09/09/2018 - 07:20

Tiếp thêm động lực cho ĐBSCL 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2016-2018, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần ngành nông nghiệp, tăng cơ cấu ngành dịch vụ, ngành công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng ĐBSCL có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi và giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây vừa là tiền đề, vừa là động lực để các địa phương trong vùng thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020, vùng ĐBSCL đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6% và kết quả giai đoạn 2016-2018 đạt 7,5% với sự nổi trội của các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 2.217 USD (mục tiêu năm 2020 là 2.750-2.850 USD). Trong đó, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… là những địa phương dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người tại vùng. Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Bộ KH&ĐT), về phát triển kinh tế - xã hội, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá. ĐBSCL là vùng luôn có chỉ số PCI đứng trong nhóm đầu cả nước (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…), môi trường đầu tư, thủ tục hành chính được cải thiện theo hướng minh bạch, thực chất…

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Cụ thể, trong 3 năm 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP Cần Thơ bình quân đạt 7,56%/năm (kế hoạch 2016-2020 tăng bình quân là 7,5%/năm); GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 80,5 triệu đồng/người, tăng 21,4 triệu đồng so năm 2015. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Cần Thơ luôn đa dạng các hình thức huy động vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư các thành phần kinh tế ngoài ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm ước tăng bình quân 11,9%/năm. Thành phố thực hiện phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ODA và tính chủ động của ngân sách địa phương trong đầu tư phát triển.

Không riêng TP Cần Thơ, theo đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Bộ KH&ĐT, về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thách thức như: Thu hút FDI còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước. Các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển kết cấu hạ tầng trong vùng chưa theo kịp với đà tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông còn nghèo nàn; chưa đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Tình hình xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp ở nhiều nơi... Các hoạt động triển khai Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL (Quyết định 593/QĐ-TTg) còn chưa thực chất, còn mang tính hành chính, chưa hình thành được mô hình phân công, liên kết, tạo ra động lực phát triển chung cho toàn vùng.

Linh hoạt trong phát triển

  Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Chính phủ phê duyệt Nghị định số 103/2018/NĐ-CP (ngày 7-8-2018) quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Cần Thơ, đây là tiền đề quan trọng cho thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư. Thành phố sẽ đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực phát triển ở trình độ và chất lượng cao, tăng đóng góp của các yếu tố ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. 

Tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL mới đây ở TP Cần Thơ, nhiều địa phương ở ĐBSCL kiến nghị đến Bộ KH&ĐT xem xét lại phương pháp tính GRDP sao cho phù hợp. Theo ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao nhưng giá nông sản cũng biến động rất lớn, nếu tính toán theo một số phương thức cũ của ngành thống kê sẽ không phản ánh đúng thực chất tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh rất kỳ vọng vào quyết tâm của Bộ KH&ĐT trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư công, khắc phục những vướng mắc nhằm tạo sự thay đổi vượt bậc về chất lượng quy hoạch và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, trong quá trình tính toán chỉ số GRDP của các địa phương, cần phải thay đổi phương pháp đánh giá theo hướng cụ thể, phù hợp với thực tế. Đơn cử như đối với huyện Bình Tân hiện có diện tích trồng khoai lang lên đến 13.000ha. Thời điểm được giá có thể lên đến 20.000 đồng/kg, hoặc bình quân từ 11.000-12.000 đồng/kg. Nhưng thực tế khi tính chỉ số GRDP thì chỉ tính giá 2.000 đồng/kg khoai lang. Như vậy, theo cách tính này, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, tỉnh cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù và quy định cụ thể cho đầu tư các chương trình phòng chống thiên tai, sạt lở. Bởi ngay cả trong trường hợp có cơ chế đặc thù nhưng nếu không có quy định cụ thể hướng dẫn thì khâu thực hiện hồ sơ sẽ vướng và làm chậm thời gian triển khai công tác khắc phục.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng, trong vấn đề đầu tư công, ở những dự án cấp bách đang triển khai và giải ngân tốt cần bổ sung vốn, các địa phương có thể tổng hợp để đưa nguồn vốn dự phòng 10% đã được giao vào triển khai ngay. Các dự án mới cấp bách, địa phương cũng phải tổng hợp để Bộ KH&ĐT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Bộ đã trình Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về đầu tư công điện tử; chuẩn bị ký kết quy chế phối hợp với Bộ Tài chính để khai thác, cập nhật số liệu giải ngân từ ngành Tài chính. Các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác báo cáo liên quan đến lĩnh vực KH&ĐT, trên cơ sở thay đổi cách thức thu thập dữ liệu thông qua các công cụ điện tử và quy trình công nghệ hiện đại để phục vụ công tác báo cáo thống kê, phục vụ điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết