28/07/2014 - 20:20

Tiếp cận công nghệ xử lý môi trường từ Nhật Bản

Tiến trình phát triển theo định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, TP Cần Thơ phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề xử lý chất thải, nước thải của khu vực đô thị và các khu công nghiệp tập trung. Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức buổi Kết nối doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và DN Cần Thơ trong lĩnh vực môi trường nhằm thúc đẩy quá trình thu hút, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sạch hơn và bền vững hơn.

Đoàn DN Nhật Bản đến TP Cần Thơ hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực môi trường như sản xuất và cung ứng các thiết bị xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt và công nghiệp, sản xuất và cung ứng các sản phẩm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, cung ứng phần mềm quản lý thông tin về lĩnh vực môi trường… Ông Yoshihiro Iwata, Giám đốc Công ty Cổ phần Aiken Kakoki, cho biết: “Công ty chuyên cung cấp các thiết bị xử lý nước thải trong công nghiệp và sinh hoạt với công nghệ hiện đại. Các thiết bị của công ty có ưu thế không chiếm nhiều diện tích sử dụng, tiết kiệm năng lượng và chi phí lắp đặt nên rất phù hợp để các DN có thể trang bị, kể cả những DN nhỏ và vừa. TP Cần Thơ có thế mạnh về lĩnh vực chế biến nông, thủy sản nên chúng tôi định hướng sẽ tìm kiếm đối tác và cung cấp sản phẩm cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực này. Bước đầu tiếp cận, chúng tôi tập trung thu thập thông tin về nhu cầu của DN, quảng bá sản phẩm, mong muốn tìm kiếm đối tác để phân phối sản phẩm tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL”.

 Công ty Cổ phần Aiken Kakoki (Nhật Bản) giới thiệu sản phẩm và công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải đến các DN của TP Cần Thơ.

Không chỉ giới thiệu những công nghệ hiện đại phục vụ xử lý chất thải, nước thải trong công nghiệp và sinh hoạt, các DN Nhật Bản còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty Kume Hiryo chuyên sản xuất, phân bón hữu cơ từ phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến các loại trái cây, rau củ để cải tạo đất, bón phân cho cây trồng. Hay Công ty Cổ phần Aina chuyên cung cấp các sản phẩm thúc đẩy quá trình lên men của vỏ trấu để dùng vỏ trấu làm phân bón cho cây. Ông Goki Ando, Giám đốc Công ty Cổ phần Aina, cho biết: “Sản phẩm chuyên dùng để lên men vỏ trấu do công ty cung cấp rất thích hợp để xử lý các sản phẩm thải ra trong quá trình xay xát lúa, tận dụng lại làm phân vi sinh. Sản phẩm này đã được sử dụng rộng rãi tại Nhật và công ty muốn giới thiệu tại Việt Nam để những ai quan tâm đến việc sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường có thể tiếp cận. Trước mắt, chúng tôi mong muốn phối hợp với các ngành hữu quan hoặc các DN quan tâm đến sản phẩm để tổ chức các hoạt động thử nghiệm sản phẩm làm lên men vỏ trấu này để làm phân bón. Nếu thử nghiệm thành công, công ty sẽ triển khai các bước tiếp theo để đưa sản phẩm ra thị trường”.

Các sản phẩm và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực xử lý môi trường là mối quan tâm hàng đầu để hướng đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp hoặc canh tác nông nghiệp bền vững. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn là mối quan tâm hàng đầu của TP Cần Thơ. Làm thế nào để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế? Đây là vấn đề đặt ra cho các sở, ngành hữu quan, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường. Trong khuôn khổ hoạt động kết nối với các DN Nhật Bản, chúng tôi cũng thông tin khái quát về thực trạng và nhu cầu xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của thành phố. Đồng thời, mời gọi hợp tác kinh doanh hoặc thành lập các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa DN Nhật Bản và DN TP Cần Thơ để giải quyết vấn đề môi trường cho khu vực đô thị hoặc các khu công nghiệp của thành phố”. Theo ông Thái Phương Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ), qua trao đổi bước đầu, Trung tâm đã tranh thủ sự hợp tác của Công ty Cổ phần Aina (Nhật Bản) thử nghiệm sản phẩm xử lý lên men vỏ trấu để làm phân vi sinh trong thời gian tới. Nếu thử nghiệm thành công và tạo ra sản phẩm phân vi sinh có giá thành phù hợp, nông dân hoặc DN có thể khai thác nguồn trấu thu được sau xay xát lúa làm phân bón phục vụ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Hoạt động kết nối giữa DN Nhật Bản với các DN và sở, ngành hữu quan của TP Cần Thơ bước đầu đã hình thành một số định hướng hợp tác nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý môi trường của DN Nhật Bản vào thực tế sản xuất tại Cần Thơ. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp cận các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường hiện đại từ Nhật Bản để phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng bền vững. Sau các hoạt động kết nối ban đầu, thành phố mong muốn tăng cường hơn nữa mối liên kết theo chiều sâu giữa DN Nhật Bản, DN Cần Thơ cùng các sở, ngành hữu quan để chuyển giao khoa học, công nghệ về xử lý môi trường vào thực tế sản xuất. Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng đặc biệt quan tâm mời gọi các DN Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường vào đầu tư lâu dài tại TP Cần Thơ và cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng để DN hoạt động hiệu quả, cùng góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết