02/02/2018 - 09:12

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn 

Những năm qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực triển khai nhiều hoạt động và chương trình, dự án nhằm phát triển sản xuất theo chiều sâu, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh và định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Hỗ trợ nông dân ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Chi cục không chỉ quan tâm phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật chuyên ngành mà còn tiến hành rất nhiều hoạt động tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, lấy các mẫu sản phẩm để kiểm tra, phân tích định lượng và định tính nhằm có cơ sở hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly khi dùng thuốc BVTV.  Đặc biệt, Chi cục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ thành phố, Trung ương và các dự án quốc tế (như VnSAT, WB6...) để hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là theo VietGAP trên nhiều đối tượng cây trồng như: lúa, rau màu, cây ăn trái... Cụ thể, Chi cục đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn và giúp nông dân trồng rau tại Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Long Tuyền ở quận Bình Thủy được cấp giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm rau an toàn phù hợp với quy trình VietGAP, với diện tích 10,22ha, sản xuất các chủng loại bí, dưa hấu, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa lê. Chi cục hướng dẫn, hỗ trợ HTX làm vườn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long, huyện Phong Điền thực hiện sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP với quy mô 17,5ha gồm 21 hộ dân tham gia, các loại cây trồng chủ yếu như mít, vú sữa, sầu riêng, nhãn, chanh, chôm chôm, hạnh, ổi... Năm 2017 đã có hơn 76ha lúa của nông dân tại HTX nông nghiệp Quyết Thắng tại huyện Vĩnh Thạnh được hỗ trợ sản xuất lúa đạt theo quy trình VietGAP. Năm nay Chi cục tiếp tục có kế hoạch hỗ HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh sản xuất khoảng 100ha lúa theo quy trình VietGAP...

Sản xuất rau màu tại HTX nông nghiệp Thân Thiện ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Sản xuất rau màu tại HTX nông nghiệp Thân Thiện ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ngành nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa nhằm hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV, quản lý dịch hại theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng rộng rãi Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và các kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa. Qua hàng ngàn lớp huấn luyện và các đợt tập huấn kỹ thuật được mở  trong những năm qua, hiện hầu hết nông dân TP Cần Thơ biết áp dụng phương pháp IPM, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và có trên 80% nông dân có sử dụng giống xác nhận, giúp tăng hiệu quả sản xuất đáng kể nhờ giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, ngành chức năng thành phố đã  phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp để tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn và vận động thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì thuốc BVTV để bảo vệ môi trường. Đơn cử, năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiến hành 100 cuộc tập huấn, với hơn 5.000 nông dân tham dự về sử dụng thuốc BVTV an toàn và cấp phát 2.000 tờ rơi, 100 poster hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời, vận động nhân dân thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV với tổng trọng lượng 380kg tại các quận, huyện.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được

Với nhiều chương trình, dự án và hoạt động hỗ trợ thiết thực được triển khai, nhận thức của người dân về sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn đã và đang được nâng cao. Nhiều nông dân đã quan tâm sử dụng các loại phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, tuân thủ tốt việc sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép và đảm bảo thời gian cách ly. Các kết quả kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm để phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và các đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho thấy, phần lớn số mẫu rau củ quả được kiểm tra đều không phát hiện dư lượng thuốc BVTV hoặc có nhưng ở mức an toàn.

Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Đầu ra các sản phẩm rau an toàn vẫn còn nhiều khó khăn do giá bán vẫn như nhiều loại rau sản xuất theo quy trình thông thường. Tuy nhiên, được sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, các xã viên HTX đã và đang vững tin phát triển sản xuất theo hướng an toàn. Bởi làm theo hướng này sẽ giảm sử dụng phân thuốc hóa học vừa giúp tránh ảnh hưởng xấu cho môi trường và sức khỏe người trồng rau, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.  Theo ông Bi, hiện HTX  có 9 xã viên, với diện tích đất canh tác hơn 5,2ha và có năng lực sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn rau/ngày. HTX đã đầu tư hệ thống phun tưới nước tự động trên diện tích khoảng 2ha và đang tích cực tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu để ổn định đầu ra. Đồng thời, tìm các công ty cung cấp phân bón hữu cơ và các loại vật tư đầu vào với giá cả hợp lý để giảm giá thành sản xuất nhằm có giá bán sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố tiếp tục tăng cường công tác dân vận từ chính quyền đến doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quy trình sạch được ngành nông nghiệp thành phố ban hành. Vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018, thành phố tiến hành xây dựng “vùng sản xuất lúa sạch” khoảng 10.000ha tại 4 quận, huyện gồm: Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Đối với rau màu và cây ăn trái, cùng với việc tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo VietGAP, thành phố cũng tập trung xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất rau quả được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn. Năm qua, thành phố đã mở rộng vùng sản xuất rau được cấp chứng nhận sản xuất an toàn với diện tích 229ha, sản xuất tập trung nhiều loại rau màu khác nhau, với sản lượng dự kiến hằng năm hơn 28.390 tấn.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết