04/08/2017 - 09:22

Tích hợp ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng trọng điểm lương thực của Việt Nam là một trong những điểm nóng của thế giới về biến đổi khí hậu (BĐKH) khi những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi và tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH là vấn đề được các địa phương quan tâm.

Tác động từ biến đổi khí hậu

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm và tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng lốc xoáy tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm và tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng lốc xoáy tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 40 ngàn km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 3,2 triệu ha, với trên 17,5 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái của Việt Nam.

Hằng năm, toàn vùng có trên 90% lượng gạo xuất khẩu; trên 65% lượng thủy sản và 50% lượng trái cây xuất khẩu… Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đã và đang chịu tác động của BĐKH ngày càng nhiều hơn.

Mùa lũ hằng năm biến động thất thường, ngập lụt ở các đô thị trong vùng với diện tích và thời gian tăng hơn; hiện tượng sạt lở đất, triều cường, bão, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên.

Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; hiện tượng xâm nhập mặn dọc theo các tỉnh ven biển ngày càng lấn sâu vào nội đồng; đồng thời chịu nhiều tác hại do các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công xây dựng đập thủy điện, làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nguồn nước ở vùng hạ nguồn, vùng ĐBSCL.

Đây là những thách thức và khó khăn lớn nhất mà ĐBSCL phải gánh chịu và cần phải có quy hoạch liên kết phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, ứng phó BĐKH kịp thời và mang tính lâu dài...

Cụ thể, những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn, mưa lớn kèm theo lốc xoáy, bão, sạt lở bờ sông, đê biển... xảy ra đến mức báo động ở nhiều địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang và TP Cần Thơ...

Ở một số địa phương, nước mặn đã xâm nhập sâu từ 50 đến 60km vào nội đồng, gây thiệt hại sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái. Mùa mưa năm nay, nhiều địa phương cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn kèm theo lốc xoáy.

Gần đây, giữa tháng 7-2017, trên địa bàn 2 xã Ngọc Chánh và Tân Dân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), xuất hiện mưa dông kèm theo lốc xoáy làm sập hoàn toàn 19 căn nhà, tốc mái 40 căn, gây thiệt hại lớn về tài sản. UBND huyện Đầm Dơi huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng cho hộ có nhà sập hoàn toàn, 1 triệu đồng cho hộ bị tốc mái.

Ở TP Cần Thơ, trong tháng 7-2017 đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm tốc mái, xiêu vẹo, sập 45 căn nhà tại các quận Cái Răng, Bình Thủy và các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Ước thiệt hại tài sản gần 490 triệu đồng.

Ông Bùi Quang Minh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi mưa lớn, lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đã có mặt tại hiện trường, thăm hỏi, bố trí lực lượng giúp các hộ dân dọn dẹp nhà cửa, di dời tài sản, vật dụng đến nơi ở tạm; hỗ trợ người dân dựng lại nhà mới; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, hạn chế tốc mái, xiêu vẹo xảy ra trong những tháng mùa mưa bão sắp tới...”.

Theo các nhà khoa học, tương lai khí hậu biến đổi, ĐBSCL sẽ thiệt hại nặng nề hơn nữa nếu không có giải pháp thích ứng của toàn vùng.

Dự báo đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng, tài sản do lũ lụt, bão, lốc xoáy, sạt lở. Đặc biệt, sự nhiễm mặn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và giảm năng suất của lúa.

Trung bình, năng suất lúa có thể giảm đến 20 - 25%, thậm chí đến 50%. Do đó, ĐBSCL cần có quy hoạch tổng thể, mang tính cấp vùng nhằm ứng phó BĐKH, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Xây  dựng vùng thích ứng biến đổi khí hậu

Giữa tháng 7-2017, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH - cơ hội và thách thức”. Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện vùng ĐBSCL đang tồn tại đến 10 bản quy hoạch do Chính phủ phê duyệt, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐBSCL; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng như: thủy lợi, chế biến cá tra, nuôi tôm, sản xuất lúa, du lịch, cấp thoát nước, hệ thống giao thông vận tải thích ứng BĐKH.

Trong khi đó ở cấp độ địa phương, đến nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã xây dựng và phê duyệt được gần 2.500 bản quy hoạch, trong đó có 773 bản quy hoạch nông thôn mới và hơn 490 bản quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT, cho biết: “Do số lượng các bản quy hoạch quá lớn đã dẫn đến nhiều tồn tại, yếu kém như không gắn kết, thiếu đồng bộ, thậm chí có những vấn đề còn sai lệch, chưa đồng bộ trong phát triển, ứng phó BĐKH...”.

Bộ KH&ĐT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng một bản quy hoạch (giai đoạn 2021-2030) cho vùng ĐBSCL, với mục tiêu tạo ra khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở cho triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ về mặt hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sản xuất cũng như việc khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong điều kiện BĐKH. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.

Ông Vũ Quang Các cho biết thêm: “Nội dung quy hoạch vùng ĐBSCL lần này, sẽ tập trung xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển cho vùng mang tính đa ngành; giải quyết quy hoạch vùng là giải quyết mang tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng và trong bản quy hoạch chỉ đề xuất những dự án có tác động đến các vấn đề chung của vùng mang tính thích ứng BĐKH. Sắp tới đây, vùng ĐBSCL chỉ còn một bản quy hoạch giải quyết các vấn đề hạ tầng xã hội, giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ; các vấn đề về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; các vấn đề phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại… trong vùng đều được phản ánh trong bản quy hoạch này”. 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết