13/09/2018 - 09:33

Tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa thu đông 

Huyện Cờ Đỏ xuống giống gieo trồng được 21.050 ha lúa thu đông 2018, đạt 115,88% so với kế hoạch. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa này, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã và đang tích cực thông tin, dự báo tình hình và hỗ trợ nông dân chủ động ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi.

Không chủ quan

Đến nay, các trà lúa thu đông trên địa bàn huyện Cờ Đỏ chủ yếu trong giai đoạn trổ đến chắc xanh và đang chín, lúa phát triển tốt. Dự kiến khoảng 20-30 ngày nữa, nhiều diện tích lúa thu đông tại Cờ Đỏ bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều nông dân  vẫn chưa an tâm do lũ  lớn về sớm và tình hình thời tiết, mưa bão, sâu bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đe dọa gây hại lúa.

Anh Hà Minh Phương, ngụ ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ bơm thoát nước cho ruộng lúa. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Anh Hà Minh Phương, ngụ ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ bơm thoát nước cho ruộng lúa. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Anh Hà Minh Phương, ngụ ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “2ha lúa của tôi nằm trong vùng có đê bao khá đảm bảo nhưng cũng bị ngập do mưa và nước xì vào ruộng theo đường lỗ mọi dọc quanh đê. Khoảng 1 tháng qua, tôi thường xuyên phải bơm thoát nước cứu lúa. Gần đây, ruộng lúa ít bị ngập hơn do bớt mưa, nhưng tôi đặt luôn máy bơm tại ruộng để sẵn sàng tiêu thoát nước cho lúa. Tôi cũng phối hợp cùng bà con sản xuất chung trong cánh đồng thường kiểm tra, gia cố lại các đoạn đê bao có nguy cơ bị sạt lỡ”. Ông Lê Bá Thành, có 10 công lúa tại ấp Đông Hòa, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cũng cho biết: “Đã phải phối hợp với bà con tại cánh đồng hùn tiền thuê xáng cạp gia cố lại đê bao và tiến hành bơm tát nước tập thể để đảm bảo tiêu thoát nước cho ruộng lúa từ  hơn 3 tuần nay. Hiện lúa tại cánh đồng đã trổ đều và dự kiến khoảng 1 tháng nữa thu hoạch nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tiêu thoát, tránh lúa bị đổ ngã để tới đây thuận lợi thu hoạch bằng máy”. Theo ông Nguyễn Hải Hưng ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, năm nay lũ về sớm kết hợp với triều cường và trời có mưa lớn nhiều ngày khiến ruộng lúa của gia đình và nhiều bà con tại ấp cũng có nguy cơ bị thiệt hại do ngập úng. Rất mừng là bà con cùng đồng lòng phối hợp với nhau theo từng cánh đồng để bơm nước bảo vệ lúa. Chính quyền xã và huyện cũng kịp thời hỗ trợ nạo vét các kênh tạo nguồn, kết hợp với gia cố lại các đoạn đê bao sung yếu tại địa phương, đảm bảo ngăn lũ. 

Hỗ trợ nông dân

  Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, đầu năm 2018 đến nay, huyện được bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hơn 6,6 tỉ đồng để thực hiện 9 công trình thủy lợi tạo nguồn với tổng chiều dài là 26.897m, khối lượng 274.469m3. Huyện cũng đề xuất xin kinh phí 6,7 tỉ đồng để thực hiện thêm 9 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài 24.439m, khối lượng 273.002m3. Ngoài ra, huyện cũng đã vận động nhân dân góp hơn 43,4 triệu đồng thực hiện được 3 công trình thủy lợi nội đồng tại thị trấn Cờ Đỏ và xã Trung Hưng với tổng chiều dài là 1.070m, tổng khối lượng là 3.715m3, góp phần đảm bảo nước tưới tiêu, phòng chống ngập lũ và đảm bảo giao thông thủy, thuận lợi vận chuyển vật tư, máy móc phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ cùng các cấp chính quyền tại địa phương luôn quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất và diễn tiến của thời tiết, mưa lũ để kịp thời có các khuyến cao, hỗ trợ người dân chủ động sản xuất. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cờ Đỏ đã thường xuyên thăm đồng, có các chỉ đạo kịp thời và kiểm tra, thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi và chú ý gia cố hệ thống đê bao để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ lúa thu đông. Các địa phương đã quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân kịp thời gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng tình trạng ngập lũ, sạt lở đất và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Nhờ vậy, nhiều diện tích sản xuất lúa thu đông và cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện thoát khỏi nguy cơ bị thiệt hại do mưa lũ.

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, cho biết: “Nhìn chung, các trà lúa thu đông tại xã phát triển tốt, lúa được từ 60-70 ngày tuổi trở lên, dự kiến khoảng 20-9 bắt đầu thu hoạch. Vụ này, toàn xã gieo trồng được 3.100 ha, trong đó có hơn 530 ha lúa được doanh nghiệp bao tiêu ngay đầu vụ. Ngay những tháng đầu năm 2018, xã vận động nhân dân thực hiện 2 công trình thủy lợi nội đồng và được huyện hỗ trợ thực hiện 6 công trình nạo vét kênh mương thủy lợi tạo nguồn gắn với gia cố đê bao nhằm đảm bảo cho sản xuất. Đặc biệt, xã chỉ đạo các ấp rà soát tất cả các tuyến đê bao để chủ động gia cố và thực hiện bơm tát nước bảo vệ lúa trước tình hình mưa lũ bất lợi”. Theo ông Nguyễn Văn Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, đã chủ động họp dân tại các ấp và từng cánh đồng để vận động gia cố  đê bao, bờ bao và chủ động phương tiện, máy móc tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Ngay từ đầu vụ, xã cũng đã vận động nông dân thực hiện công tác thủy lợi nội đồng và chuyển nhiều diện tích không đảm bảo cho sản xuất lúa vụ 3 sang nuôi cá ruộng và trồng sen. Vụ thu đông 2018 nông dân tại xã Đông Hiệp gieo trồng được 614 ha lúa, trong đó 65 ha còn có nguy cơ chưa đảm bảo ăn chắc. Dự kiến đến giữa tháng 9-2018, lúa tại xã bắt đầu bước vào thu hoạch.

Ông Lê Hữu Trạng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ cho biết, đang tiếp tục phối hợp chặt với các ban ngành huyện và các địa phương để theo dõi và chủ động bảo vệ sản xuất lúa, màu, thủy sản trên địa bàn, đặc biệt là các diện tích có khả năng bị ảnh hưởng ngập úng do mưa bão. Tập trung kiểm tra thường xuyên các tuyến đê bao xung yếu, khuyến cáo, hướng dẫn bà con chuẩn bị phương tiện, máy móc đầy đủ để chủ động bơm tát nước và thu hoạch lúa kịp thời. Thường xuyên cập nhật và phổ biến các thông tin về thời tiết, mưa lũ cho bà con nắm để chủ động ứng phó. Đồng thời, theo dõi, thúc đẩy thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản giữa nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân, nhất là tại các cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu.

Vụ thu đông 2018, có hơn 10.114 ha lúa của nông dân tại huyện tham gia mô hình “cánh đồng lớn” gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. 

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết