19/06/2018 - 07:28

Thúc đẩy hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững 

Hôm nay, ngày 19-6-2018, tại TP Cần Thơ, diễn ra Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai. Trong 2 ngày (19 và 20-6), gần 300 đại biểu trong và ngoài nước đến từ 53 thành viên của ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan tập trung trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác ứng phó BĐKH vì sự phát triển bền vững.

Vì sự phát triển bền vững

Những năm gần đây, BĐKH luôn là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Tác động của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu của mục tiêu xóa đói giảm nghèo, của việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Những thiệt hại về người và của do BĐKH gây ra buộc chính phủ các nước phải có những chính sách tiên phong về vấn đề này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH, xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho các vùng của Việt Nam đến 2050 và xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia. Các chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà tài trợ và các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Tình hình sạt lở tại khu vực ĐBSCL diễn ra phức tạp trong những năm gần đây. Trong ảnh: Sạt lở tại phường An Thới, quận Ô Môn.
Tình hình sạt lở tại khu vực ĐBSCL diễn ra phức tạp trong những năm gần đây. Trong ảnh: Sạt lở tại phường An Thới, quận Ô Môn.

Hội nghị ASEM lần này do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức. Hội nghị là sáng kiến do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13, tháng 11-2017; được nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ như: Australia, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy. Đây là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên thứ ba liên quan đến hành động ứng phó BĐKH, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị góp phần đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là BĐKH, phát triển bền vững, góp phần triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đối với Việt Nam, đây là một trong những Hội nghị liên khu vực quan trọng nhất về BĐKH và là Hội nghị duy nhất của ASEM Việt Nam đăng cai trong năm 2018. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà còn tạo điều kiện để ĐBSCL tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ của các đối tác Á-Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Kết quả từ Hội nghị này sẽ được báo cáo tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (Brussels, từ ngày 18 đến 19-10-2018). Việt Nam luôn coi trọng và đặt ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối Á – Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên để xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình.

Cơ hội kết nối cho vùng ĐBSCL

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy hải sản, trái cây… phục vụ nhu cầu xuất khẩu và trong nước. Đây còn là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch và năng lượng sạch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, phải đối mặt với thời tiết cực đoan, khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đất bờ sông và bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, sụt lún… tác động nặng nề đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp khu vực, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148km.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: M.T
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: M.T

Vấn đề phát triển bền vững ĐBSCL trước tác động của BĐKH đã được xác định rất cụ thể trong nhiều nghiên cứu được trình bày tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, cũng như trong nhiều văn bản, nghị quyết của Trung ương và địa phương. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết đã đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, đề ra các giải pháp nhằm huy động nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.

 

Trong 2 ngày, hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp ứng phó BĐKH, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, ứng phó BĐKH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu thích ứng với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, đề xuất tăng cường hợp tác Á – Âu vì phát triển bền vững… Cụ thể:

+ Phiên thứ nhất: Phát triển trong bối cảnh BĐKH – Gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững.

+ Phiên thứ hai: Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH. 

+ Phiên thứ ba: Hành động ứng phó BĐKH. 

+ Phiên thứ tư: Định hướng tương lai: Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững. 

Ngoài ra, còn hoạt động triển lãm bên lề về ứng phó BĐKH và tham quan thực tế tại địa phương…

Thời gian qua, đã có nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, tài chính đối với vấn đề thích ứng BĐKH của vùng ĐBSCL. Hội nghị ASEM lần này có sự tham gia của các đại biểu nước ngoài đến từ 53 thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan, như: Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Ủy ban châu Âu, Ban thư ký ASEAN… Đây được xem là cơ hội cho các địa phương vùng ĐBSCL trong ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: Hội nghị ASEM là dịp các địa phương trong vùng trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các thành viên ASEM, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và bảo đảm các lợi ích, sự quan tâm về phát triển bền vững.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, từ năm 2011, Việt Nam cùng các nước ven sông Mekong và Danube  khởi xướng cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực. Thông qua các cơ chế hợp tác về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, Đối thoại ASEM về phát triển bền vững với trọng tâm là hợp tác Mekong - Danube, các Bộ, ngành, địa phương đã tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực của các thành viên ASEM trong ứng phó với BĐKH, quản lý nguồn nước gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. EU khẳng định hỗ trợ các nước hạ nguồn Mekong, cam kết tài trợ 1,7 tỉ Euro cho các chương trình của Mekong trong giai đoạn 2014-2020, các dự án hợp tác của Hungary, Hà Lan, Italy, Đức ở ĐBSCL... là những minh chứng sinh động. Kênh hợp tác địa phương đầu tiên trong ASEM giữa Bến Tre và Tulcea (Romania), Cần Thơ và Ruse (Bulgaria) mở ra triển vọng tham gia hợp tác thực chất, hiệu quả của các địa phương trong hợp tác ASEM…

LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết