25/06/2018 - 22:32

Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên trẻ   

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, phong trào nghiên cứu khoa học của trường cũng có vị trí nhất định trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Lãnh đạo nhà trường tiếp tục tạo mọi điều kiện, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ kiểm tra thiết bị làm từ đề tài nghiên cứu khoa học. 

Nỗ lực chung

Hơn 50 năm phát triển, Trường Đại học Cần Thơ không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho ĐBSCL. Chỉ trong 6 năm (năm 2012 đến 2017), sinh viên trường thực hiện 457 đề tài (tổng kinh phí trên 8,1 tỉ đồng) và giảng viên trẻ thực hiện 299 đề tài (tổng kinh phí trên 8,6 tỉ đồng). Phần lớn các đề tài có tính ứng dụng cao, đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp: Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; Holcim Prize; KOVA… Chuẩn bị tham gia Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018, Trường Đại học Cần Thơ đã tiếp nhận đăng ký 28 công trình nghiên cứu của sinh viên và cán bộ trẻ thuộc các lĩnh vực: Kinh tế và kinh doanh, Khoa học trái đất và môi trường, Khoa học giáo dục, Hóa dược, Toán học, Nông nghiệp, Trồng trọt, Kỹ thuật vật liệu và luyện kim. Qua thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, trường đã chọn được 20 công trình nghiên cứu khoa học (15 đề tài của sinh viên, 5 đề tài của cán bộ trẻ) có giá trị cao để trao Giải Tài năng Nghiên cứu khoa học trẻ Trường Đại học Cần Thơ.

Tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học trẻ năm 2018, do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua, đại diện tác giả, nhóm tác giả của đề tài đạt giải cao đã nêu những kết quả nghiên cứu hữu ích. Đề tài “Nghiên cứu thành phần loài và các chỉ số đa dạng sinh học của họ cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL” (đạt giải Nhất), đã bổ sung dẫn liệu khoa học, xác định thành phần loài và đa dạng sinh học của họ cá bống vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL. Đề tài cung cấp bộ mẫu 45 loài cá bống, 200 tiêu bản hiển vi tuyến tinh và tuyến trứng của 4 loài cá có giá trị kinh tế cao cho Phòng Thí nghiệm Động vật, Bộ môn Sư phạm Sinh học (Khoa Sư phạm) phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Theo Tiến sĩ Minh Quang, tác giả chính của đề tài, đây cơ sở để Chi cục Quản lý nguồn lợi thủy sản các tỉnh (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu) xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ  các loài cá bống này. Đề tài còn phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo (hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học và 3 sinh viên đại học); rèn kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên…

Trong 15 đề tài của sinh viên, đề tài “Phát triển năng lực tóm tắt văn bản bằng sơ đồ tư duy cho học sinh tiểu học” được trao giải Nhì, bởi sự mới lạ và sáng tạo. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu đề cập đến phát triển năng lực tóm tắt văn bản bằng sơ đồ tư duy cho học sinh trong nghiên cứu giảng dạy bậc tiểu học. Khi đề tài được áp dụng thực tế sẽ giúp học sinh nắm nội dung, tự đọc văn bản. Qua quá trình thực nghiệm, kỹ năng tóm tắt, diễn đạt của học sinh được cải thiện…

Nâng chất, phát triển phong trào nghiên cứu khoa học 

Trước năm 2009, số lượng đề tài, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của sinh viên, cán bộ trẻ Trường Đại học Cần Thơ, khá khiêm tốn, lĩnh vực nghiên cứu phần lớn tập trung vào nông nghiệp, thủy sản… Gần đây, số lượng đề tài, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, lĩnh vực nghiên cứu phong phú, đa dạng hơn; có cả lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn.

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá: Thành quả đó xuất phát từ sự quan tâm của trường, hỗ tích cực từ các đơn vị; nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên trẻ. Tuy nhiên, do sinh viên mới làm quen với công tác nghiên cứu khoa học nên một số em còn bỡ ngỡ, nhất là thủ tục hành chính, thủ tục tạm ứng và thanh toán kinh phí; một số sinh viên gặp khó trong sắp xếp thời gian, còn lúng túng trong triển khai đề tài… PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi cho biết: “Để phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, trường cân đối các hoạt động, tranh thủ các nguồn kinh phí cho hoạt động này. Các phòng chức năng phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức định kỳ hướng dẫn sinh viên xây dựng đề xuất, viết thuyết trình đề tài. Các đơn vị phân công cán bộ giảng dạy và tạo điều kiện để sinh viên có được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học...”.

Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phong trào nghiên cứu khoa học của trường ngày càng phát triển mạnh. Những năm gần đây số lượng đề tài ở lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn ngày càng tăng, có giá trị thực tiễn. Sắp tới, trường tạo mọi điều kiện, tranh thủ tối đa nhiều nguồn tài trợ để sinh viên, giảng viên trẻ phát huy năng lực. Bên cạnh kinh phí chung, trường còn có kinh phí cho sinh viên khởi nghiệp. l

Từ năm 2012, mỗi năm, Trường Đại học Cần Thơ dành ít nhất 1 tỉ đồng cho cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trường đang triển khai 435 đề tài các cấp (trong đó 6 đề tài thuộc chương trình Tây Nam bộ, 59 đề tài, dự án cấp bộ...); tổng kinh phí gần 92 tỉ đồng. 

 Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết