02/09/2010 - 08:18

Thường Thạnh anh hùng

Đường về trung tâm phường Thường Thạnh.

Trong khí thế cùng cả nước náo nức mừng Quốc Khánh 2-9, năm nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân phường Thường Thạnh, quận Cái Răng còn thêm niềm vui lớn là vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Danh hiệu cao quý này là sự ghi nhận quá trình chiến đấu, hy sinh gian khổ trong suốt 2 cuộc kháng chiến đã qua và sự nỗ lực vượt khó để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển... của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thường Thạnh.

ANH DŨNG TRONG CHIẾN ĐẤU

Sau nhiều lần sáp nhập, chia tách, năm 2004, phường Thường Thạnh được thành lập. Phường có 11 khu vực, với diện tích tự nhiên 1.288 ha, nằm ven trung tâm quận Cái Răng, tiếp giáp với huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang); là đầu mối giao thông của các xã, phường lân cận như: Đông Phước, Ngã Sáu (Hậu Giang), Tân Phú, Phú Thứ (quận Cái Răng),... Cũng do vị trí chiến lược quan trọng như vậy, nên trong thời kỳ chiến tranh, Thường Thạnh là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Với ta, Thường Thạnh là điểm tựa để tấn công ra chợ Cái Răng và trung tâm Cần Thơ; còn địch coi đây là vùng xung yếu để lấn chiếm, nhằm đánh sâu vào vùng kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Thường Thạnh đã chịu nhiều hy sinh, mất mát, lập nên những chiến công vang dội, góp phần làm suy yếu lực lượng của địch...

“Lịch sử truyền thống Cách mạng xã Đông Thạnh (sơ khảo)” năm 2003 (trước đây phường Thường Thạnh là một phần của xã Đông Thạnh -PV) đã ghi lại nhiều trận đánh tiêu biểu của quân, dân Thường Thạnh, như: Ngày 15-4-1968, tại rạch Ông Cửu, địa phương quân của huyện Châu Thành (cũ) cùng du kích Thường Thạnh phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô chặn đánh, bẻ gãy cuộc càn quét của địch, diệt gọn Tiểu đoàn 2 và làm thiệt hại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 3 Sư đoàn 21 ngụy khi chúng đi tiếp viện tại rạch Ông Cửu, thu nhiều súng, đạn dược. Tháng 11-1965, quân dân Thường Thạnh đã tham gia đánh đồn và đánh địch can viện ở kinh Mương Dâu, diệt chết và bắt sống 55 tên, thu 50 súng các loại... Trong chiến tranh ác liệt, trên mảnh đất anh hùng này đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh vì đồng đội, bảo vệ quê hương đất nước. Tiêu biểu như gương hy sinh của liệt sĩ Phạm Văn Út, du kích xã. Ngày 12-6-1967, khi đang trú ẩn trong hầm bí mật thì bị địch phát hiện, đồng chí đã lao vào cắn cổ một tên lính Mỹ. Đồng chí Út hy sinh, nhưng tên lính này cũng chết trên đường cấp cứu. Hay như gương liệt sĩ Nguyễn Văn Hai, trong lúc làm nhiệm vụ thì trúng đạn, bị địch bắt. Chúng băng bó vết thương cho đồng chí và tìm cách dụ dỗ khai thác, nhưng đồng chí cương quyết không khai báo, dùng hết sức lực còn lại đạp té ngã tên lính Mỹ, rồi tự móc ruột hy sinh,...

Chỉ tính trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và LLVTND phường Thường Thạnh đã chiến đấu độc lập và kết hợp chiến đấu đánh địch 257 trận; đánh thiệt hại 2 đoàn phòng vệ xung kích, 9 bộ máy tề xã, ấp, 1 đoàn bình định, 4 đại đội bảo an, 2 trung đội biệt kích, 2 Tiểu đoàn của Sư đoàn 9, Sư đoàn 21; tiêu diệt và bức rút 27 lượt đồn bót, phá 5 ấp chiến lược; đánh bại và loại khỏi vòng chiến đấu 5.321 tên địch (có 6 tên Mỹ), bắt sống 75 tên; bắn rơi 2 máy bay trực thăng; bắn cháy và hư hỏng 4 xe quân sự; thu nhiều vũ khí các loại... Để làm nên những chiến công ấy, 289 người con ưu tú của quê hương Thường Thạnh đã trở thành liệt sĩ, toàn phường có 56 thương binh, 23 gia đình có công với cách mạng, 9 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 Anh hùng LLVTND...

CHUNG TAY XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Đồng chí Huỳnh Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, cho biết: “Thời điểm mới thành lập, cơ sở hạ tầng của Thường Thạnh còn rất hạn chế; trên 90% người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp; về giao thông, toàn phường chỉ có duy nhất một tuyến đường nhựa là đường Số 10 - Cái Chanh”... Trên cơ sở phân tích thấu đáo những tiềm năng, lợi thế, xu thế phát triển của địa phương, Đảng bộ phường Thường Thạnh xác định cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương là “Nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005 - 2010, UBND phường kết hợp với các ngành chức năng của quận tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, hoa màu ngắn ngày, thay đổi giống mới có năng suất cao, vật nuôi có giá trị; từng bước khôi phục vườn cây ăn trái, trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Song song đó, phường tập trung khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển giao thông; nâng cấp Trung tâm thương mại Cái Chanh; phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống, như: đan đát, dệt chiếu,... Phường còn kết hợp với ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất,... để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân...

Những giải pháp hợp lý được triển khai một cách đồng bộ đã giúp kinh tế xã hội Thường Thạnh có những chuyển biến đáng kể. Nếu như trước đây, từ Quốc lộ 1 về phường chỉ có duy nhất tuyến đường Số 10 - Cái Chanh, thì nay đã có thêm tuyến đường Hàng Gòn - Cái Chanh, Trần Hưng Đạo nối dài - Cái Chanh. Hiện nay, lãnh đạo phường đang đề nghị quận đầu tư thêm tuyến đường Thường Thạnh -Tân Phú để kết nối với khu đô thị mới Nam Cần Thơ, mở thêm cơ hội đón làn sóng đầu tư về phường. Đường giao thông mở đến đâu, đời sống nhân dân thay đổi đến đó, nhà cửa, hàng quán cũng dần dần mọc lên theo. Theo đồng chí Huỳnh Văn Hiệp, khi mới thành lập, Thường Thạnh chỉ có khoảng 20%-30% nhà ở kiên cố, bây giờ số nhà tường, nhà lầu trên địa bàn đạt khoảng 70%-80%. Ngoài chợ Cái Chanh, trên địa bàn phường đã hình thành thêm chợ Bà Vèn và chợ Ông Cửu. Toàn phường Thường Thạnh có 9 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 81 cơ sở dịch vụ - thương mại, 4 cơ sở du lịch. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang mua bán, làm dịch vụ... Cuối năm 2009, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng thêm gần 100% so với 5 năm trước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Cùng với phát triển kinh tế, từng bước hoàn thiện hệ thống điện - đường - trường - trạm, phường Thường Thạnh quan tâm đẩy mạnh phong trào đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao dân trí và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện giờ, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 8 năm liền giữ vững danh hiệu Phường Văn hóa. Đến cuối năm 2009, phường còn 176 hộ nghèo, chiếm 6,82% tổng số hộ. Anh Trần Văn Nam, nhà ở gần chợ Cái Chanh, tâm sự: “Tui là dân cư ngụ tại phường mà còn nhận thấy bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày nên những người đi xa trở về không khỏi trầm trồ trước sự đổi mới không ngờ của quê hương trong những năm gần đây. Đường phố được chỉnh trang, vệ sinh môi trường được quan tâm sạch đẹp. Tuy chưa thể sánh bằng nhiều phường khác, nhưng chúng tôi rất tự hào về sự đổi mới của quê mình”.

Theo các đồng chí lãnh đạo phường Thường Thạnh, cùng với sự nỗ lực của đảng bộ và chính quyền phường, những thay đổi của Thường Thạnh hôm nay có sự góp phần rất lớn của người dân địa phương. Điển hình như trong công tác xây dựng giao thông, 5 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phường đã xây dựng được 17,6 km đường giao thông liên khu vực với kinh phí 1,7 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 887 triệu đồng. Mới đây, nhân dân đã hiến đất và hoa màu, vật kiến trúc trên 10 tỉ đồng để xây dựng tuyến đường Hàng Gòn - Cái Chanh rộng 20 mét từ Quốc lộ 1 về đến trung tâm phường. Trong đó, nhiều người đã hiến đất với diện tích lớn. Điển hình như hộ ông Nguyễn Phát Minh ở khu vực Yên Hạ đã hiến 1.600m2 đất và hoa màu. Ông Nguyễn Phát Minh tâm sự: “Thời điểm đó, mỗi công đất trị giá hơn 300 triệu đồng, khi tôi đề nghị hiến cho nhà nước làm đường, giữa các thành viên trong gia đình cũng chưa nhất trí cao. Nhưng tôi đã sống ở vùng đất này trên 50 năm, chứng kiến cảnh người dân ở khu vực Yên Hạ muốn ra trung tâm thành phố phải đi đò một đoạn rồi mới có đi xe tiếp; các cháu học sinh đi học khó khăn... tuyến đường được xây dựng sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế- xã hội cho phường, tôi đã phân tích và động viên để cả gia đình đồng ý”. Trước đó, ông Phát Minh cũng đã hiến gần 200m2 đất để xây dựng tuyến đường Thường Thạnh- Lê Bình...

Đồng chí Huỳnh Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: “ Để lãnh đạo xây dựng địa phương ngày càng phát triển, Đại hội Đảng bộ phường Thường Thạnh nhiệm kỳ 2010-2015, xác định thời gian tới sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “Nông nghiệp -Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại-Dịch vụ và Du lịch” sang “Tiểu thủ công nghiệp-Thương mại-Dịch vụ và Nông nghiệp”, mục tiêu là nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng/người/năm trong 5 năm tới”. Để thực hiện mục tiêu này, phường Thường Thạnh đề ra giải pháp là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, phát triển kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái, quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và các ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết việc làm, nâng dần mức sống của người dân. Đồng chí Huỳnh Văn Hiệp khẳng định: “Mặc dù phía trước còn không ít khó khăn, nhưng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân phường Thường Thạnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết