17/04/2018 - 09:32

Tích cực bảo vệ vườn cây mùa nắng nóng 

Cần Thơ có trên 17.110 ha cây ăn quả, trong đó hơn 11.600 ha đang có trái, chủ yếu là cây lâu năm, nhiều loại có khả năng chống chịu cao với khô hạn và nắng nóng. Song, nhiều nông dân không chủ quan mà chủ động chăm sóc, bảo vệ vườn cây nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trong mùa khô năm nay.

Nắng nóng gay gắt

Năm nay, dù hạn mặn không xảy ra nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm năm 2016-2017 nhưng cũng gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL nhìn chung khá thuận lợi và đảm bảo. Tuy nhiên, các địa phương phải đối mặt với tình hình nắng nóng xảy ra với cường độ cao trong những ngày qua, với nền nhiệt tại nhiều nơi ở Nam bộ đạt mức cao nhất lên đến 33-360C. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như vậy, nhiều loại cây ăn quả có thể bị giảm năng suất cho trái, bị chết nếu không  cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Anh Nguyễn Văn Cường ở huyện Phong Điền đắp đập để trữ nước trong mương vườn phục vụ tưới cho vườn cây.

Ông Nguyễn Văn Bá, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai có 4 công vườn trồng bưởi và nhãn, cho biết: "Năm nay, nắng nóng khá gay gắt quá. Để bảo vệ vườn cây, tôi sử dụng rơm rạ, cỏ cây để che đậy và bồi sinh cho gốc cây và tăng cường tưới nước thường xuyên". Anh Nguyễn Văn Cường ngụ ấp Tân Long, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: "Để bảo vệ vườn sầu riêng hơn 10 công đang cho trái, gia đình tôi phải khai thông kênh mương gia cố, đắp các bờ đập để trữ nước đảm bảo luôn có nước tưới cho vườn cây. Cứ cách 1 ngày phải tưới nước cho vườn cây 1 lần".  Theo ông Trần Văn Hành ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thời tiết ngày càng thất thường, mưa nắng không còn theo quy luật, chia rõ rệt theo 2 mùa như trước nên nhà vườn phải thực hiện nhiều biện pháp chủ động tưới tiêu vườn cây, tránh thiệt hại. Nhiều nông dân  tăng cường bón phân hữu cơ, dùng sình bùn và cây cỏ, rơm rạ chể che chắn, bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng. Các biện pháp này tuy khá đơn giản những đã phát huy hiệu quả, cây ít bị thiệt hại. Hiện này, nhiều hộ dân cũng đã  đầu tư hệ thống phun tưới nước tự động tưới nước cho vườn cây  nhanh chóng, đều khắp, tiết kiệm nhân công và chi phí.

Hỗ trợ kỹ thuật cho nhà nông

Thời gian qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng và địa phương. Hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, nhất là hỗ trợ về đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi và giống cây trồng.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, Nam bộ là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực của cả nước, với diện tích toàn vùng là 466.700 ha.  Những năm gần đây, một số hiện tượng và tác động của biến đổi khí hậu xuất hiện tại khu vực Nam bộ như: hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt với tầng suất ngày càng nhiều và không theo quy luật đã gây ra những tổn thất to lớn cho con người, đất đai và cây trồng.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã và đang chú trọng hỗ trợ nông dân sản xuất trái cây theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP và tích cực hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt, áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm như: tưới phun, tưới nhỏ giọt tự động... ít sử dụng nước và hạn chế việc rửa trôi phù sa, dinh dưỡng trong đất. Thực hiện tỉa cành tạo dáng cho cây ăn trái  cắt bỏ cành già yếu để "trẻ hóa" cây, cho trái tốt và điều chỉnh được chiều cao của cây thuận lợi trong các khâu chăm sóc và thu hoạch trái…

Để phòng chống hạn mặn cho vườn cây ăn quả, nông dân cần quan tâm củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn tránh nước mặn xâm nhập và dự trữ nước ngọt trong mương và vườn để tưới cho cây. Giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu nước của cây nhà nông nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Tăng cường bón phân hữu cơ, kali và sử dụng nấm cộng sinh Arbuscular Mycorrhiza kết hợp phân hữu cơ làm tăng khả năng chịu đựng của rễ cây với các yếu tố bất lợi như: hạn hán, mặn, phèn, ngộ độc đất rễ cây và ức chế xâm nhiễm vi sinh vật gây bệnh… Khi gặp điều kiện môi trường bất lợi , nông dân cũng cần lưu ý chủ động phòng trừ các loại dịch hại dễ phát sinh như: bệnh thối rễ, rầy chổng cánh, nhện đỏ trên cây có múi, bệnh thán thư, bệnh thối quả, rầy bông xoài và bọ trĩ trên xoài, rệp sáp trên nhãn, bệnh phấn trắng và sâu đục quả trên chôm chôm…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết