30/09/2009 - 14:58

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Thực thi bảo hộ quyền tác giả nhằm trả lại sự công bằng

 

Ngày 26-9-2009 vừa qua, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TT BVQTGÂNVN) tổ chức triển khai các văn bản luật về bảo hộ quyền tác giả. Đây là bước đầu tiên trong việc triển khai thu phí tác quyền đối với tất cả các hoạt động biểu diễn và sử dụng băng đĩa nhạc tại các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ. Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả, PV Báo Cần Thơ đã có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc TT BVQTGÂNVN.

PV: Thưa nhạc sĩ, TT BVQTGÂNVN hướng đến các đối tượng nào trong lần triển khai bảo hộ tác quyền này?

- TT BVQTGÂNVN trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được thành lập năm 2002 và là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và lời, có Chi nhánh phía Nam đặt tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2004. Hiện nay, Trung tâm đã được hơn 1.500 nhạc sĩ trên toàn quốc ủy quyền đại diện tác giả và đã thu được khoảng 32 tỉ đồng phí tác quyền để trao lại các nhạc sĩ.

Trước nay, chúng tôi chủ yếu ký kết bảo hộ quyền tác giả âm nhạc đối với các đài truyền hình, các hãng sản xuất băng đĩa, các công ty tổ chức biểu diễn... Lần này tại Cần Thơ, chúng tôi triển khai rộng đến tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức biểu diễn hoặc sử dụng băng đĩa nhạc như một phần trong kinh doanh - bao gồm các quán bar, nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán cà phê... theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tất cả các đơn vị, cá nhân trên khi sử dụng bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào - dù có lời hay không có lời - đều nên có văn bản xin phép tác giả và trả phí bản quyền. Tất cả các tác phẩm nhạc nước ngoài sử dụng trên lãnh thổ nước ta cũng sẽ phải trả tiền tác quyền, bởi nước ta đã ký công ước Berne và gia nhập WTO thì việc thực thi các quyền tác giả nằm trong tiến trình hội nhập thế giới.

PV: Theo tinh thần đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền từ nay cũng phải thực hiện quyền tác giả, như vậy sẽ khiến hoạt động văn hóa ở cơ sở vốn đang khó sẽ thêm khó khăn không?

- Các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các buổi biểu diễn phục vụ miễn phí của các đội thông tin lưu động hay các đoàn nghệ thuật nhà nước cũng sẽ phải thực hiện việc xin phép sử dụng tác phẩm âm nhạc và trả phí bản quyền. Các buổi diễn này dù không bán vé, nhưng đều có kinh phí thực hiện và mỗi một thành viên tham gia đều được trả thù lao, do đó phải thông báo với tác giả và trả phí tác quyền, dù chỉ tượng trưng.

Nhiều đơn vị thông tin tuyên truyền - đặc biệt là ở cấp quận huyện, xã phường - cho biết kinh phí dành cho hoạt động này rất eo hẹp và việc trả thêm tác quyền âm nhạc có thể sẽ gây nhiều khó khăn, bởi từ trước đến nay phần phí bản quyền cho tác giả không hề nằm trong dự toán ngân sách hằng năm. Chúng tôi đề xuất các đoàn nghệ thuật nhà nước, các đội thông tin lưu động nên căn cứ vào các văn bản luật mà tham mưu với các ngành, các cấp chủ quản ghi phần này vào dự toán năm 2010. Trước mắt, Trung tâm chưa thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc đối với các đơn vị này - chỉ cần gởi danh mục tác phẩm được sử dụng trong từng chương trình đến Trung tâm hoặc đến tác giả như một hình thức xin phép sử dụng tác phẩm.

PV: Các đơn vị không tổ chức biểu diễn, nhưng lại sử dụng băng đĩa nhạc như một phần trong kinh doanh sẽ làm thế nào để xin phép sử dụng tác phẩm âm nhạc và trả phí bản quyền?

- Trong tháng 10-2009 tới đây, chúng tôi sẽ cử một tổ chuyên viên đến các nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke, quán cà phê... để phổ biến những điều cơ bản trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành như Chỉ thị số 36/2008/CT-TTG ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13-5-2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Trung tâm sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thu phí bản quyền tác phẩm âm nhạc hằng năm dựa trên một số nguyên tắc và khung giá cơ bản. Ví dụ như với cơ sở kinh doanh karaoke thì phí tác quyền được thu dựa trên số phòng, với quán cà phê thì trên số ghế... theo giá giảm dần theo khu vực từ thành thị đến nông thôn. Hợp đồng giữa doanh nghiệp và chúng tôi được ký kết trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng nếu chưa đạt được thỏa thuận thì doanh nghiệp không có quyền sử dụng các tác phẩm âm nhạc với mục đích kinh doanh.

PV: Trung tâm dựa trên cơ sở gì để chuyển đến các tác giả phần phí tác quyền đã thu?

- Mỗi một đơn vị tổ chức biểu diễn đều có giấy phép thực hiện chương trình với danh mục cụ thể, căn cứ vào đó chúng tôi chuyển phí tác quyền đến từng tác giả. Riêng với các đài truyền hình, thì hằng năm đều có thống kê cho chúng tôi đã phát những bài hát gì và phát bao nhiêu lần nên cũng dễ dàng.

Với các doanh nghiệp chỉ sử dụng âm nhạc với mục đích kinh doanh, thì chúng tôi căn cứ trên danh mục băng đĩa mà cơ sở hiện có để thống kê các tác giả có bài hát được sử dụng để chuyển tiền tác quyền. Với các tụ điểm karaoke phải trả phí tác quyền cho các tác giả có bài hát trong danh mục sử dụng. Còn với các tác phẩm âm nhạc quốc tế thì chúng tôi chuyển đến Liên minh quốc tế các hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và lời.

PV: Thưa nhạc sĩ, chế tài như thế nào với các đơn vị vi phạm quy định?

- Căn cứ Nghị định 47 thì Thanh tra chuyên ngành văn hóa có thể phạt các đơn vị không chứng minh đã có xin phép tác giả hoặc hợp đồng trả phí bản quyền với mức phạt có thể từ 2 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay có thể nói chưa cơ sở nào bị phạt vì Nghị định 47 mới vừa ban hành hồi tháng 5-2009. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn vận động thực thi Luật Sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết