11/05/2014 - 09:29

Tiếng khép cửa

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

Tối hôm đó tôi không chốt cửa phòng mình. Đôi mắt của Nghĩa nhìn tôi rất lạ vào buổi chiều khi chỉ có hai đứa ngồi uống cà phê trước cửa Nhà văn hóa. Tôi hiểu đôi mắt đó muốn gì bởi không còn là một đứa con gái mới lớn, chẳng phân biệt nổi ánh mắt của sự ham muốn và ánh mắt của sự hâm mộ. Không nói ra, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Nghĩa sẽ nhẹ nhàng đẩy cửa phòng tôi đêm nay. Bóng đêm của thành phố Buôn Ma Thuột này sẽ che giấu hết mọi điều, kể cả nỗi thèm khát chiếm đoạt người đàn ông không phải của tôi. Nếu Nghĩa bước vào phòng tôi, cũng có nghĩa là tôi đã chứng minh được rằng Nghĩa vẫn là một người đàn ông sẵn sàng phản bội vợ mình, dù chỉ là chốc lát. Tôi không tin trên thế gian này còn người đàn ông yêu vợ đến nỗi không một người đàn bà nào có thể thay thế.

Tối hôm đó tôi không chốt cửa phòng mình. Cũng giống như những ngày Minh còn sống, tôi nói với anh: “Sau tuần trăng mật anh và em sẽ ở hai phòng khác nhau. Em không quen ngủ chung giường với bất cứ ai. Khi nào em cần anh, em sẽ để cửa không chốt lại”. Quy ước đó Minh đã tuân theo cho đến ngày anh qua đời vì một cơn bạo bệnh. Quy ước đó cũng đã đẩy Minh của tôi về tay một người đàn bà khác, người đàn bà chẳng bắt anh ở riêng phòng.

Minh của tôi là một người đàn ông yêu vợ. Tôi có tất cả những gì tôi muốn từ ngày tôi trở thành bà Minh. Tôi mở một phòng tranh cá nhân, có nguyên một căn gác lửng với đầy đủ màu, sơn và những thứ cần thiết khác để vẽ. Minh không thích khiêu vũ, tụ họp bè bạn, nhưng anh sẵn sàng hủy bỏ những cuộc hẹn để vui cùng tôi. Mỗi khi đi đâu xa, Minh gọi điện về cho tôi rất nhiều lần trong ngày. Có khi tôi đã đi ngủ, anh vẫn gọi điện để chỉ nói: “Anh nhớ em.”

 

Tôi đẹp, được chồng yêu. Minh sung sướng khi tôi và anh ở giữa đám đông, ai cũng ngoái đầu khen anh có một người đàn bà đẹp đi bên cạnh. Bạn bè ghé nhà chơi, đều nói tôi có phúc. Minh rất giỏi kiếm tiền, anh biết lựa chọn những món quà hợp ý tôi, anh tôn trọng tôi và chẳng bao giờ la cà quán xá say xỉn. Hạnh phúc của tôi có lần bị chị bạn thân cảnh báo: “Đừng tin chồng mình lắm, lại càng không tin những thằng chồng đẹp trai, làm ra lắm tiền. Ông Tài nhà chị tiền bạc làm ra bao nhiêu đưa hết cho vợ, chẳng ngó ngàng những đứa con gái ngoài đường. Thế mà đùng một cái lại có một đứa con riêng”. Tôi e ngại hỏi chị: “Thế là hai người ra tòa ly dị à?”. Chị ngập ngừng: “Nói bỏ nhau thì dễ, nhưng làm thì còn khó hơn Ngu Công phá núi. Giờ đây thỉnh thoảng phải cho ổng gởi ít tiền nuôi con, bề gì cũng là con của chồng mình”. Tôi đem chuyện của chị Mai về kể cho Minh nghe, anh cười: “Chớ em không nghe câu ca dao này sao? Đàn ông năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người”. Lúc đó tôi đã nói với Minh: “Với ai thì em không biết, nhưng với em thì ngay tức khắc ra tòa ly dị thôi”. Nói thế, nhưng trong sâu thẳm tôi cầu mong mình không phải là người đàn bà bất hạnh.

Nhưng rồi tôi phải nhận hai lần bất hạnh đến cùng một lúc, khi mà chiếu chăn chưa đủ ấm hơi người, khi mà tôi và Minh chưa kịp gắn liền đời nhau bằng một đứa con. Anh đã có một giọt máu riêng với người đàn bà khác. Tôi chỉ hận anh không giấu bí mật đó cho đến cuối cùng. Minh nói như trối với tôi trên giường bệnh: “Em hãy tha thứ cho anh, mẹ nó cũng chẳng dám tới quấy rầy em đâu, nhưng dẫu sao nó cũng là con của chồng em”.

Tôi đau và khóc vì nỗi căm tức anh cộng với nỗi đau mất anh vĩnh viễn lẫn vào nhau. Nghi, người đàn bà vụng trộm của anh chẳng dám để tang anh, cũng chẳng dám chen vai cùng tôi để khóc. Tôi phát giác rằng tôi và Nghi cũng là phận đàn bà. Với tôi, Minh không phải là người chồng chung thủy, nhưng tất cả những gì anh để lại đều thuộc về tôi. Còn Nghi hoàn toàn trắng tay, dù đau lòng đến chết cũng không dám khóc to khi chiếc quan tài đã để sâu dưới lòng đất. Cho đến khi tôi gặp Nghi lẳng lặng ôm con ngồi trong bóng chiều đang phủ bên mộ anh vào những ngày sau, tôi chợt cảm thấy lòng nhẹ tênh như vừa trải qua một cơn bệnh nặng. Tôi nói với Nghi: “Tại sao em không để tang cho anh Minh?”. Đó là lúc Nghi oà khóc, còn tôi hoảng hốt nghe Nghi nói trong tiếng nấc: “Chị có thể cho em xin một tấm ảnh của anh Minh để em lập bàn thờ để con em thắp nhang cho ảnh không?”.

***

Tôi không khóa cửa phòng vì tôi đã nhận từ chồng mình một bài học đắng cay về lòng chung thủy. Tôi hồ nghi về sự chung thủy của tất cả đàn ông. Tôi đem nhan sắc của mình ra để thử lòng chung thủy của Nghĩa và bằng lời nói bóng nói gió: “Bình thường thì em khóa trái cửa phòng mình lại khi không thích gặp bất cứ ai. Tối nay chị Bình ngủ chung phòng với em đã có công chuyện đón xe về trước rồi, thế là em phải ngủ một mình”. Đôi mắt Nghĩa lúc đó nhìn tôi như có hàng vạn đốm lửa: “Ngủ một mình lạnh lắm phải không?”. Tôi cười với Nghĩa hay tôi đang cười với tôi: “Lạnh chứ sao không lạnh”.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoạn Thư đã nói với Thúy Kiều: “Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Ừ, tôi cũng là đàn bà nhưng Minh đã đâu còn, anh đã vĩnh viễn bỏ tôi khi chỉ mới vừa 6 năm nồng ấm, mà trong lòng tôi chẳng vơi cơn ghen bị tình phụ. Dẫu rằng khi tôi đến với Minh ngoài tình yêu còn có sự cao ngạo của đứa con gái đẹp tuổi đôi mươi. Minh là thần tượng của bao nhiêu người, tôi tự tin chiếm hữu thần tượng của họ, bỏ sau lưng cuộc tình đầu với Mẫn, bạn học cùng lớp. Tình yêu của hai đứa trong trắng, chẳng vẩn đục bởi tiền bạc và ham muốn trần tục. Lấy Minh, tôi biết đã làm cho Mẫn đau đớn, nhưng dường như sự đau đớn tôi trao Mẫn đã ném trả về tôi khi biết tin Mẫn đã lấy vợ và đang sống khá hạnh phúc. Tôi tin rằng khi tôi nằm ngủ trong vòng tay người đàn ông này, vẫn có một người đàn ông khác không nguôi nhớ thương tôi. Tôi ích kỷ đến dường nào. Tôi ích kỷ với cả Minh, làm vợ anh mà như con sâu đo cứ đo mãi căn phòng của mình có vừa đủ cho sự nhớ thương. Minh yêu tôi như yêu viên ngọc, còn tôi làm vợ anh bởi vì tôi cần có một bóng cây cao che chở thân dương xỉ yếu đuối.

Minh qua đời chẳng bao lâu thì tôi lại quay về Nhà văn hóa, nơi mà trước khi về làm vợ anh tôi đã làm việc. Ở Nhà văn hóa, bề gì tôi cũng là một giọng hát hay, dẫu rằng khó thành ca sĩ chuyên nghiệp. Dưới sự che chở của Minh, tôi như một cây con bé nhỏ bị che mất ánh sáng, giờ đây tôi ngửa cổ nhận lấy những tia sáng của mình. Tôi chẳng phải bận tâm lo toan áo cơm từng bữa, bởi Minh đã để lại cho tôi một gia tài có thể tận hưởng suốt đời. Nhưng tôi chỉ vừa 32 tuổi, tuổi còn thèm vòng tay ôm nồng cháy. Nhưng với tôi, tất cả những người đàn ông gặp gỡ mỗi ngày đều chỉ là những con số không vô nghĩa, ngoại trừ Nghĩa. Bởi Nghĩa là một người đàn ông yêu vợ.

Đoàn đi biểu diễn ở Buôn Ma Thuột cho đến ngày hôm nay đã là 5 ngày. Tôi chưa gặp vợ Nghĩa lần nào, nhưng trong đoàn, có lẽ Nghĩa là người gọi điện thoại về nhà nhiều nhất, giống như Minh gọi cho tôi trước kia. Trong lòng tôi không biết từ khi nào dấy lên ham muốn muốn chiếm hữu anh, muốn anh ngã vào trong vòng tay của mình. Tôi muốn chứng minh cho người đàn bà mà anh thường xuyên gọi điện về biết rằng trên thế gian này chẳng hề có một người đàn ông nào chung thủy với vợ khi họ có cơ hội phản bội. Đáp số chung đó không chừa cả Nghĩa.

Sau đêm diễn thành công, cả đoàn kéo nhau đi ăn khuya, nhưng tôi cáo mệt về sớm. Nghĩa về sớm hơn tôi, tôi gặp anh ở ngoài hành lang. Đôi mắt anh nhìn tôi khang khác. Tôi mỉm cười thân thiện với anh. Căn phòng tôi ở nằm biệt lập tận lầu ba...

Vào phòng, tắm rửa, tôi chọn chiếc áo ngủ đẹp nhất, lơ mơ đợi bước chân người ngoài hành lang kia. Tôi đang quyến rũ một người đàn ông chung tình với vợ, tôi tin Nghĩa sẽ gọi điện cho vợ mình sớm hơn thường lệ. Cuối cùng, tôi nghe tiếng bước chân thật nhẹ qua lại trước cửa phòng tôi. Tôi mỉm cười khi tiếng bước chân dừng lại, tiếng bàn tay khẽ chạm vào chốt cửa, tôi hé mắt nhìn và bỗng giật mình khi thoáng thấy gương mặt Nghĩa quay đi. Và tiếng bước chân xa dần…

Chia sẻ bài viết