27/11/2018 - 22:34

Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp 

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam vừa phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Ngành cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp” nhằm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước đáp ứng tốt các yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiện đại, công nghệ cao. Thời gian qua, ngành cơ khí chế tạo của nước ta đã đạt được nhiều bước tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt được mức độ phát triển như mong đợi.

Hiện nay, các máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa tại ĐBSCL chủ yếu là máy của các nhà sản xuất Nhật Bản.
 (Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Hạn chế

Cùng với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển khá nhanh trên nhiều lĩnh vực sản xuất. Đến nay, mức độ cơ giới bình quân cả nước ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp đã đạt mức cao, gần như đạt 100%. Tuy nhiên, mức độ trang bị động lực và trình độ cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta còn thấp so với các nước. Hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ chỉ thích hợp quy mô hộ và đất manh mún. Cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được trên 30%, chủ yếu là các máy động lực có công suất đến 30HP. Phần lớn các máy nông nghiệp có tính năng kỹ thuật tương đối tiên tiến như: máy kéo trên 30HP, máy cấy, máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, máy thu hoạch chè và mía phải nhập khẩu.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cơ điện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khả năng đáp ứng của ngành cơ khí trong nước mới đạt 32,58%. Hiện mỗi năm ngành cơ khí phải nhập siêu hơn 10 tỉ USD, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất. Năm 2006 là 6,6 tỉ USD, năm 2012 là 16,04 tỉ USD, năm 2016 là 18,43 tỉ USD, năm 2017 là 21 tỉ USD. 

Hiện nay, cùng với quá trình mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới là một làn sóng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam, các công ty sản xuất các sản phẩm cơ khí của Việt Nam đã bắt đầu tìm được những đối tác chiến lược để hình thành các liên doanh sản xuất và lắp ráp thiết bị cơ khí. Tuy nhiên, do xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực yếu nên sản phẩm cơ khí của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam nói chung vẫn hạn chế về chất lượng, mẫu mã, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Ngoài ra, sản phẩm cơ khí còn hạn chế về thị trường xuất khẩu và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn so với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo thế giới.

Sản xuất nông nghiệp sẽ khó tạo ra giá trị gia tăng cao khi thiếu ngành cơ khí cho công nghiệp chế biến và nhiều lĩnh vực sản xuất còn phụ thuộc quá nhiều vào lao động thủ công. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi nước ta phải tăng cường đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo để phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, trong 20 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản tại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước là ĐBSCL đã phát triển rất đáng kể, góp phần quan trọng vào an toàn lương thực và xuất khẩu của cả nước. Song, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở đây chưa đạt như mong muốn. Công nghệ sau thu hoạch còn yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức. Thất thoát sau thu hoạch trên 2 triệu tấn thóc/năm. Công nghệ chế biến nông sản để đáp ứng yêu cầu giá trị gia tăng còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Ðầu tư phát triển

Công nghiệp cơ khí chế tạo là một ngành có vị trí đặc biệt quan trọng bởi sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước sẽ cho phép tiết kiệm những khoản ngoại tệ lớn dành cho nhập khẩu máy móc thiết bị hằng năm, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất trụ cột quan trọng hiện nay ở nước ta là nông nghiệp. Thực tế cho thấy, các quốc gia thực hiện thành công công nghiệp hóa hiện đại hóa trên thế giới đều có nền công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển ở trình độ cao.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, chưa bao giờ nội dung “cơ giới hóa” trở nên bức xúc trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản như hiện nay, để khai thác chuyển đổi cơ cấu có lợi nhất cho nông nghiệp và giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, cũng như giá công lao động ngày càng tăng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện thiếu nhà máy sản xuất các loại máy móc nông nghiệp. Đã đến lúc, chúng ta phải xem cơ khí hóa nông nghiệp là mệnh lệnh để phát triển, không phải là khẩu hiệu suông.

Nhiều chuyên gia khẳng định, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng đầu tư, phát triển sản xuất các máy móc, thiết bị phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là Nhà nước cần kịp thời quan tâm tạo hành lang pháp lý phù hợp và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan. Hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước bước đầu mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp như: Cơ khí Long An (LAMICO), Cơ khí Bùi Văn Ngọ, Vĩnh Thọ, Tư Sang, Veam… Các máy móc và thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, chế tạo rất phù hợp với điều kiện canh tác trong nước nên đã chiếm ưu thế nhất định và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, về năng lực công nghệ để chế tạo máy và thiết bị nông nghiệp, không phải là vấn đề quá sức với các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Nhưng để sản phẩm cạnh tranh được về giá, đưa đến tay người nông dân còn tồn tại nhiều khó khăn cần giải quyết. Đơn cử, các doanh nghiệp cơ khí chúng ta để đầu tư sản xuất họ phải nghiên cứu hoặc mua thiết kế, công nghệ, đương nhiên phải có chi phí cho việc làm chủ công nghệ, phải vay ngân hàng với lãi suất khá cao cùng với các điều kiện thế chấp nhất định. Trong khi đó, các nhà sản xuất ở nước ngoài thông thường đã có kinh nghiệm nhiều năm, không cần chi phí nhiều cho thiết kế, lãi suất ngân hàng họ vay cũng rất thấp. Do vậy, nếu Nhà nước không có những cơ chế, chính sách thích hợp thì sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết