25/05/2010 - 21:23

HĐND THÀNH PHỐ GIÁM SÁT CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo

Các quy hoạch chậm triển khai thực hiện là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong ảnh: Quy hoạch khu công nghiệp Hưng Phú, quận Cái Răng.

Theo đánh giá của Thanh tra thành phố, năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đã có chuyển biến tích cực, các “điểm nóng” về khiếu nại đã lắng dịu, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự của thành phố… Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố tại một số cơ quan, đơn vị mới đây, cũng như qua phản ánh của cử tri, cho thấy công tác giải quyết KNTC của công dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Để giảm thiểu các trường hợp KNTC của công dân, theo nhiều đại biểu HĐND và cán bộ liên quan thì còn nhiều việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới...

Chuyển biến bước đầu...

Từ khi Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản có liên quan được ban hành, công tác giải quyết KNTC trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. Theo ghi nhận của Đoàn giám sát tại Thanh tra thành phố, năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, cơ quan này đã được UBND thành phố giao đề xuất xử lý 25 vụ tố cáo, trong đó có 3 vụ tố cáo đông người và đã đề xuất giải quyết được 18 vụ, còn 7 vụ đang xác minh. Cùng thời gian, Thanh tra thành phố được UBND thành phố giao đề xuất xử lý 162 vụ khiếu nại, đến nay đã tham mưu, đề xuất giải quyết được 112 vụ. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố, Trưởng Đoàn giám sát, nhận định: “Công tác tham mưu, đề xuất giải quyết KNTC của Thanh tra thành phố đã có nhiều chuyển biến so với các lần giám sát trước đây của Ban Pháp chế”.

Đoàn giám sát cũng đánh giá cao việc Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện, sở, ngành có lượng đơn thư tồn đọng nhiều. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy các đơn vị đều thực hiện tốt công tác tổ chức tiếp công dân. Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư KNTC của công dân được thực hiện theo đúng quy trình, thời gian; trách nhiệm xem xét, giải quyết đơn thư KNTC đảm bảo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp và giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân; đồng thời, giúp các cơ quan, đơn vị nhận thấy được các vướng mắc trong việc thực hiện chính sách để kịp thời chỉ đạo, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện...

Ông Nguyễn Văn Bê, Chánh Thanh tra thành phố, nhận xét: “Nhìn chung, tình hình KNTC của công dân hiện nay trên địa bàn thành phố đã giảm, nhất là khiếu nại đông người. Các “điểm nóng” về khiếu nại đông người trước đây, như: Nông trường Sông Hậu, Công ty Lương thực Cờ Đỏ, Viện Lúa ĐBSCL, các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn, Khu công nghiệp Trà Nóc II,... đã lắng dịu, giảm số lượng, tầng suất khiếu nại. Đó là nhờ UBND thành phố và các ngành chức năng, địa phương tập trung giải quyết với những giải pháp tích cực, phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của đoàn giám sát, vẫn còn một số vụ, việc còn tồn đọng, giải quyết chưa dứt điểm. Tính riêng năm 2009, vẫn còn 16,8% trên tổng số số vụ khiếu nại còn tồn đọng và 22,3% số vụ chưa tham mưu, đề xuất giải quyết. Bên cạnh đó, một số vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành giải quyết còn chậm; một bộ phận người dân dù đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, nhưng bị kẻ xấu lợi dụng, kích động tiếp tục khiếu nại,... Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế chính sách trên lĩnh vực bồi thường thiệt hại (BTTH) giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi, nhiều dự án, công trình được quy hoạch nhưng không triển khai, hoặc triển khai chậm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; một số trường hợp khiếu nại quyết liệt nhằm đòi hỏi thêm quyền lợi... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể chưa chặt chẽ, một vài cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại của người dân, ngại đối thoại và tiếp dân, lực lượng thanh tra viên tham mưu về giải quyết KNTC còn thiếu,...

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp...

Qua quá trình tham gia giải quyết KNTC ở địa phương, ông Mai Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: “Phần lớn KNTC của công dân trên địa bàn quận liên quan đến giá cả BTTH, giải phóng mặt bằng... Để giảm KNTC của công dân, thì nhất thiết phải thống nhất về giá cả BTTH giữa các dự án, để tránh nảy sinh tình trạng “so bì” giữa các hộ, dẫn đến khiếu nại, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, kích động khiếu nại đông người. Đồng thời, cần bố trí kinh phí để các đoàn thể phối hợp, hỗ trợ công tác tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật cho người dân”. Bên cạnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương nắm tình hình, sớm phát hiện, phối hợp xử lý kiên quyết các phần tử lợi dụng tự do dân chủ, sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, gây rối, theo ông Nguyễn Viết Xuân, Phó Chánh Thanh tra thành phố, UBND thành phố xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương để xảy ra điểm nóng không giải quyết kịp thời, nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài mà không có lý do chính đáng.

Theo dõi tình hình phối hợp giải quyết KNTC, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố, thành viên Ban Pháp chế HĐND thành phố, thành viên đoàn giám sát, đề nghị các cơ quan chức năng cần thông báo đến UBMTTQ thành phố kết luận giải quyết đối với các vụ việc, để nơi này biết xử trí với các tình huống người dân cố tình KNTC, dù đã được giải quyết”. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, thời gian qua có nhiều trường hợp đã có kết quả giải quyết KNTC, nhưng do cơ quan có tránh nhiệm không thông báo cho UBMTTQTP, nên khi tiếp công dân, UBMTTQTP ghi phiếu chuyển đề nghị UBND thành phố giải quyết. Có người “vịnh” vào lý do này để tiếp tục yêu cầu được giải quyết, mặc dù vụ việc đã có kết luận. Ông Nguyễn Trung Hiếu cũng cho rằng hiện nay, tất cả các địa phương đều có lực lượng Thanh tra Nhân dân. Đây là lực lượng nòng cốt có thể tham gia giải quyết ban đầu các vụ việc tại địa phương. Tuy nhiên, lực lượng này chưa được các ngành chuyên môn, địa phương quan tâm hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ để phối hợp cùng Thanh tra nhà nước phát hiện, tham gia giải quyết các tranh chấp, KNTC, góp phần giảm các KNTC vượt cấp, kéo dài...”.

TP Cần Thơ đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phải thu hồi đất, GPMB thực hiện các dự án phục vụ yêu cầu phát triển là điều không tránh khỏi. Do đó, việc chưa thống nhất với mức BTTH giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư là một trong những nguyên nhân chính của phần lớn các vụ KNTC. Vì vậy, việc thực hiện giải quyết thấu tình, đạt lý cũng như đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được pháp luật quy định sẽ góp phần giảm thiểu các vụ việc KNTC của công dân. Ông N.V.B ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến kè Xóm Chài, nói: “Trước đây, do giá BTTH của Nhà nước cho dự án thấp hơn giá thị trường, nên chúng tôi có khiếu nại với các cơ quan chức năng. Nhưng khi được giải thích hợp tình hợp lý về các quy định của Nhà nước đối với dự án công trình công cộng và được giải quyết nền tái định cư theo quy định, tôi chấp thuận bàn giao mặt bằng”. Cùng tham gia đoàn giám sát, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng việc phải giải quyết các KNTC chỉ là giải quyết phần “ngọn” của vấn đề, cái “gốc” vấn đề chính là việc người dân chưa thấu hiểu về chính sách, pháp luật, các quy định có liên quan... Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng, đúng đối tượng các chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân biết, thực hiện là hết sức cần thiết. Bởi khi người dân chưa hiểu, chưa nắm đầy đủ thông tin thì sẽ thắc mắc, khiếu nại. Do đó, khi thực hiện các dự án, công trình, nhất thiết chủ đầu tư, chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch tất cả thông tin về dự án, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đến khi thực hiện dự án, chính sách BTTH, hỗ trợ, tái định cư... Khi quyền và lợi ích chính đáng của người dân được đảm bảo theo quy định của pháp luật, chắc chắn tình hình KNTC sẽ giảm”.

Những nỗ lực giải quyết KNTC của công dân của các ngành, các cấp trong thời gian qua đã phần nào giải quyết được các vấn đề bức xúc của công dân. Tuy nhiên, để giảm thiểu KNTC trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Hy vọng rằng, thời gian tới, “gốc” của vấn đề KNTC sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất, thực hiện để giảm thiểu KNTT của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội, tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố phát triển.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết