyền thống và di sản văn hóa dân tộc

Từ năm 2007 đến nay, Bảo tàng TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường. Bằng những mô hình sáng tạo, hấp dẫn, các giá trị văn hóa của đất và người Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung được chuyển tải bằng nhiều hình thức sinh động, tiếp thêm tình yêu giá trị truyền thống và di sản cho thế hệ trẻ.

Nhiều mô hình hấp dẫn

Có dịp tham gia chương trình “Vui hè học sử” do Bảo tàng Cần Thơ tổ chức tại Khu Di tích Chiến thắng Ông Hào (huyện Phong Điền) vào giữa tháng 7-2014, chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng, say mê của học sinh khi được tìm hiểu về lịch sử địa phương. Ngoài những câu chuyện gần gũi, xúc động về sự kiên trung, gan dạ của các chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chương trình thu hút các em bởi những trò chơi vui nhộn như: Đồng vượt khó, Đi tìm kho báu, Đố vui có thưởng…

 Học sinh hào hứng với các trò chơi dân gian trong chương trình trình diễn “Sắc xuân miệt vườn” do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức.

Buổi sinh hoạt giới thiệu di sản văn hóa cho thiếu nhi trường Mẫu giáo Bác Ái (quận Ninh Kiều), diễn ra vào đầu tháng 7-2014, không có những bài nói chuyện dông dài, giáo điều mà các em được nghe giới thiệu trực tiếp những hoa văn, họa tiết và cổ vật trong Chùa Ông đẹp và giá trị thế nào, cần phải giữ gìn sạch đẹp bến Ninh Kiều - “trái tim của thành phố” ra sao… Đặc biệt, phần thi tô màu về chủ đề biển đảo và hỏi đáp kiến thức được tổ chức hấp dẫn, lôi cuốn. Bé Thái Hoàng Như Ý, lớp chồi, Trường Mầm non Bác Ái, hào hứng: “Con được các cô dạy Chùa Ông rất quý, rất đẹp nên phải giữ gìn. Con còn được tặng quà khi trả lời đúng nên rất vui”.

Năm học 2013 - 2014, Bảo tàng TP Cần Thơ đã phối hợp với 36 trường THCS, THPT, tiểu học, mẫu giáo… trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, huyện Phong Điền tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt, thu hút gần 127 ngàn lượt giáo viên và học sinh tham gia. Bảo tàng TP Cần Thơ còn mở rộng chương trình với các trường dân tộc nội trú, trường dạy trẻ khuyết tật… Trong buổi giới thiệu về chợ nổi cho các em Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ, đa số các em bị khiếm thính nên lời của thuyết minh viên đều được giáo viên nhà trường chuyển thành thủ ngữ. Chị Trần Nguyễn Thảo Nguyên, thuyết minh viên bảo tàng, xúc động: “Thấy các em đôi mắt tròn xoe chăm chú nhìn tôi nói rồi nhìn thủ ngữ của các cô, tôi thêm yêu công việc mình đang làm. Những trò chơi tái hiện không khí chợ nổi như: tung hứng trái cây, treo trái cây trên cây bẹo… được các em thi đấu hào hứng, vui vẻ”.

Năm qua, Bảo tàng cũng đã phối hợp với các trường giới thiệu về làng nghề truyền thống trong chương trình “Sắc xuân miệt vườn”, nghệ thuật đờn ca tài tử… Do đối tượng phục vụ ở tuổi học đường nên Bảo tàng chọn cách “vừa chơi, vừa học”, lồng ghép những câu hỏi kiến thức, tạo sự hứng khởi, nhiệt tình tham gia của học sinh các trường.

Vun bồi tình yêu đất nước

“Có nhiều hôm xem ti vi, cháu thấy cuộc sống sinh hoạt của các chú thiếu thốn rất nhiều, từ ngụm nước ngọt đến từng cọng rau, không hiểu sao lòng cháu nghe bồi hồi xúc động. Cháu biết rằng các chú rất buồn khi phải xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân, nỗi nhớ mong da diết về mẹ già và con thơ ở quê nhà…” - đó là những dòng thư của một học sinh Trường Tiểu học Long Hòa 1 (quận Bình Thủy) viết gửi các chiến sĩ hải quân trong chương trình “Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo” do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức tại trường dịp 26-3-2014. Dù lời lẽ còn ngô nghê, chưa thật chuẩn xác về câu từ nhưng những dòng thư đầy xúc cảm đã thể hiện tấm lòng của em với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tại các điểm tổ chức khác như: Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ninh Kiều), Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy)… ban tổ chức cũng đều nhận được những “sản phẩm” ý nghĩa khi là hình ảnh nhà giàn DK, hình ảnh lính hải quân trong trí tưởng tượng của các em, khi là những cánh thiệp, lá thư gửi ra đảo xa…

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường do Bảo tàng TP Cần Thơ khởi xướng thực hiện từ năm 2007 đến nay đã thực sự tạo nên điểm nhấn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Cần Thơ. Các em hiểu thêm về truyền thống lịch sử và văn hóa của vùng đất Cần Thơ và cả nước. Trong mỗi chương trình, học sinh luôn là trung tâm. Điển hình như trong chương trình “Tập làm thuyết minh” được Bảo tàng thí điểm thực hiện đối với học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều), các em được đóng vai thuyết minh viên, giới thiệu về di sản với những yêu cầu: giới thiệu lưu loát, truyền cảm, tạo ấn tượng. Từ đó, học sinh ý thức tìm hiểu, nghiên cứu sử Việt. Cô Nguyễn Lâm Hằng Phượng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: “Qua chương trình, các em như trưởng thành hơn, có thêm kỹ năng thuyết trình, có thể thuyết minh các hiện vật trong bảo tàng một cách tự tin”.

Trong bối cảnh ngành giáo dục gặp khó khi một bộ phận giới trẻ thờ ơ với môn lịch sử và không mặn mòi thi vào các ngành văn hóa thì việc đưa lịch sử truyền thống và di sản văn hóa vào học đường của Bảo tàng TP Cần Thơ rất đáng trân trọng. Đó là môi trường quý để giới trẻ tiếp cận với di sản văn hóa truyền thống một cách tự nhiên, từ đó thêm yêu, trân trọng và tự hào dân tộc.

* * *

Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: “Năm học tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất các mô hình đã hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, chương trình “Tập làm thuyết minh” sau thời gian thí điểm đã cho kết quả tốt, chúng tôi sẽ triển khai đến các trường, không chỉ thuyết minh tại bảo tàng mà cả các di tích trên địa bàn thành phố”.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết