22/01/2010 - 08:47

Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam TP Cần Thơ lần thứ I - năm 2010

Tiếp sức để đồng bào dân tộc thiểu số thêm no ấm

Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tại thành phố Cần Thơ, công tác này được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể quan tâm thường xuyên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Lãnh đạo xã Định Môn, huyện Thới Lai, phối hợp cùng Trụ trì và Ban Quản trị chùa Sêrây Vongsa tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia các phong trào thi đua yêu nước. 

Phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, là nơi có đông đồng bào dân tộc Hoa sinh sống, với 432 hộ, 2.978 nhân khẩu, chiếm 1/3 dân số toàn phường. Ông Thái Trung Lập, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết: “Bên cạnh sự tự lực vươn lên của bà con, Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con được vay vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, cất nhà tình thương..., từ đó đời sống của nhiều hộ người Hoa ngày càng khá hơn, gần đây phường có thêm 4 hộ dân tộc Hoa thoát nghèo”.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, căn nhà của chị Trần Xiếu Láng, khu vực 3, phường Tân An được xây dựng khá tươm tất. Chị Xiếu Láng kể: “Căn nhà cũ của tôi lợp bằng lá, đã mục nát, mỗi khi mưa xuống, cả nhà bị dột ướt không có chỗ ngủ. Do nền nhà thấp nên khi thủy triều lên nhà thường bị ngập. Nhiều năm nay, thu nhập từ nghề chạy honda ôm của chồng tôi và tiền công giặt đồ mướn của tôi chỉ tạm đủ chi tiêu hằng ngày nên không ai dám mơ tới chuyện cất lại căn nhà. May nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tôn lợp lại mái nhà và 10 triệu đồng nâng nền nhà cao ráo, giúp gia đình tôi có chỗ ở khá hơn, không còn lo cảnh mưa dột, nước ngập nữa”. Khi được “an cư”, các thành viên trong gia đình chị càng phấn khởi làm ăn. Các con của chị cũng tìm được việc làm, kinh tế gia đình khá hơn nên vợ chồng chị quyết định trả lại sổ hộ nghèo.

Không riêng gia đình chị Xiếu Láng, một số hộ người Hoa khác cũng được các đoàn thể phường giúp đỡ vay vốn. Như trường hợp chị Mạc Muối, nhà ở khu vực 3, phường Tân An, đang bán ống nước ở chợ An Lạc, cho biết: “Tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường giới thiệu vay vốn ngân hàng ban đầu là 1 triệu đồng, rồi tăng dần lên tới 5 triệu đồng. Nhờ đó, tôi mua thêm nhiều hàng hóa để bán, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”. Trong các hộ người Hoa trên địa bàn, cũng có những con em được bồi dưỡng, giác ngộ lý tưởng của Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên, được nhân dân tín nhiệm. Điển hình như trường hợp anh Lê Văn Hòa, dân tộc Hoa, tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1993. Khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh được phường giới thiệu vào làm công nhân của xí nghiệp mì. Tuy công việc vất vả nhưng anh vẫn tham gia trực đêm, tuần tra canh gác. Sau đó, anh tham gia lực lượng thường trực của Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) phường và được chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, anh Hòa là Đảng ủy viên, Chỉ huy trưởng BCHQS phường Tân An. Anh Hòa tâm sự: “Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc Hoa phấn đấu và cũng mạnh dạn đề bạt giữ những chức vụ quan trọng trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể. Nhằm đáp lại sự quan tâm ấy, tôi tâm niệm phải làm tốt nhiệm vụ của người đảng viên và nghĩa vụ của người công dân. Tôi sẽ tích cực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc mình thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Trên địa bàn phường Tân An có chùa Minh Nguyệt cư sĩ lâm và chùa Ông, là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Hoa. Ông Bành Sơ Lến, Hội trưởng Minh Nguyệt cư sĩ lâm, nói: “Vào những dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Hoa, đại diện cán bộ lãnh đạo phường đều tổ chức đoàn đến tặng quà, chúc mừng và cử lực lượng bảo vệ tại các điểm tổ chức lễ. Các cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự ngày càng khang trang hơn. Cán bộ phường, khu vực thường phối hợp với Ban Quản trị các chùa tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vận động bà con dân tộc Hoa tích cực tham gia. Hay khi có vấn đề gì bà con thắc mắc, cán bộ phường tận tình giải thích để bà con hiểu và thực hiện đúng”.

* * *

Xã Định Môn, huyện Thới Lai, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đào Thị Lệ Hằng, ấp Thới Định Mỹ, xã Định Môn, một trong những hộ đồng bào dân tộc Khmer được thụ hưởng từ Chương trình 134 của Chính phủ. Chị phấn khởi khoe: “Quanh năm vợ chồng tôi đi làm thuê, chỉ tạm đủ ăn chứ không thể cất nổi cái nhà như vầy. Nhờ Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng và bà con cho mượn thêm 6 triệu đồng, vợ chồng sửa sang nhà cửa khang trang hơn. Nhà nước còn tặng cả thùng nhựa để chứa nước sạch. Vợ chồng tôi rất biết ơn Đảng, chính quyền, mọi người. Chúng tôi sẽ ráng làm ăn lo cho 2 đứa con ăn học nên người”. Thượng tọa Mai Xe, Trụ trì chùa Sêrây Vongsa, ấp Định Yên, xã Định Môn, cho biết: “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer về nhiều mặt, cả vốn sản xuất, nhà ở, nước sạch, lo cho con em người Khmer được học hành..., đến nay, cuộc sống nhiều hộ Khmer ở đây đỡ hơn trước rất nhiều”.

Ông Thái Trung Lập (bên phải), Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, thăm hỏi tình hình đời sống của đồng bào dân tộc Hoa nghèo.  

Thực hiện Chương trình 134, ở xã Định Môn có 143 hộ dân tộc Khmer được giải quyết nhà ở và 73 hộ được hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Ông Trần Văn Lép, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, cho biết: “Toàn xã có 234 hộ dân tộc Khmer, với 1.042 nhân khẩu, chiếm hơn 10% dân số toàn xã. Lãnh đạo xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với Chương trình 134, sau khi nhận chỉ tiêu của huyện, chúng tôi đã tổ chức bình nghị chọn đối tượng và các việc liên quan đều thực hiện đúng quy chế dân chủ nên được bà con đồng thuận cao. Ngoài sự hỗ trợ từ Chương trình 134, xã cũng đã vận động cất thêm 52 căn nhà tình thương; nhiều hộ được hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề...”. Thượng tọa Mai Xe, Trụ trì chùa Sêrây Vongsa, cho biết thêm: “Được hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, bà con dân tộc rất mừng. Tôi được cán bộ ấp mời tham gia các buổi bình xét đối tượng và kiểm tra chất lượng các căn nhà. Tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà tôi cùng các cán bộ ấp vận động, phân tích cho bà con hiểu để ưu tiên cho những hộ khó khăn nhất. Cách làm này tôi thấy bà con phấn khởi lắm”.

Theo Ban Dân tộc TP Cần Thơ, thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ, thành phố đã xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Khmer, đến nay đã xây dựng được 2.711 căn nhà, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.528 hộ, đạt 99% đề án, với tổng nguồn vốn trên 12,9 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng 621 căn nhà tình thương, giải quyết 42 hộ vào khu dân cư vượt lũ, hỗ trợ lắp điện kế miễn phí cho 321 hộ... Trong những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội đã phát vay cho 1.038 lượt người dân tộc Khmer với số vốn hơn 5,8 tỉ đồng (lãi suất ưu đãi); Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quỹ xóa đói giảm nghèo và nhiều nguồn vốn khác của các đoàn thể cho vay tín chấp để phát triển sản xuất. Đào tạo nghề cho 662 lao động dân tộc Khmer; giới thiệu hơn 1.200 lao động vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp tại địa phương...

***

Những nỗ lực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số của các cấp, các ngành, các đoàn thể địa phương trong thời gian qua đã góp phần động viên đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương càng phấn khởi, chung sức, chung lòng cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương. Sự tiếp sức ấy cần được tiếp tục duy trì thường xuyên, hiệu quả và thiết thực hơn nữa, nhằm góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết