30/10/2012 - 20:36

Tiếp sức để sản phẩm làng nghề Nam bộ vươn xa

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thu hút đông đảo người dân tham quan, thưởng thức nhiều loại bánh đậm chất Nam bộ.

Có gần 100 loại bánh dân gian và nhiều đặc sản khác đang được lưu truyền ở các làng nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo các nghệ nhân, để các loại bánh dân gian, sản phẩm làng nghề được lưu truyền, quảng bá rộng rãi đến khách thập phương cần có sự tiếp sức của ngành chức năng, các doanh nghiệp…

Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với khu đô thị Phú Mỹ Hưng tổ chức phiên chợ cuối tuần- Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần đầu tiên tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 27-10 đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thưởng thức. Với mong muốn xây dựng mô hình sinh hoạt giàu chất văn hóa-du lịch-giải trí thông qua hoạt động thương mại, ban tổ chức đã xây dựng phiên chợ cuối tuần theo mô hình có chung một chuỗi kết nối với các không gian như: Đại siêu thị và Trung tâm thương mại, khu căn hộ cao cấp cho thuê và khu vực nhà hàng… là nơi được nhiều người ưa thích hiện nay.

Phiên chợ có khoảng 60 gian hàng với nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tham gia trưng bày sản phẩm, thể hiện nét văn hóa và khéo tay của người dân Nam bộ, các sản phẩm tái hiện đời sống văn hóa, văn minh miệt vườn sông nước; thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân, làng nghề các vùng miền tham gia... Tại phiên chợ còn diễn ra các hoạt động, như: Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, với bộ sưu tập nhiều loại bánh dân gian làm từ gạo (80 loại) do các nghệ nhân thực hiện. Đặc biệt các nghệ nhân nổi tiếng còn biểu diễn chế biến sản phẩm tại chỗ phục vụ khách… Đến với lễ hội khách có dịp thưởng thức các loại đặc sản đến từ nhiều tỉnh, thành: Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre như: chả hoa Năm Thụy, bánh tét Trà Cuôn, cốm dẹp, bánh hỏi Phong Điền, bánh xèo…Ngoài ra, lễ hội còn bày bán và tiếp thị gốm Gò Công, mỹ nghệ lục bình, các mô hình du lịch nông nghiệp…

Theo đại diện BSA, đây là lần đầu tiên lễ hội bánh dân gian được tổ chức tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng- nơi có 50% cư dân là người nước ngoài sinh sống. Với mong muốn tạo cơ hội cho khách thập phương tiếp cận với các sản phẩm truyền thống vùng đất Nam bộ, góp phần làm đậm thêm chất đa văn hóa ở khu đô thị này. Đồng thời, giúp những cơ sở làng nghề nhận ra phân khúc, sự chuyển đổi của xu hướng tiêu dùng trong thời buổi hội nhập. Tạo cơ hội cho các cơ sở làng nghề phát huy thế mạnh và quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng để các sản phẩm này không chỉ tồn tại, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn mà còn góp sức vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, lễ hội còn hỗ trợ về đầu ra cho các nhà sản xuất, nghệ nhân, các cơ sở làng nghề khu vực ĐBSCL.

Chị Mai Thị Đang Phượng, đại diện cơ sở sản xuất Hai Lý nổi tiếng với thương hiệu bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), chia sẻ: "Bánh tét Trà Cuôn đã có thương hiệu và nhiều người dân ĐBSCL biết đến, nhưng vẫn chưa có điều kiện để xuất khẩu. Tham gia lễ hội chúng tôi mong muốn quảng bá sản phẩm đến nhiều khách trong và ngoài nước, tăng thêm nguồn thu cho chị em gói bánh". Chỉ trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, chị Phượng bán được 300 đòn bánh tét. Chị Phượng mong rằng sẽ có thêm nhiều chương trình thế này để các cơ sở làng nghề có cơ hội kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là giúp cho các sản phẩm dân gian không thất truyền. Theo bà Kha Kim Thủy, Bộ phận Maketing Công ty Cổ phần Bột thực phẩm Tài Ký, đây là lần đầu tiên công ty tham gia lễ hội bánh dân gian tại Phú Mỹ Hưng nhưng lần thứ 2 tham gia lễ hội bánh dân gian Nam bộ (lần trước tổ chức tại Phú Thọ) hiệu quả tốt, nhiều người dân ưa chuộng các loại bột thực phẩm của Tài Ký. Nhìn chung, đa phần người dân rất thích các loại bánh dân gian, nhất là các loại bánh làm từ bột gạo như: bánh bèo, bánh cuốn, bánh xèo, bánh tầm xe tay… Lễ hội không những giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tăng doanh số mà còn góp phần lưu truyền các loại bánh của ông bà đã sáng tạo.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho rằng: "Chúng ta có một tài sản lớn là gần 100 loại bánh dân gian nhưng trước nay chưa phát huy hết những giá trị gia tăng của các loại bánh này. Bánh dân gian Nam bộ đã có mặt tại Phú Mỹ Hưng, điều kỳ vọng lớn nhất của BSA là giúp các cơ sở làng nghề xuất khẩu tại chỗ khi làn sóng du khách từ khắp nơi tham gia vào các tour du lịch nông nghiệp sinh thái. Về lâu dài, cùng với việc chọn lựa những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hy vọng sẽ có nhiều loại sản phẩm vượt trội trong số này tách nhóm vươn lên, xuất khẩu; minh chứng về sức sống bền vững của những làng nghề có tuổi đời lâu năm".

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt, ở đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) có mặt tại lễ hội, cho biết: "Nam bộ nổi tiếng với cây lành trái ngọt, đặc biệt có những người phụ nữ khéo tay làm các loại bánh dân gian rất ngon. Có lễ hội thế này tôi mới có dịp thấy và thưởng thức nhiều món bánh dân gian, loại nào cũng ngon, cách trang trí bắt mắt. Hy vọng tuần nào cũng có lễ hội bánh dân gian thế này để người dân có thể vừa được ăn bánh ngon vừa thư giãn". Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm làng nghề, bánh dân gian Nam bộ được làm rất ngon và khéo tay hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào phân khúc khách hàng cao cấp, thậm chí vươn xa ngoài nước. Tin rằng với sự chung tay góp sức của các ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp và các nghệ nhân, các cơ sở làng nghề, các sản phẩm làng nghề dân gian truyền thống Nam bộ sẽ còn vươn cao vươn xa…

Bài, ảnh: THU HOÀI

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thu hút đông đảo người dân tham quan, thưởng thức nhi&#

Chia sẻ bài viết