12/11/2014 - 09:58

Tiếp bước sự nghiệp Lương Định Của

Gần 40 năm trôi qua, kể từ ngày bác sĩ nông học Lương Định Của ra đi, một thế hệ các nhà khoa học nông nghiệp Sóc Trăng - quê hương ông, đã và đang tiếp nối ước mơ dang dở của ông, để biến vùng đất phèn, mặn trở thành vùng trọng điểm lúa thơm đặc sản của cả nước, bằng chính con đường di truyền phân tử do ông khởi xướng.

Từ cơ bản đến lâu dài

Trong một lần đến khu nhà lưới chọn tạo giống của Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng (do Tổ chức Jica - Nhật Bản tài trợ), tôi được nghe TS Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng giới thiệu các giống lúa quý, các tổ hợp lai mới, bằng phương pháp di truyền phân tử do chính bác sĩ nông học Lương Định Của - một người con của vùng đất Sóc Trăng, khởi xướng cách nay đã hơn 60 năm, mới thấy hết ý nghĩa, giá trị của những giống lúa thơm mang tên Sóc Trăng (ST).

   TS Trần Tấn Phương bên bộ sưu tập những giống lúa có đặc tính tốt được gieo trong nhà lưới.  

Tôi hiểu tâm ý của TS Trần Tấn Phương khi nhắc đến phương pháp này, vì người hướng dẫn anh hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành di truyền nông nghiệp không ai khác chính là người học trò xuất sắc của bác sĩ nông học Lương Định Của - PGS.TS Nguyễn Thị Trâm. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá lý thú là năm 2011, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Sóc Trăng đúng kỷ niệm 60 năm cũng là lúc anh nhận tấm bằng Tiến sĩ. Như vậy, phải mất 60 năm sau ngày bác sĩ Lương Định Của nhận bằng Tiến sĩ Di truyền nông nghiệp tại Đại học Kyushu (Nhật Bản), tỉnh Sóc Trăng mới có một Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền nông nghiệp thứ hai. Hiện nay, Đại học Kyushu cũng chính là một trong những đơn vị hợp tác rất chặt chẽ với Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng nói chung và cá nhân TS Trần Tấn Phương nói riêng.

Nhắc đến chuyên ngành di truyền phân tử, các nhà nghiên cứu thường nhắc kèm cụm từ: “cơ bản nhất, nhưng lại khó khăn nhất”. Nhưng vì sao phải chọn cho mình con đường khó khăn nhất này, TS Trần Tấn Phương lý giải cũng hết sức cơ bản: “Để có sự đa dạng tốt hơn, nhằm tạo ra nhiều giống lúa tốt và ổn định hơn”. Có lẽ, cũng chính từ tính chất vừa cơ bản nhất lại khó khăn nhất, nên ít có người chọn và đeo đuổi chuyên ngành này. TS Trần Tấn Phương chia sẻ: “Muốn có một giống lúa tạo được sự khác biệt về năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn... không có con đường nào khác là áp dụng phương pháp di truyền trong chọn tạo. Tuy có khó khăn, lâu dài, nhưng tôi vẫn quyết tâm đeo đuổi đến cùng và bước đầu đã gặt hái được không ít thành công, hiện có nhiều tổ chức quốc tế đặt mối quan hệ hợp tác nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Trường Đại học Kyushu, Viện Di truyền nông nghiệp Nhật Bản, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số nhà di truyền chọn giống trên thế giới”.

Năm 2003, khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh tham gia vào nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng (ST) do kỹ sư Hồ Quang Cua (lúc đó là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) phụ trách. Ngay trong năm đầu tiên, anh đã có cải tiến quan trọng trong phương pháp thử mùi thơm hạt gạo, giúp đẩy nhanh tiến độ, quy mô và khối lượng chọn tạo giống. Những giống lúa thơm đặc sản dòng ST theo đó lần lượt ra đời đến nay đã lên đến 25 (ST25), cùng hai giống đặc thù khác là ST đỏ và ST tím. TS Trần Tấn Phương cho biết, mục tiêu mà nhóm nghiên cứu đeo đuổi là chọn tạo được bộ giống lúa thơm đặc sản có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Mục tiêu đó, ngày càng hiện thực hơn, khi ngoài hai giống ST5 và ST20 đang có giá trị gạo xuất khẩu từ 600-900 USD/tấn, nhóm vừa phóng thích ra các giống: ST22, ST23, ST24, ST25 có chất lượng tương đương giống ST20, nhưng năng suất cao hơn từ 10% trở lên. TS Trần Tấn Phương cho biết thêm: “Dạng hình của hạt gạo ST20 là sự giao thoa của hạt gạo Mỹ và gạo Thái Lan. Đây cũng là hai dạng hình được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng nhất”.

Hiện tại, Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng đang sở hữu bộ sưu tập 2.700 giống lúa từ khắp các vùng miền trong nước và trên thế giới; trong đó, có những giống lúa mang các đặc điểm tốt gồm: 251 giống chống chịu sâu bệnh, thơm đậm và 621 giống lúa hoang (lúa ma). Mỗi năm, trạm đều thực hiện trên 1.000 tổ hợp lai để làm tập đoàn nền cho công tác lai tạo với các giống lúa nào chúng ta muốn cải thiện. (chuyển những đặc tính tốt của giống nền vào giống muốn cải thiện - người viết). TS Trần Tấn Phương cho biết: “Tuy đã có bộ sưu tập khá lớn, nhưng hàng năm, chúng tôi vẫn phải liên tục cập nhật thêm vì nếu không mình sẽ lạc hậu ngay, chứ đừng nói chi muốn đi tắt đón đầu công nghệ. Chỉ tính riêng bộ giống do IRRI chuyển giao, mỗi năm cũng vào khoảng 500 giống”.

Mục tiêu giá trị và hiệu quả

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, không chỉ có cá nhân, tổ chức quốc tế đến quan hệ hợp tác nghiên cứu với trạm, mà còn có cả doanh nghiệp trong tỉnh. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức đặt hàng với tỉnh Sóc Trăng giao cho trạm nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm đặc sản cho vùng ĐBSCL có chất lượng tương đương giống ST20 hiện tại, nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và năng suất cao hơn. Ngoài các tiêu chí về kháng sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao, hiện Trạm đang phát triển những giống lúa theo dạng hình và đặc tính giống như lúa Basmati của Ấn Độ (giống cho gạo giá trị cao nhất trên thế giới hiện nay). TS. Trần Tấn Phương bộc bạch: “Với hướng nghiên cứu mới này, về sơ bộ chúng tôi đã có kết quả, chỉ còn bổ sung thêm một vài đặc tính tốt cần thiết nữa là hoàn tất. Trong bối cảnh lúa gạo dư thừa như hiện nay, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến năng suất không thôi là chưa đủ, mà phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, để nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập cho người trồng lúa. Đây cũng chính là con đường để chúng ta tái cơ cấu thành công ngành lúa gạo”.

Những công trình nghiên cứu lúa thơm của các nhà khoa học Sóc Trăng đã không còn gói gọn trong phạm vi trạm, trại, hay trong tỉnh mà đã lan rộng khắp cả nước và tạo tiếng vang trên trường quốc tế. Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã trao thưởng cho kỹ sư Hồ Quang Cua và TS Trần Tấn Phương về thành tựu: “Sử dụng các giống lúa đột biến để làm vật liệu lai với các giống lúa khác”. Chia sẻ về giải thưởng trên, TS Trần Tấn Phương cho biết: “Tổ chức trao giải đã nhìn thấy thành tựu nghiên cứu của chúng ta không chỉ ở hiện tại, mà còn cả ở tương lai, trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Chúng tôi hy vọng và mong muốn đóng góp một phần công sức để Sóc Trăng trở thành tỉnh lúa thơm đầu tiên của cả nước. Đó cũng là cách mà chúng tôi muốn tri ân người trồng lúa và tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của thầy Lương Định Của”.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết