11/08/2011 - 15:24

Tiềm năng và vấn đề đặt ra của kinh tế biển Việt Nam

* PHẠM ĐỨC NGOAN
TS, Giám đốc Trung tâm quy hoạch, điều tra, đánh giá tài nguyên -
môi trường biển và hải đảo Việt Nam

Trong khi các nguồn tài nguyên ở lục địa đang cạn kiệt dần, thì việc khai thác tiềm năng biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược ở tất cả các quốc gia có biển, nhằm bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn cho các thế hệ trong tương lai. Là một quốc gia có diện tích biển rộng, nhưng kinh tế biển của Việt Nam lại chiếm một tỷ trọng không lớn trong GDP - đó 1à một nghịch lý. Thời điểm này, quyết tâm phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn khẳng định về chủ quyền của Việt Nam.

1- Tiềm năng từ kinh tế biển: Cơ hội và thách thức

 Tàu cá ở Kiên Giang chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Ảnh: T. NGUYỄN

Việt Nam có 29 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260km, 2.770 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636km2, là một trong số 10 quốc gia trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo); bình quân cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 1ần chỉ số trung bình của thế giới. Bờ biển nước ta lại mở ra cả ba hướng: Đông, Nam và Tây Nam, nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương.

Biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu ki-lô-mét vuông (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan), là con đường giao lưu và thương mại quốc tế nối liền Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều vùng biển khác, có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả với nhiều nước khác trên thế giới. Tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam đa dạng và phong phú, gồm nhiều tài nguyên khác nhau, như: nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, ven biển, các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng; các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục địa, băng cháy ở vùng sườn lục địa...; bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước đã tạo ra những lợi thế đặc biệt để phát triển giao thông, du lịch biển, đảo và xây dựng các công trình đô thị ven biển.

Có thể nói, đây là lợi thế hiếm có mà Việt Nam được thiên nhiên ban tặng. Trong số các nguồn tài nguyên biển của nước ta, trước hết phải kể đến:

Dầu mỏ và khí đốt, chỉ tính riêng nguồn năng lượng dầu khí, có khoảng 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng ở ngoài khơi miền Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, mỗi năm có thể khai thác khoảng 20 triệu tấn; trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa dự kiến khoảng 10 tỉ tấn.

Về tài nguyên sinh vật, đến nay, nước ta đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quý hiếm khác. Trong đó, san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình ở phía Bắc và là một trong những vùng biển có lượng san hô đa dạng lớn trên thế giới, với khoảng 350 loài, thuộc 72 giống. Tại 23 điểm của 12 tỉnh, đã phát hiện được 15 loài cỏ biển với tổng diện tích 5.583 ha; các thảm cỏ biển này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển.

Về nguồn lợi hải sản, với trên 2.000 loài cá (có 130 loài có giá trị kinh tế, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,7 - 2,1 triệu tấn/năm), 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài nhuyễn thể và một số loài rong, tảo... Nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư sống ở vùng ven biển và là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Phát triển công nghiệp ven biển, dọc bờ biển có gần 200 khu công nghiệp được thành lập; trong đó, 110 khu công nghiệp đã đi vào vận hành, với tổng diện tích gần 26.382ha và hàng trăm địa điểm có thể xây dựng cơ sở đóng, sửa chữa tàu; 14/15 khu kinh tế ven biển đã và đang được hình thành với tổng diện tích gần 50.000ha. Mặt khác, biển Việt Nam tiếp giáp với 10 nước và vùng lãnh thổ, nên rất có lợi thế về giao lưu thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dọc theo bờ biển, nước ta có trên 50% đô thị lớn của cả nước, có hàng trăm vũng, vịnh nước sâu, kín gió có thể xây dựng cảng, nhất là cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế; với tư cách là khu hậu cần phục vụ cho khai thác xa bờ. Đây chính là tiềm lực quan trọng làm nên sức mạnh kinh tế đất nước trong tương lai.

Du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, có triển vọng lớn để khai thác và phát triển tổng hợp. Dọc bờ biển có trên 100 bãi biển lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên đẹp; trong đó, nhiều bãi tắm lớn có chiều dài từ 15 - 18km, còn lại trung bình có chiều dài từ 1-2km, nhiều bãi biển được đánh giá là đẹp của thế giới như: Nha trang (Khánh Hòa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cát Bà (Hải Phòng)..., rất có điều kiện để khai thác và phát triển du lịch.

Khoáng sản và năng lượng, dưới đáy biển còn có nhiều loại khoáng sản quý hiếm, như: thiếc, ti-tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kền, các loại đất hiếm, các loại vật liệu xây dựng... rất cần cho các ngành sản xuất công nghiệp và kim khí... Tiềm năng này mở ra cơ hội để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo. Thủy triều, sóng, gió và ánh nắng mặt trời là những tiềm năng lớn sẽ đáp ứng cho nhu cầu về năng lượng điện trong tương lai, cung cấp điện năng cho vùng ven biển, các đảo.

Với vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên đa dạng và phong phú, biển của Việt Nam sẽ là những tiềm năng và cơ hội quan trọng trước mắt cũng như lâu dài cho phát triển kinh tế biển, để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh và giàu lên từ biển. Tuy nhiên, để biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực và phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững, chúng ta đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn:

- Khai thác, sử dụng biển, đảo ở nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc đánh giá, nhìn nhận về tiềm năng tài nguyên biển, đảo còn chưa đầy đủ, đúng mức; việc phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng liên quan để xây dựng một quy hoạch tổng thể về sử dụng biển và đảo thiếu sự thống nhất, thiếu cơ chế phù hợp. Nhà nước chưa xây dựng một quy hoạch tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Nguồn đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu khai thác tiềm năng kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

- Mặt khác, do nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, khai thác biển, đảo, nhưng sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn thiếu chủ động, chức năng quản lý chồng chéo, dẫn tới bất cập trong thực hiện quy hoạch cũng như khai thác, sử dụng tiềm năng biển, đảo. Hơn nữa, nhiều mâu thuẫn phát sinh giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành (chẳng hạn, giữa nuôi trồng thủy sản với trồng rừng ngập mặn); mâu thuẫn giữa ngành này với ngành kia (chẳng hạn, du lịch biển với công nghiệp đô thị ven biển; giữa bảo tồn biển và du lịch; khai thác khoáng sản biển với bảo vệ môi trường biển...) chưa được giải quyết tổng thể, hiệu quả. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng biển và đảo, quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo càng là nhiệm vụ trọng tâm và phải được ưu tiên hàng đầu nhằm sử dụng và khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái biển theo yêu cầu đặt ra.

- Các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua (khoảng 2%/năm). Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt. Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng. Cùng với sự cố dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta. Trong thời gian tới, khi đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển và tác động của biến đổi khí hậu... nếu không được quy hoạch sẽ làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển đang là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển. Những điều đó cũng đồng nghĩa với sự hạn chế cạnh tranh, tự đánh mất lợi thế trong thu hút đầu tư...

2- Để phát triển kinh tế biển bền vững

Hiện nay, theo ước tính, tiềm năng biển và vùng ven biển nước ta đạt khoảng 47% - 48% GDP của cả nước; nhưng GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20% - 22%. Trong tỷ trọng các ngành kinh tế trên biển, thì 98% là khai thác dầu khí, hải sản, vận tải... dù bước đầu đã phát triển, nhưng quy mô còn nhỏ bé (chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 4% tổng GDP cả nước). Để phát triển kinh tế biển bền vững, trên cơ sở thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta, cần tiếp tục thực hiện một số việc chủ yếu, cấp bách sau:

Trước hết, đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, củng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, để nắm chắc tài nguyên trên biển cũng như dưới đáy biển nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới; phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Đây là các nội dung quan trọng của Chiến lược biển.

Hai là, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương và các nước lân cận, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm thiểu các xung đột. Có phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển để phát triển biển bền vững, giữ biển hữu hiệu hơn nữa cho các thế hệ mai sau.

Ba là, Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo ra những lợi thế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư chung tay xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo với hiệu quả và giá trị cao nhất. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển, để làm động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53% - 55% GDP và từ 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển, như Chiến lược biển đã đề ra.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển, hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển, đảo cho sự nghiệp phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân. Đổi mới chính sách để hình thành các doanh nghiệp mạnh; đồng thời, huy động mọi thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả tiềm năng từ biển và tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm là, xây dựng, quảng bá thương hiệu biển Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế các vùng biển nước ta, các tỉnh ven biển, các doanh nghiệp kinh tế ven biển, để tạo động lực tăng trưởng kinh tế ven biển. Từ đó thu hút đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm từ biển, trực tiếp giúp các địa phương tiếp cận với các nước trong khu vực, thế giới trong hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu biển phải gắn với thương hiệu quốc gia, nhằm phát triển bền vững thương hiệu sản vật, sản phẩm và biển, đảo Việt Nam, nhất là các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết