01/12/2017 - 19:24

Tiềm năng chống siêu khuẩn kháng thuốc từ mật ong Manuka 

Mật ong Manuka là loại mật đặc biệt được tạo ra bởi loài ong thụ phấn cho hoa của cây manuka chỉ có tại New Zealand và Úc. Các nhà khoa học tin rằng loại mật này không chỉ hữu ích trong việc tăng cường miễn dịch, điều trị các vấn đề hô hấp, rối loạn tiêu hóa, dưỡng da… mà còn có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hiện nay.

Mật ong Manuka đặc biệt tốt trong điều trị vết thương. Ảnh: Juicing for Health

Kể từ khi thuốc kháng sinh ra đời vào giữa thế kỷ 20, công dụng của mật ong đối với y học dường như ít được chú trọng. Nhưng trước thực trạng các siêu vi khuẩn ngày càng đề kháng với cả những loại thuốc kháng sinh mạnh, giới chuyên gia bắt đầu chú ý đến việc tận dụng mật ong đối phó những mầm bệnh chết người này.

Mặc dù tất cả mật ong đều có hoạt tính kháng khuẩn, song mức độ thì khác nhau vì còn phụ thuộc vào loài hoa mà ong hút mật, trong đó, mật ong Manuka được chứng thực có tính kháng khuẩn rất mạnh. Được mệnh danh là “siêu thực phẩm”, mật ong Manuka đã được tin dùng hàng thế kỷ nhờ có tiếng là điều trị hiệu quả các bệnh như dị ứng, cảm lạnh, ho, đau họng, viêm nướu, nhiễm trùng đường tiêu hóa, chữa lành vết thương và tăng cường hệ miễn dịch...

Khả năng kháng khuẩn đặc biệt của mật ong Manuka (cây họ trà, tên khoa học Leptospermum scoparium - ảnh phải) được Giáo sư người New Zealand Peter Molan khám phá từ những năm 1980 khi ông nhận thấy tác dụng của nó vẫn bảo toàn ngay cả khi hoạt chất kháng khuẩn phổ biến trong mật ong là hydrogen peroxide bị tách bỏ. Điều bí ẩn này mãi đến năm 2008 mới được phát hiện đó là do mật ong Manuka còn chứa hoạt chất đặc biệt tên là methylglyoxal (MGO).

Hoạt tính của mật ong Manuka đã được các chuyên gia kiểm chứng trên nhiều vi sinh vật khác nhau, đặc biệt là những loại gây nhiễm trùng vết thương, và nhận thấy nó có khả năng ức chế mầm bệnh, kể cả các siêu vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Ngoài ra, loại mật này còn giúp tiêu diệt vi khuẩn sống trên màng sinh học (môi trường sống thuận lợi của chúng), điển hình như liên cầu khuẩn Streptococcus gây viêm họng và khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus gây nhiễm trùng da. Quan trọng hơn, đến nay vẫn chưa có trường hợp vi khuẩn nào được báo cáo kháng lại hoạt chất chống khuẩn của mật ong Manuka trong phòng thí nghiệm.

Trên thực tế, mật ong Manuka được đánh giá là lý tưởng để chăm sóc vết thương một cách an toàn. Lý do là ngoài khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, loại mật này còn giúp duy trì môi trường ẩm tại vết thương, khử mùi, loại bỏ tế bào chết, đẩy nhanh tốc độ chữa lành và giảm nguy cơ để lại sẹo. Đến nay, mật ong Manuka đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị các vết thương, vết bỏng, vết mổ, lở loét ở chân, lưng, mông do nằm lâu hay do biến chứng của những bệnh lý khác... Chính vì vậy, loại mật này được tin sẽ giúp ích trong cuộc chiến chống siêu vi khuẩn trên toàn cầu.

Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định mật ong Manuka có công dụng chống ung thư, trị bệnh tiểu đường hay chữa rụng tóc, mà đó chỉ là một phần trong chiến dịch “tiếp thị” của các nhà sản xuất.

ĐƯỜNG THẤT (Theo The Conversation, Daily Mail)

Tỏi có thể diệt siêu khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện

Theo nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), hoạt chất chính trong tỏi gọi là ajoene có thể phá hủy gien của siêu vi khuẩn, khiến chúng mất khả năng chống lại kháng sinh.

Công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports, các nhà khoa học cho biết ajoene hủy hoại một gien đặc biệt khiến màng sinh học của vi khuẩn vị phá vỡ, làm cho chúng không thể bám vào mô người và tiếp tục sinh sôi. Một khi màng sinh học của vi khuẩn bị phá hủy, thuốc kháng sinh cũng như hệ miễn dịch cơ thể sẽ chống lại tình trạng nhiễm trùng hiệu quả hơn.

Theo Giáo sư Tim Holm Jakobsen, trưởng nhóm nghiên cứu, ajoene đã được chứng thực trong phòng thí nghiệm có thể chống lại trực khuẩn mủ xanh và khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), hay “siêu vi khuẩn” đề kháng nhiều loại kháng sinh. Với đột phá mới, Giáo sư Jakobsen hy vọng hợp chất từ tỏi có thể là giải pháp hiệu quả khi dùng kèm kháng sinh để điều trị tình trạng xơ nang, các vết thương mãn tính ở bệnh nhân tiểu đường cũng như diệt MRSA và các vi khuẩn gây nhiễm trùng khác trong bệnh viện.     

Chia sẻ bài viết